Việt Nam đang có cuộc trở mình đầy ngoạn mục
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 06:00, 28/04/2020
Đại diện cho các DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, ông John Fering - Tổng giám đốc Ngành Dinh dưỡng Vật nuôi, Cargill Thái Lan và Việt Nam, cùng ông Gricha Safarian - Tổng giám đốc Puratos Grand Place Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn của mình khi nhìn lại hành trình đã qua tại Việt Nam.
* Đánh giá của các ông về sự phát triển của kinh tế Việt Nam từ khi doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đến nay?
- Ông Gricha Safarian: Tôi bắt đầu làm việc tại Việt Nam vào năm 1994 và chính thức đầu tư lắp đặt hệ thống nhà xưởng, máy móc sản xuất vào năm 2001 và là nhà máy sản xuất sôcôla đầu tiên tại Việt Nam. Từ năm 1994 đến nay, tôi chứng kiến cuộc trở mình đầy ngoạn mục của nền kinh tế Việt Nam và tôi luôn cảm thấy vinh dự khi là nhân chứng nhìn thấy sự phát triển và thay đổi diễn ra từng ngày.
Ông Gricha Safarian - Tổng giám đốc Puratos Grand Place Việt Nam |
Năm 1993 tôi đặt chân đến Việt Nam, được tiếp xúc và làm việc mỗi ngày với con người Việt Nam, tôi tự tin rằng, đây là một đất nước tuyệt vời để khởi nghiệp. Nhưng đó chỉ là cảm nhận bởi khi ấy vẫn chưa có gì rõ ràng để khẳng định cho cảm nhận cá nhân của tôi, thậm chí người ta còn cười nhạo quyết định của tôi khi đưa cả gia đình sang Việt Nam lập nghiệp vào năm 1994. Nhưng ngày hôm nay, tôi thấy cảm nhận ấy thật đúng đắn.
Con người Việt Nam rất thủy chung, làm việc chăm chỉ, sáng tạo, kiên cường. Đại đa số những người tôi gặp đều có một nền tảng giáo dục tốt và tinh thần lạc quan. Đây chính là những yếu tố nền tảng cho sự phát triển kinh tế của một quốc gia và đã được khẳng định qua hiệu quả kinh tế của đất nước.
- Ông John Fering: Cargill đầu tư vào Việt Nam ngay sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Từ đó đến nay, kinh tế thương mại của Việt Nam nói chung và thương mại song phương Việt - Mỹ nói riêng: kim ngạch tăng vượt bậc từ 450 triệu USD năm 1995 đến nay đạt hơn 60 tỷ USD.
Pháp luật và chính sách cũng được bổ sung, chỉnh sửa để phù hợp với quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế, tham gia WTO để dần mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp FDI. Đến năm 2009, Cargill được trực tiếp xuất nhập khẩu và phân phối hàng hóa tại Việt Nam, nhờ thế, hiện nay các khách hàng tại Việt Nam được tiếp cận nhiều nguồn hàng phong phú của Cargill trên toàn cầu như các loại ngũ cốc và hạt có dầu, thịt bò, nguyên liệu thực phẩm, sắt thép...
Trong 25 năm vừa qua, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực cải cách kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt trong đầu tư xây dựng hạ tầng như đường bộ, đường sông, cảng...
* Ấn tượng của hai ông về môi trường đầu tư cũng như sự phát triển kinh tế Việt Nam?
- Ông Gricha Safarian: Có thể nói, Chính Phủ Việt Nam đã tạo ra một bước tiến lớn vào khoảng năm 2000 khi cho phép sự hoạt động của doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Điều này thật sự tạo ra một bước ngoặt phát triển mới, cũng như việc thành lập các khu công nghiệp chất lượng cao như VSIP (Bình Dương).
Từ thời điểm đó, doanh nghiệp nước ngoài như “cá gặp nước”, bởi môi trường đầu tư lý tưởng với thủ tục nhanh chóng, không quan liêu và nguồn lao động dồi dào để điều hành. Việt Nam đã có một loạt những hỗ trợ theo sau cho các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, nhưng đối với tôi, chỉ riêng bối cảnh vào năm 2000 đã tạo điều kiện đủ thuận lợi giúp tôi thiết lập mọi thứ theo trật tự có được như ngày hôm nay.
- Ông John Fering: Cargill hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm và lĩnh vực chuyên môn là dinh dưỡng vật nuôi. Năm 1997, sau khi nhà máy thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đầu tiên của Cargill đi vào hoạt động tại Biên Hòa, Cargill tiếp tục đầu tư một nhà máy ở miền Bắc nhưng do thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng tại một số địa phương gặp nhiều khó khăn nên không thực hiện được.
Ông John Fering - Tổng giám đốc Ngành Dinh dưỡng Vật nuôi, Cargill Thái Lan và Việt Nam |
Đến năm 2003, nhà máy TĂCN miền Bắc của Cargill mới được khởi công nhờ chính sách “trải thảm đỏ đón nhà đầu tư”. Hiện Cargill đang tiếp tục xây dựng nhà máy phù hợp và đang được các tỉnh giải quyết nhanh gọn. Đến nay, Cargill đã có 11 nhà máy TĂCN với gần 1.500 nhân viên tại Việt Nam.
Vào cuối những năm 90, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn chủ yếu là chăn nuôi nông hộ bằng thức ăn truyền thống như ngô, khoai, rau... Đến nay, Việt Nam có nhiều trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy hải sản quy mô lớn sử dụng thức ăn công nghiệp, ứng dụng các kỹ thuật chăn nuôi và chăm sóc sức khỏe vật nuôi tiên tiến, có nguồn giống tốt, an toàn sinh học.
Trong hai thập niên vừa qua, ngành TĂCN có tốc độ tăng trưởng hai con số, đưa Việt Nam trở thành nước dẫn đầu ASEAN và thứ 10 thế giới về sản lượng TĂCN. Hiện Việt Nam rất có tiềm năng về xuất khẩu thịt sang các nước khác.
Chất lượng cuộc sống và dinh dưỡng của người dân Việt Nam vì vậy cũng có sự cải thiện đáng kể. Từ năm 2002-2018, 45 triệu người đã thoát nghèo. Lượng tiêu thụ thịt/đầu người cũng tăng mạnh, từ mức chỉ 15kg/người/năm vào năm 1995 lên mức 53kg/người/năm hiện nay.
* Vậy còn khó khăn nào khi các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam không, thưa các ông?
- Ông Gricha Safarian: Chúng tôi cũng vấp phải một số khó khăn nhưng hầu hết đã được giải quyết. Tuy nhiên, gần đây chúng tôi gặp một trường hợp tương đối nan giải liên quan đến thuế nhập khẩu do những quy định chưa được nhất quán. Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng hiểu rõ hơn bằng cách làm việc với các cơ quan có thẩm quyền. Ngoài vấn đề này, tôi có thể khẳng định chúng tôi rất vui khi được đầu tư tại Việt Nam và chúng tôi muốn tiếp tục làm việc ở đây với tầm nhìn dài hạn.
- Ông John Fering: Sự thành công của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ bởi các chỉ số kinh tế hấp dẫn mà còn bởi Chính phủ đã rất nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư bình đẳng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Cargill gặp khó khăn trong quá trình thực hiện một số chính sách.
Link bài viết
Như những thay đổi về luật pháp chưa theo kịp thay đổi của thị trường: ngành nông nghiệp đang phát triển rất nhanh chóng, dẫn đến phát sinh một số vấn đề trong sản xuất và kinh doanh mà chưa có quy định trong pháp luật hiện hành, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Hay quá trình thực thi chính sách có sự chưa nhất quán giữa một số cơ quan quản lý, khiến doanh nghiệp bối rối. Một số quy định lại có lộ trình thực hiện quá gấp khiến doanh nghiệp không kịp điều chỉnh hoạt động cho phù hợp. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng Chính phủ sẽ sớm có những cải tiến nhằm xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, công bằng và cạnh tranh lành mạnh hơn nữa.
* Ông có ý kiến góp ý, đề xuất nào để giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, thưa ông?
- Ông John Fering: Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục có tiềm năng rất lớn và theo xu thế nông nghiệp công nghệ cao với ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu.
Người nông dân đóng vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu suất và giá trị của ngành nông nghiệp, họ cần được hỗ trợ để nâng cao năng lực. Việt Nam cần tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người nông dân để họ không chỉ sản xuất đơn thuần mà còn kinh doanh thực sự, vừa giúp cải thiện sinh kế vừa sản xuất theo đúng kế hoạch tổng thể của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững.
- Ông Gricha Safarian: Theo chứng kiến của tôi từ những ngày đầu tiên đến bây giờ, Chính Phủ Việt Nam đã hoàn thành vai trò một cách xuất sắc. Như thực tế trong cuộc khủng hoảng Covid-19 cho đến nay, Việt Nam được cả thế giới đánh giá là một trong những quốc gia quản lý khủng hoảng tốt nhất trên toàn cầu. Tôi theo dõi sát tình hình bùng phát của dịch bệnh và cuộc khủng hoảng kể từ đầu tháng 1/2020 và nhận thấy chiến lược quản lý khủng hoảng Covid-19 của Việt Nam rất mạnh mẽ và thông minh.
Tuy nhiên, sẽ rất tuyệt vời nếu các vấn đề môi trường cũng được giải quyết tương tự như Covid-19. Môi trường có lẽ là một trong những mối đe dọa lớn đối với tương lai sự phát triển của Việt Nam, nhưng tôi tin với chiến lược đúng đắn, Việt Nam cũng có thể dẫn đầu như một điển hình về một “mặt trận xanh”. Chúng tôi đang nỗ lực cùng với nông dân trồng thêm cây ca cao và cây xen canh ở Đắk Lắk và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
* Xin cám ơn các ông.