Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập

Du lịch - Ngày đăng : 04:07, 30/04/2020

Mặc bao biến cố lịch sử, Dinh Độc Lập vẫn tồn tại, là một bảo tàng, chứng nhân lịch sử. Có thể khẳng định “Đố ai tìm được khắp chân trời góc bể, Một thành phố trẻ măng nhưng lịch sử rất lạ lùng”, trong đó một phần là Dinh Độc Lập, như lời thơ của nhà cách mạng Trần Bạch Đằng...
Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập

Dinh Norodom
Năm 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) khai sinh phủ Gia Định từ vùng đất hoang vu. Qua thời gian, làng mạc hình thành, lên dần phố thị. Đầu thế kỷ XIX, khu vực này là một phần của vườn Ông Thượng (Tổng trấn Gia Định, Thượng công Lê Văn Duyệt, 1763-1832). Năm 1863, người Pháp xây nhà thống đốc bằng gỗ. Năm 1868, xây lại theo đồ án tòa thị sảnh Hồng Kông của kiến trúc sư Hermite. Mặt tiền dinh 80m, phòng khách chứa 800 người và hàng chục phòng làm việc, nghỉ ngơi trong khuôn viên 12ha với rừng cây và thảm cỏ. Vật liệu hầu hết được chở từ Pháp sang. Dinh và đại lộ phía trước mang tên Norodom (1834-1904) - quốc vương Campuchia, còn gọi là Dinh Thống đốc hay Dinh Toàn quyền. Năm 1906, Phủ Toàn quyền Đông Dương dời ra Hà Nội, chỉ còn văn phòng đại diện đặc trách Nam kỳ nhưng dân gian vẫn quen gọi là Dinh Toàn quyền.
Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, Dinh Norodom là nơi làm việc của chính quyền Nhật ở Việt Nam. Mấy tháng sau, Nhật bại trận, Dinh thành trụ sở Cao ủy Pháp tại Đông Dương.

dinh-1-3314-1588131945.jpg

Dinh Độc Lập
Năm 1954, Pháp bại trận, Việt Nam bị chia cắt thành thành hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Đại diện Pháp bàn giao Dinh cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm ở miền Nam. Năm 1955, Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, lên làm Tổng thống và đổi tên thành Dinh Độc Lập, còn gọi là Phủ Đầu Rồng, do được xây theo thuật phong thủy: Dinh nằm ở vị trí đầu rồng.
Năm 1962, hai phi công Quân lực Việt Nam Cộng hòa ném bom nhằm giết Ngô Đình Diệm, đã làm sập toàn bộ phần chính bên trái Dinh. Ngô Đình Diệm đã cho san bằng Dinh và xây lại theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người Việt đầu tiên đoạt giải Khôi nguyên La Mã, vẫn mang tên cũ. Công trình đang xây dựng thì xảy ra đảo chính và Ngô Đình Diệm bị giết, nên cuối năm 1966 mới hoàn thành.
Dinh cao 26m, diện tích xây dựng 4.500m2, diện tích sử dụng 20.000m2; gồm 3 tầng chính, 2 gác lửng, tầng nền, 2 tầng hầm và sân thượng, sân trực thăng. Hơn 100 phòng họp, phòng làm việc, khác nhau; cửa kính dày 12mm. Phòng Khánh tiết sức chứa trên 500 người. Bao quanh tầng 2 là các trụ bê tông hình đốt trúc (bức rèm hoa đá); tác phẩm của điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế, phụ trách trang trí Dinh. Tổng hành dinh là hầm bêtông, bọc thép ngầm, chịu được bom lớn. Chi phí xây dựng lúc đó là 150.000 lượng vàng.
Tổng thể Dinh hình chữ cát (吉): biểu tượng của sự tốt lành, may mắn. Lầu thượng là hình chữ khẩu (口): đề cao giáo dục, tự do ngôn luận. Cột cờ chính giữa tạo thành chữ trung (中): trung tâm. Mái hiên lầu tứ phương, bao lơn danh dự, và mái hiên tiền sảnh hình chữ tam (三): biểu trưng của viết nhân, viết minh, viết võ.
Cộng thêm nét sổ dọc thành chữ vương (王): trên có kỳ đài thành chữ chủ (主): chủ quyền tổ quốc. Mặt trước hình chữ hưng (興): là quốc gia hưng thịnh…

dinh-7-2572-1588131945.jpg

Vườn bao ba mặt Dinh với hơn 2.000 cây xanh, hơn 100 loài, là bộ sưu tập cây rừng Việt Nam thu nhỏ. Nhiều cây cổ thụ trên trăm tuổi quý hiếm như trắc, gõ đỏ, gõ mật, sến, giáng hương, cẩm lai, sao đen, giá tị, dầu rái, kim giao... Dinh là tổng thể kiến trúc độc đáo, hài hòa, đẹp nhất Việt Nam. Những chậu kiểng hơn thế kỷ như tùng la hán, mai chiếu thủy, nguyệt quới, thiên tuế, sung, duối, cần thăng, xương cá... Mỗi cây là một thế uốn kỳ công như tam cương ngũ thường, ngũ phúc, trực liên chi, quần thụ, thất hiền, phụ tử giao chi, mẫu tử tương tùy, thiết quan âm qua cầu, chùa Một Cột...
Ngày nay, nội thất Dinh vẫn được giữ gần như nguyên vẹn với 4.000 ngọn đèn các loại; hàng chục tác phẩm mỹ thuật quý, thảm, rèm, bàn ghế, vật dụng hạng nhất; những bức tranh sơn dầu, sơn mài kích cỡ lớn, nhiều khi chiếm trọn cả mảng tường rộng... Các vật dụng, từ bàn ghế đến tranh trang trí đều bằng chất liệu truyền thống. Kiến trúc bêtông và sắt thép đan xen họa tiết cổ truyền trong nhà cửa, đền chùa, cung điện Việt Nam. 
Từ bức rèm hoa đá đồ sộ mặt tiền, gồm các tấm lam đứng, hình lóng trúc, cho đến những phù điêu, tượng đắp nổi, chạm trổ gỗ, thép uốn, tay nắm con triện, tay vịn cầu thang... đều mang dáng Việt. Mọi sự xếp đặt từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới đều tuân thủ nghiêm ngặt triết lý phương Đông và cá tính dân tộc; kết hợp hài hòa hiện đại và truyền thống mẫu mực.
Trước năm 1975, Dinh bị dây thép gai bao quanh và những họng súng đen ngòm hăm dọa. Ngày 8/4/1975, phi công điệp viên Nguyễn Thành Trung ném bom vào Dinh nhưng chỉ hư hại nhẹ.

dinh-5-5390-1588131945.jpg

Phiên bản xe tăng 843 (bản gốc ở Bảo tàng lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam

10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng Quân Giải phóng húc sập cổng chính Dinh Độc Lập, báo hiệu sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ngọn cờ cách mạng tung bay trên cột cờ chính. Cả thành phố ùa ra đường mừng chiến tranh kết thúc.
Ngày 15/5/1975, Sài Gòn mít tinh trọng thể mừng đại thắng, tổ chức trong sân cỏ và trên quảng trường Norodom trước Dinh. Có đến vài chục nghìn người, có những đoàn đi bộ từ ngoại thành vào lúc 2-3 giờ sáng. Giữa tháng 11/1975, diễn ra Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất đất nước tổ chức tại hội trường lớn trong Dinh, sau này gọi là Hội trường Thống Nhất. Tháng 2/1976, Sài Gòn đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh.

dinh-6-8384-1588131945.jpg

Trực thăng uh1 của Tổng thống và vị trí hai quả bom của Nguyễn Thành Trung

Điểm tham quan kỳ thú
Dinh Độc Lập là di tích quốc gia đặc biệt và trở thành điểm tham quan văn hóa - lịch sử có lượng khách đông nhất phía Nam với các triển lãm đặc thù. Tiêu biểu nhất là triển lãm “Từ Dinh Norodom tới Dinh Độc Lập 1868-1966” với nhiều tư liệu quý hiếm, mở cửa từ năm 2018 đến nay.
Đến với Dinh Độc Lập không chỉ để tìm hiểu lịch sử thành phố mà còn khám phá nhiều giá trị thiên nhiên và môi trường. Cây xanh, cây kiểng ở Dinh hình như cũng có hồn, biết buồn vui cùng thế cuộc. Nhiều du khách trong nước và nước ngoài tới đây đều khẳng định: Đến Sài Gòn mà bỏ qua Dinh Độc Lập xem như chưa đến TP.HCM”. 
Sẽ thật thiếu sót nếu là người Việt Nam, đặc biệt là dân Sài Gòn mà chưa một lần đến Dinh Độc Lập - một bảo tàng, chứng nhân lịch sử của vùng đất nghĩa tình, hào hiệp.

Nguyễn Văn Mỹ