Ông Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc Công ty CP Vũ Trụ Xanh: “Cần sự chung tay của nhiều doanh nghiệp để giúp người nghèo”

Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 01:16, 29/04/2020

Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác” là lời Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc Công ty CP Vũ Trụ Xanh - người sáng chế chiếc máy phát gạo thông minh (ATM gạo) nhắn nhủ những ai đến nhận gạo hỗ trợ trong những ngày cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid-19.
ThanhHai-1-8089-1588068832.jpg

Chín giờ sáng có mặt tại điểm phát gạo tự động số 204B Vườn Lài, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM, chứng kiến nhiều người già, trẻ, bán vé số, người phụ quán ăn, làm công nhân có hoàn cảnh khó khăn đang xếp hàng theo khoảng cách quy định để đảm bảo an toàn phòng chống bệnh, ai cũng vui và cảm động khi cầm bịch gạo vừa nhận được. Thông điệp mà Chính phủ gửi đến người dân: Không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch, càng ấm áp hơn vào lúc này.
Bên trong điểm phát gạo, những nhân viên được phân công tiếp gạo, vận hành máy luôn tay luôn chân, cả người sáng chế ra chiếc máy ATM gạo cũng bận rộn. Phải chờ mấy tiếng đồng hồ, tôi mới gặp được Tuấn Anh.
Hỏi Tuấn Anh về ý tưởng chế tạo ra chiếc máy phát gạo tự động, ông chia sẻ:
- Khi dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ bắt đầu cho cách ly một số khu vực, khi dịch bệnh có nguy cơ lan rộng, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có yêu cầu giãn cách xã hội. Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, đường sá ở TP.HCM vắng hẳn xe cộ, người qua lại, hàng quán đóng cửa, người lao động nghỉ việc ở nhà. Đó cũng là lúc tôi nhận ra, còn có rất nhiều người khó khăn sẽ càng khó khăn thêm khi mọi hoạt động cũng như nền kinh tế chung bị chững lại.
Cùng lúc đó, nhiều người thiện nguyện đang  giúp đỡ cộng đồng đã truyền cảm hứng cho tôi và bản  thân mình cũng muốn truyền lại cảm hứng cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp để chung tay cùng cả nước vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Mỗi ngày bưng chén cơm lên ăn, chợt thấy mình còn quá hạnh phúc so với nhiều người không có việc làm. Thế là tôi nảy ra ý định phát gạo thiện nguyện.
Kinh doanh trong lĩnh vực nhà thông minh và khóa điện tử, dưới góc nhìn của dân kỹ thuật, tôi thấy khi phát quà từ thiện trực tiếp thì người nhận dễ tạo đám đông, không đúng với tinh thần giãn cách xã hội của Chính phủ. Vì thế, tôi nghĩ ra cách lấy một số thiết bị của nhà thông minh để làm cái máy phát gạo tự động. Khi có người đến nhận, rửa tay sát khuẩn và ấn nút, gạo sẽ chạy ra từ bồn chứa, mỗi lần 1,5kg.
* Mất bao lâu để ông thực hiện ý tưởng  này?
- Sau khi chia sẻ ý tưởng với nhân viên kỹ thuật, chúng tôi bắt tay vào làm. Do phải làm gấp, không thể đặt hàng ở chỗ khác nên chúng tôi tháo mô tơ trong chiếc máy thử khóa của Công ty và một số linh kiện điện tử, một số vật tư để làm ra cái máy phát gạo này, chi phí chỉ hơn 10 triệu đồng. Mất 8 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã hoàn thành chiếc máy và đưa vào hoạt động. 
* Chỉ sau một tuần, chiếc máy phát gạo tự động của ông được nhiều người biết đến. Sau đó ở Hà Nội và một số tỉnh cũng có mô hình này. Cảm nhận của ông thế nào?
- Dĩ nhiên là rất vui vì việc làm của mình không chỉ giúp những người khó khăn mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa có ích cho xã hội. Đất nước còn nhiều người gặp khó, một doanh nghiệp không đủ sức mà cần sự chung tay của nhiều doanh nghiệp, cá nhân, càng nhiều càng tốt, để giúp đỡ họ. Trong tình hình hiện nay, thứ mà nhiều người cần nhất là gạo. Vì vậy, lúc đầu, tôi dự định phát mỗi ngày 500kg, tuy nhiên ngày đầu tiên đã lên đến một tấn. Ngày thứ hai, có nhiều cá nhân, tổ chức chở gạo đến để góp thêm cho chúng tôi. Hiện mỗi ngày bình quân 3.000 lượt người xếp hàng trật tự để nhận gạo. Lượng gạo phát ra bình quân hơn 3 tấn mỗi ngày.
Trước đó, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hưởng ứng lời kêu gọi từ Chính phủ, từ lãnh đạo TP.HCM, tôi đã góp hơn 100 chiếc chuông cửa camera - sản phẩm của Công ty cho bệnh viện dã chiến ở huyện Củ Chi, bệnh viện dã chiến huyện Cần Giờ và Viện Pasteur TP.HCM để góp phần giúp đội ngũ thầy thuốc - những người đang ở tuyến đầu chống đại dịch hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân để đề phòng bị lây nhiễm.   
* Có một số thông tin cho rằng, việc làm này của ông cũng là cách PR doanh nghiệp. Cảm giác của ông khi nghe thông tin này thế nào?
- Tôi làm công việc này là do từ tâm nên không quan tâm ai nói gì. Trong cuộc chống đại dịch này, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, tôi cũng gặp không ít khó khăn, phải gồng mình duy trì hoạt động. Khó khăn lắm nhưng xung quanh, nhiều người còn khó khăn hơn mình, họ phải chạy từng bữa để tìm cái ăn cho gia đình. Nhiều tối xem tivi, thấy thông tin có những nước nghèo trên thế giới, người dân không tuân thủ giãn cách xã hội, vẫn lao vào kiếm sống chỉ vì sợ đói. Vậy nên, việc mình làm không lớn nhưng mang lại niềm vui, giúp đỡ thiết thực những người cần giúp, nhất là nhìn thấy những người đến đây nhận gạo được vui là thấy hạnh phúc. Nếu mình có điều kiện, có khả năng, làm được gì cho xã hội thì cứ làm. Phật pháp dạy, làm người khó nhất không phải là làm sao cho giàu có, thành công, nổi danh mà là lương thiện. Xã hội càng có nhiều người lương thiện thì càng bình yên và ấm áp.

ThanhHai-2-7894-1588069019.jpg

* Sau đại dịch, chiếc máy ATM gạo này có thể sử dụng tiếp vào việc gì, thưa ông?
- Ưu điểm của chiếc máy này là có thể hoạt động 24/24 giờ. Máy được kết nối với một ứng dụng trên điện thoại, camera nhận diện người nhận gạo, nhân viên trực có nhiệm vụ phát hiện những người lấy gạo nhiều lần, thùng chứa lớn phía trên chứa được 500kg gạo. khi gần hết gạo sẽ báo về ứng dụng để nhân viên bổ sung. Tôi mừng là sau khi biết thông tin về chiếc máy gạo ATM này, một số người ở nước ngoài đã chia sẻ sự quan tâm.
Sau chiếc máy thứ hai tại Bình Chánh, chúng tôi nghiên cứu sản xuất máy ATM gạo mini vì có đơn vị ở vùng cao Mù Cang Chải yêu cầu do máy lớn khó vận chuyển. Hiện tại, tôi đang sản xuất 100 máy phát gạo mini tặng cho các tỉnh, thành phố và đã tặng được 6 cái. Với 100 máy phát gạo mini, có thể đặt ở nhiều địa điểm, không tốn nhân lực vận hành và giúp được 100.000 người mỗi ngày. Cũng có hai đơn vị liên hệ mua công nghệ,  tôi chỉ tính chi phí sản xuất, sau đó chuyển giao.
Không chỉ sử dụng trong đợt dịch Covid-19, khi hết đại dịch, nhu cầu sử dụng máy phát gạo từ thiện cũng sẽ cao, các đơn vị, đại lý bán gạo cũng cần vì hiện nay, mua một máy đong chiết gạo từ nước ngoài phải tốn từ 500-900 triệu đồng.
* Trong những lần trò chuyện trước, ông thường nhắc về mẹ đã đem lại cho ông thành công như hôm nay...
- Những gì tôi làm được bây giờ và cả sau này cũng không thể sánh được với những gì mẹ đã dành cho tôi. Bởi không có mẹ, không có Hoàng Tuấn Anh của ngày hôm nay.
Mười lăm tuổi, tôi học tại Úc. Khi học đại học, tôi đã mê kinh doanh và bắt đầu thử sức trong lĩnh vực công nghệ với công việc mua đi bán lại sản phẩm điện tử có những lỗi nhỏ nhưng chất lượng vẫn đảm bảo và được bảo hành như hàng chính hãng, giá có khi thấp hơn tới 50% giá bán lẻ ngoài thị trường. Tôi đã kinh doanh mặt hàng này trên trang thương mại điện tử Ebay. Ngay lô hàng đầu tiên, tôi đã bán được hơn 200.000 đô la Úc (AUD) và liên tiếp sau đó thu được khoản lợi nhuận kha khá.
Khi Chính phủ Úc triển khai chương trình hỗ trợ tấm cách nhiệt miễn phí cho người dân trị giá khoảng 2 tỷ AUD, tôi nắm ngay cơ hội và bay sang Nga, Trung Quốc để tìm nhà cung cấp.
Trong lúc đang phấn chấn với công việc, đột nhiên Chính phủ Úc ngừng chương trình cung cấp tấm cách nhiệt, bồi thường cho các doanh nghiệp nhập khẩu 10% tổng giá trị thiệt hại. Quyết định này ban hành đúng lúc tôi có hơn 1 triệu AUD tiền hàng của đối tác đang về, chưa kể lượng hàng còn tồn.

Tai họa bất ngờ khiến tôi mất hết, ngoài vốn liếng đã đổ vào nhập nguyên liệu, tôi còn phải chịu thêm chi phí tiêu hủy khoảng 2.000 USD mỗi container. Tôi rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần, bế tắc và mất phương hướng. Đúng lúc đó, như phép màu, mẹ tôi từ Việt Nam điện sang hỏi tôi có khó khăn gì mẹ sẽ giúp. Thế là tôi có thêm nguồn lực tinh thần, sốc lại mọi thứ và bắt đầu lại từ đầu.
Lời thăm hỏi ân cần của mẹ khiến tôi ấm lòng, cảm giác không bị bỏ lại, không bị xem là kẻ thất bại. Mẹ đã truyền cảm hứng cho tôi và trong suốt cuộc đời lập nghiệp, tôi đã lấy điều đó để nhắc nhớ mình sống và làm việc sao cho vừa lòng mẹ. Và ngay cả lúc này, khi phát gạo cho bà con nghèo, tôi cũng muốn lan tỏa việc làm này đến nhiều người, tôi đã làm được khi cây ATM gạo được nhiều doanh nhân, người khá giả chung tay đóng góp.
* Về Việt Nam lập nghiệp, ông có thấy nhiều cơ hội để kinh doanh?
- Mẹ và gia đình là động lực thôi thúc tôi về Việt Nam. Nhìn quê hương đổi mới đến bất ngờ khiến tôi tràn đầy cảm hứng và đầy năng lượng mới. Năm 2013, khi thấy nhiều container hết hạn dùng nhưng chất lượng vẫn rất tốt, nếu sử dụng để làm nhà trọ, ki ốt, cửa hàng cho thuê sẽ lợi đơn lợi kép. Năm 2016, tôi  đầu tư khoảng 1 triệu USD vào Rubik Zoo ở Thảo Cầm Viên, chuyên tái chế những container đã qua sử dụng thành quán ăn uống, shop bán hàng, giao lưu nghệ thuật, tổ chức sự kiện... Trong kế hoạch, tôi sẽ đầu tư khoảng 8 triệu USD cho chuỗi 20 khách sạn container từ 50-100 phòng tại TP.HCM.
Với vốn đầu tư khoảng 1 triệu USD, chỉ mất một tháng lắp dựng, trong khi nếu dùng các loại vật liệu kiên cố khác, vốn đầu tư phải lên tới 5 triệu USD và thời gian thi công phải ít nhất một năm, vì thế hiệu quả của việc dùng container rất cao. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức vì thói quen cũng như mô hình còn quá mới. Muốn thực hiện kế hoạch này thì phải kiên trì và có cách lấy ngắn nuôi dài.

ThanhHai-3-6837-1588068833.jpg

* Cụ thể... là Vũ Trụ Xanh ra đời...
- Trước khi về nước, với “máu” kinh doanh, tôi liên tục tìm cơ hội mới. Tìm hiểu các ngành hàng tiềm năng và thấy ở Việt Nam, người dân vẫn giữ thói quen dùng khóa cơ, thị trường khóa điện tử mới manh nha, đa số nằm trong tay các công ty nước ngoài, trong khi thị trường bất động sản đang phát triển mạnh. Tính toán cho thấy, khóa điện tử chỉ mới chiếm khoảng 0,1% thị trường khóa cả nước. Chỉ riêng TP.HCM, nếu bán được cho hai triệu hộ với giá hai triệu đồng mỗi khóa điện tử thì Vũ Trụ Xanh có thể có doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng.
Mất gần nửa năm để đàm phán, cam kết doanh số với công ty sản xuất khóa mang thương hiệu PHGLock tại Úc, tôi đã được chọn là nhà phân phối độc quyền tại khu vực Đông Nam Á và Công ty CP Vũ Trụ Xanh ra đời. Tuy nhiên, bán khóa điện tử ở Việt Nam khi đó cũng tương tự việc mang giày sang châu Phi trong khi rất nhiều người dân chưa có thói quen đi giày.
Xác định thị trường tiềm năng nhưng còn mới mẻ nên không thể “đi nhanh” mà phải “đi vững”. Vì vậy, thay vì chỉ chú tâm tới doanh số, tôi tập trung hướng đến người dùng, xây dựng chính sách bán hàng, hệ thống bán hàng và dịch vụ bảo hành, đào tạo nhân viên bán hàng, tư vấn và bảo hành sản phẩm. Đó cũng là lý do giúp doanh thu Công ty năm sau tăng gấp đôi năm trước và Vũ Trụ Xanh vào top ba các doanh nghiệp phân phối khóa điện tử tại Việt Nam.
* “Bí quyết” bán hàng giúp ông thành công là gì?
- Với một sản phẩm mới, thị trường cũng chưa quen, sẽ không dễ đem đi chào, ký gửi cũng chưa chắc có người nhận. Vì vậy, cách tiếp thị hiệu quả là tặng khóa hoặc giảm 50% giá cho đại lý. Tôi nghĩ, chỉ khi người bán hiểu và ưa thích sản phẩm thì họ mới nhiệt tình giới thiệu cho người mua. Đặc biệt, phải xem đại lý là đối tác song hành, như vậy phải chấp nhận lợi nhuận ít lại để có chiết khấu cao cho đại lý. Và phải chọn đúng đối tác.
Mặt khác, Công ty cũng phải tiếp thị trực tiếp đến chủ đầu tư căn hộ cao cấp, biệt thự, khu đô thị để chào bán sản phẩm.
* Khi mới tham gia thị trường khóa điện tử, ông dự báo 3-5 năm mới phát triển được. Hiện nay, dự báo đó có đúng?
- 10 năm trước thị trường này còn là số không, bây giờ người dân đã bắt đầu thấy sự tiện ích, nhất là độ an toàn của khóa điện tử nên thị trường này ngày một tốt lên. Cụ thể, năm 2019, thị phần PHGLock đã chiếm 20%, trong khi các đơn vị khác chỉ đạt 1-2%, tối đa 10% thị phần, doanh thu đạt trên 50 tỷ đồng. Mục tiêu doanh thu 100 tỷ đồng và bắt đầu có lãi sẽ được Vũ Trụ Xanh hoàn thành trong năm nay.

ThanhHai-4-2632-1588068833.jpg

* Lĩnh vực này chắc không quá khốc liệt như các ngành hàng khác?
- Dù bước vào thị trường còn rất mới nhưng tôi đã đoán trước, có ngày thị trường sẽ đông đúc và đến nay đã có cả trăm thương hiệu khóa điện tử tham gia.
Để cạnh tranh thì phải khác biệt, vì thế tôi đã đưa ra quy trình phục vụ khách hàng tốt nhất, chưa ai làm: tập trung dịch vụ và chất lượng. Đặc điểm khác biệt của Việt Nam là khí hậu, trong khi đó hầu hết các loại cửa lại làm bằng gỗ tự nhiên, dễ bị co, ngót theo khí hậu nóng ẩm nên chất lượng khóa cũng phải chọn phù hợp và theo từng công năng, nhu cầu sử dụng như bệnh viện, công sở, tần suất sử dụng nhiều hơn, khóa cũng phải chọn loại đáp ứng. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn lắp khóa cũng theo quy định quốc tế, sử dụng bốn bản lề chứ không tiết giảm còn hai bản lề. Đặc biệt, việc đào tạo tay nghề cho thợ rất quan trọng vì 30% lỗi khóa điện tử là do lắp đặt, 30% còn lại là do hậu mãi.
* Là một doanh nhân đại diện cho thế hệ 8X, theo ông, làm thế nào để phong trào khởi nghiệp lan tỏa và có hiệu ứng tốt?
- Trong đại dịch Covid-19, điều mà bản thân tôi và tất cả công dân đều nhận thấy, đó là Chính phủ đã làm rất tốt từ khâu lên kịch bản chống dịch, khoanh vùng cách ly, khám chữa bệnh, cung cấp thức ăn cho người cách ly hay như việc đưa máy bay đón công dân Việt Nam về nước. Tất cả điều đó đã truyền cảm hứng cho tôi và rất nhiều người, khiến mọi người háo hức, tình nguyện tham gia đóng góp vào việc chung của Chính phủ. Đơn cử như việc thiện nguyện làm máy ATM gạo được Ủy ban các tỉnh, thành triển khai rất nhanh, về phía đơn vị sản xuất cũng quyết tâm làm chỉ  trong hai ngày thay vì một năm mới có một máy.
Điều này cho thấy, trong mọi lĩnh vực, chủ trương, kể cả phong trào khởi nghiệp nếu có sự dẫn dắt cụ thể, sát sao và truyền cảm hứng từ Chính phủ, thì việc gì cũng nhanh có hiệu quả, nhất là sự lan tỏa, động viên tinh thần rất lớn.
*Theo ông, các bạn trẻ khởi nghiệp hiện còn có điểm yếu gì?
- Các bạn trẻ hiện nay chưa có kinh nghiệm và khả năng chịu đựng tốt để có thể khởi nghiệp thành công. Trong đó, sự bền bỉ, kiên trì theo đuổi mục tiêu là quan trọng nhất. Ví như lĩnh vực khóa điện tử, khi tôi bắt đầu thị trường chỉ là số 0, nếu không bền bỉ, chịu đựng thì sẽ không có thành quả như bây giờ.
* Cám ơn ông vì những chia sẻ!

Lữ Ý Nhi thực hiện