Những thương hiệu vượt thời gian
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:30, 27/04/2020
Xà bông Cô Ba, kem đánh răng Dạ Lan, bia Trúc Bạch, bột Bích Chi, mỹ phẩm Thorakao, bông Bạch Tuyết, mì Hai Tôm, tàu vị yểu Con Mèo Đen... là những thương hiệu "đình đám" trên thị trường Việt Nam trước năm 1975. Cùng với sự biến chuyển của nền kinh tế đất nước sau 45 năm thống nhất, có thương hiệu vẫn duy trì đến hôm nay, có thương hiệu một thời "biến mất" nhưng sau đó lại tiếp tục hồi sinh, tất cả đều chung khát khao gìn giữ thương hiệu Việt.
Năm mươi hai năm bột Bích Chi
Năm 1966, gia đình khó khăn, vợ sinh thêm con gái, không đủ sữa, ông Trần Khiêm Khánh lấy gạo lứt rang xay thành bột nhuyễn cho con uống, đứa trẻ vượt qua suy dinh dưỡng, lớn khỏe. Thấy bột tốt, nhiều người đề nghị ông làm bột gạo lứt bán, rồi số người đặt mua lên tới cả trăm kilôgam mỗi tuần.
Sản xuất trong nhà máy Bích Chi những năm 1967 - 1975 |
Bán được nhiều nghĩa là chất lượng bột gạo lứt đã được người tiêu dùng nhìn nhận, ông Khiêm Khánh bắt đầu sản xuất nhiều. Ông đặt xưởng sản xuất ở Sa Đéc và chọn nhãn hiệu là Bích Chi - tên con gái đã được nuôi bằng bột gạo lứt từ lúc mới sinh. Tháng 3/1967, xưởng sản xuất bột Bích Chi bắt đầu hoạt động. Với hình ảnh "mẹ bồng con", bột Bích Chi nhanh chóng được biết đến rộng khắp miền Nam những năm 1967-1975.
Phương thức quảng cáo bột Bích Chi cũng rất sáng tạo, bài bản, như nhờ soạn giả Viễn Châu sáng tác bài vọng cổ, nghệ sĩ Ngọc Giàu và Thành Được ca, nhờ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết viết tân nhạc và hát cùng ca sĩ Ngọc Cẩm. Vào dịp Tết, tổng phát hành (nhà phân phối) đặt các gian hàng ở chợ Bến Thành, mở đĩa cho khách thập phương nghe bài vọng cổ mùi mẫn, bài tân nhạc tình cảm, vừa nấu bột tỏa mùi thơm phức, ai cũng tò mò đến ăn thử và mua bột.
Xe tổng phát hành còn đi rao hàng khắp Sài Gòn, cho dân chúng thưởng thức bột nấu tại chỗ, làm những pano lớn dựng ở những con đường chính đi các tỉnh, làm phim quảng cáo mời ca sĩ Phương Hoài Tâm đóng. Mời Thẩm Thúy Hằng - minh tinh màn bạc nổi tiếng thời đó quảng cáo bột Bích Chi.
Để làm phong phú các sản phẩm dinh dưỡng, ông Khánh sản xuất thêm các loại bột gạo lứt - đậu nành, bột đậu nành, bột đậu đỏ, bột năm thứ đậu, bột hỗn hợp gạo lứt - ngũ cốc. Năm 1970, nhà máy bột Bích Chi đã có cả trăm công nhân, bột Bích Chi được các hãng sữa Dielac và Guigoz danh tiếng tới mua bột.
Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 7/1975, gia đình ông Trần Khiêm Khánh đã hiến Nhà máy Bột Bích Chi ở Sa Đéc cho Nhà nước và ông Trần Khiêm Khánh được Tổng cục Công nghiệp Thực phẩm thuộc Ban Kinh tế Kế hoạch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam bố trí làm giám đốc.
Khi nhà máy đã quốc hữu hóa, ông Khánh điều hành chặt chẽ, không lãng phí bất cứ thứ gì. Lúa mua về xay ra gạo để làm bột, vỏ trấu được bán cho mấy lò gạch ở Sa Đéc, cám đưa vào trại chăn nuôi heo. Vỏ hạt đậu nành trộn với cám, vỏ tôm làm thành thức ăn chăn nuôi. Trong điều kiện tài chính eo hẹp, ông Khánh vẫn chú trọng đầu tư cho bộ phận cơ khí cải tiến máy móc, thiết bị để làm ra nhiều sản phẩm chi phí thấp. Vì vậy, Nhà máy đã mang lại đời sống no ấm cho gần 200 công nhân và gia đình họ.
Năm 1984-1988, Bột Bích Chi được chọn tham gia chương trình 2651 của Chính phủ với sự viện trợ của Chương trình Lương thực Thế giới (PAM) về chống suy dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Đây là chương trình viện trợ quốc tế lớn đầu tiên cho Việt Nam trong thời kỳ đất nước bị cấm vận, đã nhận được tài trợ và được trang bị máy móc hiện đại để sản xuất bột dinh dưỡng cho chương trình PAM.
Sản xuất trong nhà máy Bích Chi hiện nay. |
Năm 1990, Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em thuộc Sở Y tế TP.HCM bắt đầu sản xuất sản phẩm Risolac, đã đặt Nhà máy Bột Bích Chi gia công hỗn hợp bột gạo và đậu nành. "Thương hiệu Bích Chi trường tồn" là ước nguyện của gia đình ông Trần Khiêm Khánh và những người đã tham gia sáng lập thương hiệu, cho dù họ chịu nhiều thiệt thòi khi chính sách kinh tế thay đổi qua các giai đoạn phát triển của đất nước.
Công ty CP Thực phẩm Bích Chi hiện là doanh nghiệp sản xuất bột lớn nhất tại Đồng Tháp với nhãn hiệu Bích Chi, công suất 1.200 tấn bột và 3.000 tấn ngũ cốc/năm. Ngoài các sản phẩm truyền thống như bột gạo lứt, bột dinh dưỡng, bột đậu các loại, Công ty còn có nhiều sản phẩm như cháo gạo lứt muối mè, bột mè đen, bột năm thứ đậu, phở ăn liền, hủ tiếu ăn liền, bún ăn liền, bánh tráng, bánh phồng tôm, góp phần làm gia tăng giá trị hạt gạo Việt Nam.
Bên cạnh mục tiêu trở thành doanh nghiệp thực phẩm hàng đầu ở Việt Nam, Công ty đang nỗ lực xuất khẩu, doanh số xuất khẩu hiện chiếm trên 61% doanh thu thuần của Công ty. Năm 2019, Công ty được công nhận là doanh nghiệp tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế ở khu vực và cả nước trong 10 năm qua.
Bền bỉ giữ thương hiệu Thorakao
Nằm góc ngã tư đường Điện Biên Phủ - Cách Mạng Tháng Tám quận 3, tòa nhà Công ty Mỹ phẩm Lan Hảo mấy chục năm qua vẫn không thay đổi, trên cao tòa nhà, logo thương hiệu Thorakao vẫn hiện hữu như nhắc nhở sự trường tồn của một thương hiệu đã có mặt trên thị trường hơn bốn thập kỷ trước.
Năm 1957, khi thị trường còn tràn ngập các loại mỹ phẩm đến từ Pháp, cơ sở chế biến hóa mỹ phẩm của bà Lan Hảo ra đời các loại kem dưỡng da làm từ nguyên liệu tự nhiên sẵn có trong nước, như trân châu, thạch cao... Năm 1961, Công ty Lan Hảo thành lập với các dòng sản phẩm mang thương hiệu Thorakao. Đến năm 1969, Công ty đã có 6 chi nhánh ở miền Nam và một chi nhánh ở Campuchia, trở thành thương hiệu mỹ phẩm số một trong nước, thống lĩnh thị trường suốt thời gian dài.
Đặc biệt, dòng kem dưỡng da chiết xuất từ nghệ của Thorakao đã tạo ra cơn sốt ở thị trường trong nước và sau đó được đón nhận tại Lào, Campuchia, một số nước Trung Đông, sản phẩm có mặt tại nhiều shop ở châu Âu, Mỹ, Canada, Úc.
Xuất thân từ gia đình có nhiều đời theo nghiệp y học cổ truyền, kiến thức đó cộng với kinh nghiệm sản xuất mỹ phẩm do bà Lan Hảo - mẹ vợ truyền lại, từ năm 1968, TS. Huỳnh Kỳ Trân - Chủ tịch HĐQT Công ty Mỹ phẩm Thorakao, người kế nghiệp Công ty Lan Hảo đã chuyên tâm nghiên cứu, chế tạo sản phẩm mới và đã có hàng trăm phát minh, sáng chế.
Đầu những năm 1990, các thương hiệu mỹ phẩm ngoại theo nhau vào thị trường Việt Nam và lấn át các công ty mỹ phẩm trong nước. Thorakao cũng không ngoại lệ và phải chấp nhận làm gia công cho đối thủ. Suốt nhiều năm nhận làm gia công nhưng không chịu "bán mình" trước làn sóng thôn tính và ngỏ lời mua lại Công ty với giá 30 triệu USD của một số tập đoàn nước ngoài, Thorakao lặng lẽ vươn lên khẳng định thương hiệu từng tên tuổi một thời.
Toà nhà Thorakao |
Nhận thấy xu hướng của tiêu dùng đang quay lại với thiên nhiên, ông Trân chọn hướng đi mới: nghiên cứu nhiều dòng sản phẩm từ cây cỏ như bạc hà, sả, hồi, nghệ, bồ kết, gừng, chanh, bưởi, dưa leo, nha đam, lô hội, chùm ngây, mủ trôm, bùn khoáng, ốc sên... để sản xuất ra hàng loạt sản phẩm thiên nhiên như dầu gội bưởi, tỏi, kem nấm vân chi, dầu dừa, dầu olive, kem trắng da chanh.
Người kế nghiệp Thorakao khẳng định: "Muốn giữ được thương hiệu trường tồn thì người làm ra thương hiệu và gìn giữ nó phải thiện tâm. Tại sao người dân Việt Nam ít đi sự tôn trọng với hàng Việt, bởi vì một bộ phận nhà sản xuất không có lương tâm, lúc đầu làm tốt, càng về sau càng dở để bỏ vốn ít hơn mà thu lợi được nhiều hơn".
Ngày nay, mọi thương hiệu đều kinh doanh trong thế giới phẳng và liên kết với nhau theo chuỗi. Chuỗi giá trị cũng phải tạo bằng tâm lành. Bền vững của doanh nghiệp nằm trong giá trị đạo đức.
Trong lúc cả nước đang dồn sức chống dịch Covid-19, ông Trân đã hoàn thành đề tài khoa học hỗ trợ trị bệnh virus E71 từ lá trầu không của Viện Khoa học Đào tạo công nghệ cao (kinh phí do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đầu tư). Ông cũng đang nghiên cứu nhiều chế phẩm mới như nước súc miệng, nước vệ sinh phụ nữ từ lá trầu không có khả năng sát khuẩn, diệt virus và nấm. Ông tiếp tục nghiên cứu những hoạt chất trong lá trầu không để có thể làm ra nhiều sinh phẩm khác, kể cả chất kháng virus SARS-CoV-2.
Kem Dạ Lan hồi sinh sau 10 năm bị quên lãng
Năm 1988, ông Trịnh Thành Nhơn - hiện là Tổng giám đốc Công ty TNHH Hóa Mỹ phẩm Quốc tế (ICC) đưa ra thị trường kem đánh răng Dạ Lan. Ra đời vào thời bao cấp, kem đánh răng Dạ Lan được khách hàng đón nhận và trở thành sản phẩm bán chạy và đánh bật các sản phẩm từ Trung Quốc lúc bấy giờ.
Đầu thập niên 1990, mỗi sáng, trước cửa nhà máy, người xếp hàng dài chờ mua sản phẩm Dạ Lan đã khiến nhiều tập đoàn nước ngoài "thèm thuồng". Dạ Lan tựa như một "cô gái đẹp" và đã nhận được nhiều lời "dụ dỗ", cuối cùng cũng đã "xiêu lòng" trước Colgate. Nhiều người cho rằng, ông chủ Dạ Lan đã sai lầm, nhưng ông Nhơn lại nói: "Quyết định bắt tay với Colgate là bởi tôi nghĩ rằng đã tìm được đối tác có thể giúp mình đi xa hơn".
Điều đáng tiếc là cái bắt tay này không như ông Nhơn kỳ vọng. Colgate nhanh chóng bỏ thương hiệu Dạ Lan vì chỉ mục đích "mua thị phần". Tên tuổi Dạ Lan chìm vào quên lãng. Sau 10 năm, khi hợp đồng liên doanh giữa Dạ Lan và Colgate hết hiệu lực, ông Nhơn thành lập ICC và nhanh chóng "hồi sinh" thương hiệu Dạ Lan với khát khao tìm lại vị thế cho thương hiệu xưa.
Để tìm đầu ra và tiếp thị sản phẩm, Dạ Lan sử dụng chiến lược kinh doanh đánh vào thị trường ngách, như vùng nông thôn, vùng núi, liên tục tiếp thị bằng cách cho khách hàng dùng thử, tặng quà, bán lưu động.
Hiện kem đánh răng Dạ Lan đã có gần 10 loại và chiến lược "hồi sinh" của ông chủ Dạ Lan là định hướng sản phẩm cho người dùng, thay vì ngồi chờ xem họ cần gì và con đường "hồi sinh" Dạ Lan cũng là mục tiêu theo đuổi của cả gia đình khi ông và vợ quyết định ở lại Việt Nam, không định cư tại Canada và hai con cũng tham gia công cuộc hồi sinh Dạ Lan.Dù rất nỗ lực để vực dậy thương hiệu này nhưng phải thừa nhận khoảng cách so với các "ông lớn" như Colgate, P/S còn rất xa, thậm chí ICC từng cận kề phá sản lần thứ hai khi Công ty thua lỗ suốt nhiều năm nay.
Nhiều người nói không sớm thì muộn Dạ Lan cũng phá sản, nhưng ông Nhơn khẳng định: "Tôi đầu tư sản xuất, gầy dựng một thương hiệu bị quên lãng suốt 10 năm thì không thể đòi hỏi một sớm một chiều. Nói vậy, nhưng có lúc thấy con đường hồi sinh đã hiện hữu nhưng thành công thì còn dài quá", ông Nhơn bộc bạch. Song ông luôn tự động viên: "Phải kiên trì để có một ngày tạo ra bước ngoặt cho kem đánh răng Dạ Lan từng có thị phần không nhỏ 30 năm trước".
Nước tương Nam Dương - Hương vị truyền thống không quên
Có mặt trên thị trường từ năm 1951 tại Bến Bình Đông, TP.HCM, tàu vị yểu Con Mèo Đen (nước tương Nam Dương) là một trong những sản phẩm vang bóng một thời, đi vào đời sống của hàng triệu gia đình như một thức chấm không thể thiếu trên mâm cơm.
Với chiến lược phát triển tập trung vào chất lượng và hương vị, đến năm 1970, nước tương Nam Dương đã có số nhân viên lên đến 400 người và mở rộng nhà máy ở Lào, Campuchia, trở thành một trong những biểu tượng của sản phẩm gia vị Việt Nam những năm thập niên 70-80. Trong ký ức của nhiều người, nhà xưởng thương hiệu Con Mèo Đen tại khu Chợ Lớn ngày đó là một tòa nhà 3 tầng sầm uất, có quán cà phê, hội trường, phòng thể thao... như một khu phố thu nhỏ.
Đến năm 1981, Nam Dương được chuyển giao về Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) và liên tiếp những năm sau đó, Công ty đạt được nhiều giải thưởng như Sao Vàng Đất Việt (2005), Doanh nghiệp xanh vì thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường (2012)... và liên tục được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao trong 18 năm liền.
Đến thời điểm đất nước mở cửa, Nam Dương cũng từng gặp phải rất nhiều khó khăn như bất cứ thương hiệu nào tồn tại trong giai đoạn đó. Song nhờ những cải cách kịp thời, Nam Dương đã theo kịp sự phát triển kinh tế của thị trường trong và ngoài nước. Tuy vậy, sự cạnh tranh gay gắt với những làn sóng mới trong xu hướng tiêu dùng khiến thị phần của Nam Dương ngày một thu hẹp. Từ năm 2007, chai nước tương dán nhãn chú mèo đen gần như chỉ được thấy trên kệ hàng của Co.opmart.
Vào thời điểm ấy, Tập đoàn Wilmar (Singapore) cũng đang tìm kiếm một thương hiệu Việt Nam phù hợp để tiến tới hợp tác liên doanh, mở rộng thị trường. Trước đề nghị của Wilmar, Saigon Co.op và Tập đoàn Wilmar chính thức hợp tác liên doanh, thành lập Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế Nam Dương (NDFC). Từ liên doanh này, nhà máy mới tại Khu công nghiệp Hiệp Phước đã thành lập với số vốn đầu tư 25,6 triệu USD, đi vào hoạt động vào tháng 12/2017, công suất 50.000 tấn một năm.
"Chiến lược bảo tồn hương vị truyền thống đặc trưng từ năm 1951" là mục tiêu xuyên suốt của NDFC. Từ năm 2015, NDFC được vận hành theo một hình thức mới nhưng chiến lược vẫn nhất quán là phải bảo tồn hương vị.
Sau 4 năm liên doanh, cột mốc đáng nhớ nhất của Nam Dương là nhận được danh hiệu "Hương vị nước tương Việt Nam ngon nhất 2019" do Culture Magazine (Canada) - tạp chí văn hóa song ngữ Việt - Anh tại khu vực Bắc Mỹ trao tặng cho dòng sản phẩm nước tương Nam Dương đậm đặc.
Nước tương Nam Dương cũng đang đưa vào hệ thống phân phối của Wilmar trên toàn thế giới. Trong cơ cấu doanh thu Nam Dương, hàng xuất khẩu chiếm 25-30%. Hiện tại, nước tương Nam Dương cũng đã được xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản...
Với thế mạnh là một nhãn hiệu truyền thống Việt Nam cũng như được đa số người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, Nam Dương là một trong những thương hiệu nước chấm, gia vị được yêu thích với danh mục các sản phẩm đa dạng như: nước tương, tương ớt, tương cà, dầu giấm, dầu hào... tiếp tục đáp ứng nhu cầu ẩm thực tinh tế của người tiêu dùng Việt.