Hoa dầu vẫn bay bay…

Du lịch - Ngày đăng : 07:00, 30/04/2020

Tháng 4, trên đường phố Sài Gòn, trong thảm rừng dinh Độc lập, hoa dầu lại xoay tròn, bay bay trong gió, đậu vào hồn tôi…
Hoa dầu vẫn bay bay…

Tôi không bị choáng ngợp bởi Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có những con đường dài tít tắp với san sát cửa hàng, cửa hiệu, không choáng ngợp bởi chợ Bến Thành bán lẻ, chợ Bình Tây bán sỉ đèn điện sáng choang, người bán hàng luôn lễ phép dù người mua có mua hay không, có trả giá quá thấp hay không, mà choáng ngợp bởi tình người dành cho nhau, nhất là dành cho chúng tôi - những người lính mà với không ít người, vừa đánh bại họ.

1. Bốn mươi lăm năm trước, chiều muộn ngày 30 tháng 4, những người lính Giải phóng tiến chiếm dinh Độc lập mệt nhoài nằm dài dưới thảm rừng bao quanh ba mặt dinh. Hoa dầu chấp chới chấp chới chao liệng trong gió, đậu xuống mặt, xuống ngực càng làm những người lính bâng khuâng nhớ Trường Sơn, nhớ rừng Tây Nguyên, nhớ rừng Đông Nam bộ. Đã xa xôi gì, mới mươi ngày trước, đại ngàn cũng chấp chới chấp chới hoa dầu buông hai cánh đài nâu đỏ xuống những đoàn quân đang thần tốc tiến về Sài Gòn. Khi ấy, tâm trạng chúng tôi để hết vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, hầu như không ai đủ lãng mạn để chiêm ngưỡng một cảnh tượng độc đáo của thiên nhiên: cứ đến những ngày trời vần vũ chuyển khô hạn sang mưa mát là hoa dầu xoay tít trong gió, chao lượn đến mấy chục mét rồi đậu xuống nền rừng, nảy những mầm xanh nõn nà. Toàn thắng rồi, ngay giữa đầu não bộ máy chiến tranh của đối phương, những người lính sống sót như chúng tôi nao lòng nhặt những cánh hoa dầu bỏ vào mũ cối, phần để khi có chỗ đóng quân tạm thì bày ra ở một góc trang trọng nào đó, thay hoa vạn thọ thắp hương cho đồng đội ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn, phần để kỷ niệm.

Từ sau những ngày chuyển mùa đã găm vào ký ức ấy, cũng như những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 mọi năm, mấy hôm rồi tôi tha thẩn lề đường Pasteur, Huyền Trân Công chúa, Lê Quý Đôn, Phạm Ngọc Thạch chờ những cơn gió ào qua để ngắm hoa dầu bay bay mà tận hưởng cảnh thành phố thanh bình và rộn ràng dựng xây với bao kỷ niệm ùa về…

2. Ngày đầu tiên tôi biết Sài Gòn là ngồi sau xe máy một nữ ký giả "đối phương", chạy từ tòa nhà 174 đường Hiền Vương (Võ Thị Sáu ngày nay) ra đường Tự do, Lê Lợi, ra bến Bạch Đằng, theo rạch Bến Nghé rồi kênh Tàu Hũ vào Chợ Lớn. Chỉ mới vài ba chục tiếng đồng hồ Nam bộ dứt hẳn tiếng súng, Sài Gòn gần như trở lại sinh hoạt bình thường. Tôi không bị choáng ngợp bởi Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có những con đường dài tít tắp với san sát cửa hàng, cửa hiệu, không choáng ngợp bởi chợ Bến Thành bán lẻ, chợ Bình Tây bán sỉ đèn điện sáng choang, người bán hàng luôn lễ phép dù người mua có mua hay không, có trả giá quá thấp hay không, mà choáng ngợp bởi tình người dành cho nhau, nhất là dành cho chúng tôi - những người lính mà với không ít người, vừa đánh bại họ.

Nữ ký giả chở tôi "đi cho biết Sài Gòn" là một trong nhiều nhà báo của 23 tờ báo đối lập chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tìm đến nhật báo Sài Gòn Giải phóng - Cơ quan của Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam chuẩn bị xuất bản ở Sài Gòn để sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp bài vở, cả phương tiện làm việc và giấy mực in báo. Hai giờ ngày 5 tháng 5, báo Sài Gòn Giải phóng in xong gần nửa triệu bản, khổ lớn, 8 trang, hai màu để xe tải, xe máy, cả xe từ miền Đông, miền Tây Nam bộ xếp hàng dài trước Tân Minh Ấn quán, đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay) nhận báo cho kịp phát hành trong buổi sáng, như nếp cũ của các đại lý phát hành báo chí trước ngày 30 tháng 4 ở miền Nam. Không có bạn đồng nghiệp, không có những sinh viên, học sinh trong phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Sài Gòn giúp sức thì tờ báo cách mạng khó xuất bản kịp thời, nóng hổi tính thời sự với số lượng lớn như vậy.

Trong 5 ngày đêm chuẩn bị ra số báo Sài Gòn Giải phóng đầu tiên và những số báo tiếp theo tại tòa nhà 174 Hiền Vương mà mấy ngày trước là trụ sở báo Dân chủ của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, mỗi đêm chúng tôi - những người làm báo Giải phóng ở chiến khu được giao nhiệm vụ xuất bản báo Sài Gòn Giải phóng - ngủ nhiều nhất vài tiếng đồng hồ, đến bữa ăn, chị nuôi đem cơm nấu bằng chảo gang quân dụng mang từ rừng ra đến tận bàn làm việc cho lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên. Thấy chúng tôi ăn uống kham khổ như ở rừng, đêm nào anh chị em cộng tác với báo cũng mua bánh mì thịt, mua xá xị Chương Dương, bia Con Cọp về cùng chung vui. Có đêm anh chị em còn mang Remy Martin, Hennessy Cognac XO, Chivas Regal, Red Label - là những loại rượu tây nổi tiếng đến "cụng ly". Với tôi, cả đời viết báo, làm báo, chưa lúc nào vui và ấm áp tình đồng nghiệp như những ngày đầu tiên xuất bản báo giữa Sài Gòn vừa được giải phóng.

Khi báo Sài Gòn Giải phóng đã "chạy đều", chúng tôi mới có chút thời gian cho việc riêng. Riêng tôi, trước hết là tìm thăm bà dì ở khu cư xá sĩ quan Bắc Hải, quận 10, mà người chị ở quê vừa cho biết địa chỉ. Tôi tập kết ra Bắc khi còn nhỏ nên không nhớ mặt dì. Thấy tôi, dì nhận ra ngay có lẽ vì tôi giống mẹ. Chuyện trò một lúc, dì bảo: "Cháu đến đây mà ở, rồi dì cho cháu căn nhà này, nếu không, Việt Cộng lấy mất". Dì nói mà quên đứa cháu cũng là Việt Cộng đang ở ngay trước mặt! Tôi nói, con cảm ơn dì đã cho nhà, nhưng con chỉ cần mươi mét vuông thôi, rồi Ủy ban Quân quản sẽ cấp cho con.  

Biệt thự dì tôi đang ở là tư thất đứng tên con trai dì, một trung tá lính dù quân lực Sài Gòn. Chồng dì là cán bộ tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 325 hy sinh thời kháng Pháp ở chiến trường Bình Trị Thiên. Chế độ Ngô Đình Diệm khủng bố những người kháng chiến cũ, mấy mẹ con dì phiêu bạt dần vô Sài Gòn. Con trai học xong tú tài 2 phải vào Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, trở thành sĩ quan đánh lại đồng đội của cha mình. Những ngày cuối tháng 4, con trai thuyết phục mãi, dì và con gái vẫn không chịu di tản. 

Mấy tháng sau, Ban Quân quản quận 10 cho người đến tiếp quản ngôi nhà của con trai dì tôi - ngôi nhà mà nếu tôi nghe lời dì đến ở thì chắc chắn được hợp thức hóa tên tôi. Dì la tôi "dại", nhưng thời ấy, lính Giải phóng chúng tôi ở chiến trường về rồi được phân công công tác tại Sài Gòn không màng vật chất, phần đông vẫn giữ lối sống liêm chính cho đến nay.

Anh chị em ở các báo đối lập và học sinh, sinh viên không chỉ đến cộng tác với báo Sài Gòn Giải phóng mà còn mang đến cho chúng tôi một số xe Honda, Vespa, Mobylette, Lambretta, Goebel - là các loại xe máy thịnh hành mà những người di tản bỏ lại trên đường khi Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn. Tôi được tòa soạn phân cho một chiếc Honda 67. Có hôm đi làm phóng sự, đạp mãi xe không nổ máy, tôi hì hụi dẫn bộ thì có người kêu tấp vô lề đường, đem đồ nghề ra sửa giúp. Tôi xin trả tiền công, người sửa xe trạc tuổi trung niên không những không lấy mà còn cho tôi một cái bugi NGK mới toanh của Nhật Bản để dự phòng. Có hôm vào Chợ Lớn, xe chẳng còn chút nhiên liệu nào, đang hỏi có nơi nào bán xăng, chị chủ tiệm chạp phô đổ cho tôi nửa bình, nói là cây xăng còn xa lắm, cậu Việt Cộng dùng đỡ xăng nhà trữ được, và nhất khoát không nhận tiền. 

Đến bây giờ tôi vẫn thấy quá ấm áp bởi cái tình của bà con cô bác Sài Gòn đối với lính Giải phóng trong những ngày phần đông người Việt reo vui vì đất nước thống nhất thì một bộ phận không nhỏ lại đau buồn vì bại trận, vì mất lương, mất đặc quyền đặc lợi.

3. Làm bảo vệ cho tòa soạn báo Sài Gòn Giải phóng lúc bấy giờ là bác Sáu Già (có lẽ bác đã luống tuổi nên được gọi như vậy) - một cơ sở cách mạng ở quận 4. Hằng ngày, đúng 6 giờ sáng, không hơn không kém, bác Sáu đạp xe đến 174 Hiền Vương trực và chăm lo đường điện, đường nước cho đến khi tòa soạn xong việc, thường là quá 12 giờ đêm. Trong túi áo khoác bằng vải kaki đã sờn của bác Sáu luôn có chùm chìa khóa, mỗi chiếc đều được đánh số, bác còn hai chùm chìa khóa dự phòng. Chưa khi nào chúng tôi thấy bác Sáu mở cửa nhầm chìa. Bác Sáu đón và tiễn khách là cán bộ cấp cao đi xe hơi hay anh đạp xích lô chở báo đều lịch sự, chu đáo như nhau.

Nhớ đến bác Sáu là tôi nhớ đến đêm 15 tháng 5 của 45 năm trước, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gặp những phóng viên chiến tranh theo chân các cánh quân tiến vào Sài Gòn đang tụ tập trên sân cỏ dinh Thống nhất sau đại lễ mừng miền Nam giải phóng tổ chức ở quảng trường Norodom ngay trước dinh. 

Sau khi vui vẻ hỏi thăm từng phóng viên, Đại tướng nói: Chiến lợi phẩm lớn nhất mà ta thu được của đối phương là hệ thống giao thông hoàn chỉnh từ sân bay, bến cảng đến đường bộ, là Nha Địa dư quốc gia ở Đà Lạt chuyên vẽ và in bản đồ, chủ yếu là bản đồ quân sự, là tác phong công nghiệp được xây dựng từ thời thực dân Pháp còn đô hộ Sài Gòn. 

Hệ thống giao thông, cơ sở vẽ và in bản đồ thì chúng tôi hiểu tầm quan trọng của nó, còn tác phong công nghiệp thì rất mù mờ. 

Khi thấy cách làm việc của ông Sáu Già từng là công nhân một nhà máy tại Khu công nghiệp Biên Hòa do những chủ tư bản lớn ở miền Nam xây dựng, tôi dần hiểu tác phong công nghiệp là gì. Từ khi đất nước mở cửa làm ăn với thế giới, tôi càng thán phục cách Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa tác phong công nghiệp vào "chiến lợi phẩm". Quả đúng là nếu không có tác phong công nghiệp ở anh công chức, ở chị công nhân thì không xây dựng được đất nước phồn vinh.

Tháng 4, trên đường phố Sài Gòn, trong thảm rừng dinh Độc lập, hoa dầu lại xoay tròn, bay bay trong gió, đậu vào hồn tôi…

Phương Hà