Tỷ phú miệt vườn

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:25, 04/05/2020

Với mô hình nuôi lươn khép kín C - T - L cùng với 5 chiếc máy nông nghiệp và nguồn lợi từ vườn cây ăn trái, ruộng lúa cao sản, mỗi năm, ông Lương Trung Nghĩa đã có nguồn lãi cả tỷ đồng.

Trước lúc chúng tôi đến tìm hiểu cơ ngơi của tỷ phú miệt vườn Lương Trung Nghĩa (xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đã có nhiều nông dân từ các địa phương đến tham quan, học tập cách làm trang trại khép kín rất hiệu quả của ông nông dân 61 tuổi này.

IMG-0100-JPG-3096-1588551807.jpg

Tỷ Phú miệt vườn Lương Trung Nghĩa  giới thiệu cơ ngơi của mình với tác giả

Chúng tôi thắc mắc về mô hình khép kín C-T-L, ông Nghĩa vui vẻ giải thích: “C là chuồng, T là trùn quế, L là lươn. Nghe đơn giản nhưng kỳ công lắm, mà khi mình nuôi đúng kỹ thuật thì hiệu quả kinh tế rất cao”. 

Hành trình thoát nghèo

Năm 1983, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, Lương Trung Nghĩa bắt đầu cuộc hành trình vượt thoát nghèo khó bằng việc cắt lúa mướn, chăn vịt chạy đồng thuê, phụ hồ. Sau nhiều năm tích cóp, ông bắt đầu trồng bưởi da xanh và cam sành trên 2 công đất nhà. Nhờ cách trồng và chăm sóc cây ăn trái đúng kỹ thuật mà 2 công vườn của ông có năng suất cao. Rồi ông mở rộng diện tích vườn lên 6.000 mét vuông, trồng cây theo phương pháp VietGap. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, nguồn lãi từ bưởi da xanh và cam sành đã mang về cho ông 300 - 400 triệu đồng.

Ông Nghĩa cho biết: “Tôi trồng theo phương pháp VietGap, tuy vất vả đôi chút nhưng giá bán cao, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong tình hình nhiều chủ vườn quá lạm dụng hóa chất, phân bón hóa học để chăm bón ruộng vườn”.

Ông Nghĩa là người đi đầu trong việc trồng lúa cao sản tại địa phương với chất lượng rất cao. Bình quân mỗi năm, 5 công ruộng của ông mang về nguồn lãi trên 50 triệu đồng. Mặt nước trong các mương vườn, ông Nghĩa còn thả nuôi nhiều loại cá, mỗi năm thu xấp xỉ 20 triệu đồng.

Cách đây 5 năm, ông Nghĩa bắt đầu làm quen với mô hình nuôi bò giống nhập từ Pháp. Giống bò này ăn rơm khô và cỏ tạp nhiều nước, là những loại thực vật có rất nhiều tại vùng quê Trung Nghĩa, lại tăng trọng nhanh. Từ 4 con bò (2 đực, 2 cái) ông mua ở Bến Tre, nay, mỗi năm ông xuất chuồng từ 7 đến 8 con bê với giá từ 18 đến 20 triệu đồng/con.Mười năm qua, ông Nghĩa đã mua máy xới, máy gặt đập liên hợp, máy cuộn rơm để vừa phục vụ sản xuất cho gia đình, vừa phục vụ bà con trong vùng với giá rẻ hơn nơi khác. 

Bo-JPG-6171-1588551808.jpg

Trang trại bò của tỷ phú miệt vườn

Năm 2019, ông thả nuôi 25.000 con lươn giống trong 8 ao lót bạt ni lông, mỗi ao ngang 9 mét, dài 9 mét, cao 0,8 mét. Sau 8 tháng nuôi với thức ăn công nghiệp và cách chăm sóc bài bản, ông lãi trên 250 triệu đồng chỉ với 120 mét vuông đất. Đây là mô hình nuôi lươn không bùn mà ông học được từ một người bạn ở tỉnh Trà Vinh. 

Ông Nghĩa chia sẻ kinh nghiệm: “Đây là mô hình khá phù hợp cho người có ít đất sản xuất, chi phí đầu tư ao bạt không nhiều, chỉ khoảng 1,5 triệu đồng mỗi ao. Quan trọng nhất là nguồn nước nuôi trong ao phải sạch để tránh dịch bệnh cho lươn, độ pH phải đảm bảo từ 6,5 đến 7”.

Nhiều nông dân quanh vùng thêm bất ngờ khi thấy ông Nghĩa làm 2 hầm nuôi trùn quế khoảng 30 mét vuông từ nguồn phân bò có sẵn. Ông dùng trùn quế trộn với thức ăn công nghiệp để nuôi lươn nên lươn của ông vừa mau lớn, vừa chắc thịt.


mo-hi-nh-C-T-L-JPG-4257-1588551808.jpg

Hướng dẫn chúng tôi tham quan trang trại bò - trùn quế - lươn, ông Nghĩa cho biết: “Tôi vừa thay 9 áo nuôi lươn lót bạt ni lông bằng 15 hồ nuôi làm bằng xi măng dán gạch men, mỗi hồ 10 mét vuông, mỗi hồ thả nuôi khoảng 3.000 con lươn, sẽ thu hoạch vào tháng 8 tới. Nuôi trong bể, lươn mau lớn hơn, lại ít bệnh vì vệ sinh thuận lợi”. Theo ông Nghĩa tính toán, năm 2020, ông sẽ có lãi trên 400 triệu đồng từ việc bán lươn giống và lươn thịt.

Ông Nghĩa còn nhận phân phối 25.000 con tôm giống chất lượng cao cho người dân quanh vùng từ một cơ sở nhân giống tôm có uy tín tại TP. Vĩnh Long. Hiện nay nguồn tôm này đã “cháy hàng” do người nuôi đến tìm ông đặt hàng quá nhiều. 

Phan Minh Huy