Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi!

Du lịch - Ngày đăng : 07:45, 01/05/2020

Nghe tôi hát toáng lên như vậy, vợ nổi cáu: “Thiên hạ đang giãn cách xã hội, quanh quẩn trong nhà mà anh cứ như người cõi trên. Từ sáng tới giờ hết “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”(1), giờ lại “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi!”(2) . Em đang rầu vì trưa nay chưa biết nấu món gì mới”.
Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi!

Những ngày cả nhà “cắm trại”, phụ nữ là khổ nhất, từ nấu ăn, dọn dẹp, học và chơi với con đến việc tính toán tiền nong, chợ búa. Đàn ông thường vô lo nên vô tâm. Cứ lớt phớt kiểu khó khăn này chẳng của riêng ai. Lo quá cũng chẳng giải quyết được gì, lại hại não, mau già. Cứ tỉnh bơ đối mặt, sống chung với cái con virus Corona thay hình đổi dạng. Nó không ngán mình, mắc gì mình ngán nó. Thấy mình lì, chứ không phải liều, lại có chút nội công và nhờ kháng thể mạnh, cả thể chất lẫn tinh thần, nên trước sau nó cũng bỏ chạy.

Trong chiến tranh ác liệt, giữa muôn trùng khó khăn, bộ đội, thanh niên xung phong và người dân vẫn cất cao lời ca tiếng hát, khẳng định niềm tin chiến thắng. Chính phủ đã tuyên chiến “Cả nước chống dịch như chống giặc”, lại càng phải hát để tự khích lệ tinh thần, để lạc quan và vượt khó. Hát vừa đủ nghe, chứ không làm phiền hàng xóm. Bình thường tôi vốn không thích hát. Những ngày ở không, tự dưng thèm hát...

saigon-1-3931-1588138887.jpg

nguồn: https://threeoaks-group.com/city-rising-richie-fawcetts-intricate-saigon-panoramas-hit-lusine-week/

Nhạc sĩ Y Vân lại càng siêu. Ông báo trước cuộc đời mình khi sáng tác bài hát 60 năm cuộc đời và ông mất đúng năm 60 tuổi ta. Ông viết Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! phần đầu về nhịp sống náo nhiệt và năng động, phần cuối về nét đẹp tĩnh lặng của không gian, đặc biệt là phẩm cách người Sài Gòn: “Để lòng thương nhớ bao ngày vắng nơi xa. Sống mãi trong tôi bóng hôm nay sẽ không phai...”. Rồi kết “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi!”.

Ở Sài Gòn hơn 50 năm, tôi chưa bao giờ thấy Sài Gòn đáng yêu như những ngày chống dịch. Đường phố bình yên, tĩnh lặng, đẹp nao lòng. Thi thoảng mấy chú chim lạ sà xuống dạo chơi, nghiêng ngó. Cỏ cây thư thái, trời xanh cao lồng lộng. Mây lang thang nhàn hạ, gió hào phóng đùa giỡn.

Đẹp nhất là phẩm cách tử tế và hào hiệp của người Sài Gòn trong lúc hoạn nạn. Không chỉ nước ngoài và dân tứ xứ, ngay người Sài Gòn cũng ngạc nhiên về những chuyện này. Đó là những điểm nhận quà miễn phí với lời dặn không thể đáng yêu hơn, vừa trân trọng người nhận, vừa nhắc khéo: “Nếu khó khăn, bạn cứ nhận một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác” đang lan tỏa khắp chốn.

Đó là hình ảnh những cụ già gom hết lương hưu dành dụm ủng hộ chống dịch. Là những em bé đập heo đất góp vào quỹ chống dịch. Là vô vàn cá nhân, tập thể, bằng nhiều cách độc đáo, vừa giúp đỡ người gặp khó khăn, vừa hợp lực với Nhà nước đẩy lủi dịch bệnh. Mới nhất là chương trình Sài Gòn tử tế và sáng kiến ATM gạo đang được nhân rộng. Gần đây, báo Doanh Nhân Sài Gòn cũng phối hợp với Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM khởi xướng chương trình "Gió không cuốn đi",nhằm chia sẻ những khó khăn với các hộ gia đình khó khăn, người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nhiều người bảo, tử tế và hào hiệp là bản chất của người Sài Gòn từ nào tới giờ. Phẩm cách này càng tỏa sáng khi gặp thử thách như hiện nay. “Ví phòng đường đời bằng phẳng cả, Anh hùng hào kiệt có hơn ai”(3) Có gian nan mới hay tình bạn, có hoạn nạn mới biết tri âm. Dù rất căm ghét Covid-19 vì đã gây nên những tổn hại ghê gớm cho thế giới, trong đó có Việt Nam nhưng công bằng luận tội, cũng phải công nhận những tác động tích cực từ dịch bệnh. Nhờ Covid-19, chưa bao giờ Sài Gòn đẹp như hôm nay, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Cám ơn nhạc sĩ Y Vân, mấy chục năm trước đã viết lên bản nhạc bất hủ, để hôm nay mọi người tụng ca “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi!”.

(1) Tình em biển cả - Nguyễn Đức Toàn, 1929 - 2016

(2) Y Vân, 1933 - 1992

(3) Phan Bội Châu, 1867 - 1940

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng