Nhà là chốn bình yên
Du lịch - Ngày đăng : 03:57, 30/04/2020
Vào những ngày cuối tháng 3, khi có khuyến cáo riêng cho người cao tuổi, tôi không khỏi giật mình chợt nhận ra rằng mình đã là một “yếu nhân” cần được bảo vệ, phải ở yên trong nhà tránh dịch.
Nhà tôi chỉ có hai chị em gái. Có thể, ba mẹ tôi và người thân trong gia tộc lấy làm tiếc là không có con trai để “nối dõi tông đường” theo quan niệm xưa vì ba tôi là con cả. Tuy nhiên, với chị em tôi thì đây là sự may mắn. Bởi chỉ có hai nên chúng tôi rất dễ dàng thống nhất và rất tâm đầu ý hợp để chăm lo cho đại gia đình. Hai chị em đều có gia đình riêng nhưng có thể xem như chúng tôi chung sống trong một ngôi nhà lớn. Để tiện việc chăm sóc cho ba tôi, hai chị em đã tìm mọi cách để xây nhà sát bên nhau, lâu nay ba tôi ở bên nhà chị, nhưng sáng nào tôi cũng chuẩn bị bữa điểm tâm mang qua để cả nhà cùng ăn, còn những bữa ăn khác chị tôi lo và chị còn là “quản gia” cả bên nhà tôi.
Giữa hai nhà chúng tôi có một mảnh vườn nho nhỏ. Chính vì có mảnh vườn này, chị tôi đã vất vả với bao việc nhà lại càng vất vả hơn. Lúc thì dưỡng cây cảnh, khi thì chăm rau trái. Thật ra, ăn chẳng phải nhiều nhưng chị vẫn luôn chăm chút bởi đây là không gian xanh cho ba ra vào khuây khỏa, là khoảng không gian quý giá để ba đỡ nhớ làng, nhớ quê, lại có nơi để ông thư giãn cùng con cháu.
Mỗi nhà mỗi cảnh, con nào cũng là con nhưng đôi khi cha mẹ đối xử mỗi người mỗi khác. Ba tôi cũng vậy. Chị tôi đã lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho ông, hết mực chăm sóc ông những khi đau ốm, nhất là những khi nằm bệnh viện, nhưng không hiểu sao, thỉnh thoảng ba tôi vẫn hay hờn mát chị. Mỗi lần như vậy, ba đòi qua nhà tôi ở, “chê” nhà chị ồn ào. Còn đối với tôi, ông luôn trông chờ tôi hàng giờ mỗi khi tôi đi công tác hoặc đi làm về trễ. Lắm lúc tôi ái ngại, trách ba nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Thương chị lắm nhưng tôi chỉ biết vỗ về, an ủi chị: “Thôi thì ba già rồi nên tính tình thay đổi thất thường, chị đừng để bụng làm gì”. Chị tôi miệng cười mà mắt rưng rưng.
Mùa Covid-19, có dịp làm việc tại nhà nên tôi quyết định rước ba về bên nhà mình để tiện việc chăm sóc, cho chị tôi bớt phần cực nhọc và cũng muốn đảm bảo an toàn cho ba, năm nay đã ngoài 93 tuổi. Vì bên nhà chị tôi khá đông người, trong công việc kinh doanh hằng ngày vẫn có người phải tiếp xúc với bên ngoài, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Những ngày gần đây, qua ở nhà con gái nhỏ, cuộc sống thời “giãn cách xã hội” ít tiếp xúc ai, dường như đã khiến ba tôi thấm thía cảnh cô đơn. Lúc này có lẽ ông lại nhớ không gian tràn ngập tiếng nói cười của trẻ, không khí của gia đình bốn thế hệ đông vui bên nhà chị. Ông bần thần đứng bên khung cửa sổ nhà tôi nhìn qua nhà chị xem mấy đứa cháu cố vui đùa rồi trông từng giờ cho đến chiều, khi cả hai nhà quây quần bên ông chuyện trò trong sân vườn.
Thế mới thấy, cuộc sống có những việc nhìn qua tưởng như rất đỗi bình thường, nhưng khi không có sự hiện diện của nó, ta mới hiểu hết giá trị mà nó mang lại.
Với tôi, những ngày qua, khi thật sự sống chậm lại, tôi cũng chợt nhận ra nhiều điều. Hơn bao giờ hết, tôi thấy yêu lắm tổ ấm bình yên của mình. Ngôi nhà này không chỉ là ước mơ của riêng tôi. Đó từng là mơ ước cháy bỏng mà lúc sinh thời, người bạn đời của tôi vẫn hằng ấp ủ xây dựng nhưng tôi cứ can ngăn mãi, nên đến khi thực hiện được ước mơ cho cả hai, tôi đã dành bao nhiêu tâm sức trên từng viên gạch, gốc cây, gian bếp, việc gì cũng chăm chút gấp đôi. Nhưng đến khi hoàn thành, tôi lại tất bật, lãng quên đến vô tình... Vô tình lắm! Từ lúc nào không hay, tôi gần như đã thành khách tạm trú trong ngôi nhà của chính mình. Suốt một thời gian dài, hiếm khi tôi ở nhà trọn vẹn được vài ngày. Còn việc chăm sóc cho ba thì chỉ là vội vàng chuẩn bị bữa điểm tâm mỗi sáng hay thăm hỏi vài câu vào mỗi chiều.
Đại dịch Covid-19 đã khiến tôi giật mình, chợt nhận ra mình không còn nhiều thời gian gần gũi chăm lo cho ba lâu nữa, hay vui đùa quây quần bên con cháu cùng ông, hay đơn giản chỉ là gánh vác một phần vất vả của chị tôi. Đây chính là quãng thời gian tôi sống trọn vẹn với những người thân trong gia đình mình nhiều nhất. Với ngôi nhà của mình, tôi có nhiều thời gian hơn để lắng lòng cảm nhận từng khoảnh khắc an yên hay hoài niệm, ngắm nhìn từng góc không gian tươi mát, lắng nghe tiếng gà gáy sớm, tiếng chim ríu rít bên hiên. Mỗi sáng, mỗi chiều thong thả ra vườn chăm cây tưới lá, vừa thưởng thức từng bữa ăn, vừa chuyện trò hay đọc báo, xem tivi cùng ba.
Lâu nay, tôi vẫn cứ nghĩ mình đã rất cân bằng giữa công việc và gia đình nhưng hóa ra chưa thật sự cân bằng, vẫn còn nhiều việc để làm lắm. Và tôi tự nhắc mình, đừng để đến khi không được đi ra ngoài mới quay về bên trong, mới trân quý chốn bình yên nhà mình.
(*) Tác giả là Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food