Tự truyện và sách về doanh nhân: Nguồn cảm hứng đối với giới trẻ khởi nghiệp
Sách hay - Ngày đăng : 02:28, 09/05/2020
Tự truyện Gian truân chỉ là thử thách với nội dung tóm lược cuộc đời một cậu bé chăn trâu trở thành ông chủ tập đoàn nhờ kinh doanh chả giò của doanh nhân Hồ Văn Trung đã được chú ý ngay từ khi mới xuất bản. Hồ Văn Trung mồ côi cha từ thuở lọt lòng, sống trong túp lều cùng mẹ và chị gái ở miền quê nghèo Thừa Thiên - Huế. Người mẹ làm thuê, ở đợ để con có chữ nghĩa, hy vọng sau này có cuộc sống tốt đẹp. Được nuôi dưỡng trong tình thương vô bờ của mẹ, niềm tin yêu của chị, Hồ Văn Trung dần trưởng thành, tìm kiếm cơ hội thoát khỏi nghịch cảnh. Từng tham gia phong trào đấu tranh đòi tự do của sinh viên, học sinh Sài Gòn trước giải phóng, phải ngồi tù, rồi trải qua những ngày vất vả của người con xa xứ ở Úc đã tôi luyện Hồ Văn Trung thành một doanh nhân, xây dựng thành công Trangs Group có trụ sở ở Mỹ, Anh, Trung Quốc. "Không ai có cuộc đời hoàn hảo, không ai có thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể quyết định cuộc đời mình. Đừng bao giờ nản chí. Đừng bao giờ buông xuôi. Đừng bao giờ tuyệt vọng. Đừng bao giờ ngừng cố gắng và hy vọng vì chắc chắn thành công sẽ đến với những ai biết tạo cơ hội cho chính mình!". Đó là những dòng tâm sự của doanh nhân Hồ Văn Trung.
Bầu trời không chỉ có màu xanh - tự truyện của doanh nhân Lý Quí Trung là câu chuyện tràn đầy những hoài bão của một người trẻ. Đó là hồi ức sống động của anh chàng thi trượt đại học, làm nhân viên phục vụ nhưng luôn tự tin trở thành giám đốc khách sạn. Và một ngày kia, anh có được cơ hội du học với mong muốn "đi thật xa để trở về” khi đã trưởng thành. Ông chủ thương hiệu Phở 24 hay nhà hàng Maxims Nam An, nhà hàng An Viên, chuỗi cà phê Gloria Jeans Coffees, chuỗi tiệm bánh Breadtalk, viết: "Tôi tâm niệm rằng, trên con đường đời chúng ta đi rồi sẽ có nhiều ngã rẽ bất ngờ mà không ai tính trước được. Điều quan trọng là chúng ta phải biết tùy cơ ứng biến để vượt qua khó khăn và thích nghi với mọi hoàn cảnh. Chúng ta cũng nên sống với tất cả niềm say mê để không bao giờ phải hối tiếc. Bầu trời trên kia không chỉ có màu xanh mà còn có nhiều màu sắc khác nữa. Chúng ta hãy tận hưởng tất cả màu sắc mà cuộc đời mang lại".
Không là tự truyện, cuốn Mai Kiều Liên - Trên con đường không chỉ có hoa hồng tập hợp những bài viết trên báo chí trong nước và ngoài nước về Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và là Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), từng hai lần được Tạp chí Forbes Asia vinh danh là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên sinh năm 1953, khởi nghiệp với tấm bằng kỹ sư công nghệ chế biến sữa năm 1976. Cuộc đời bà gắn bó với ngành chế biến sữa, với khát vọng nâng cao nguồn dinh dưỡng cho nhân dân, nâng cao tầm vóc người Việt, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em, tạo vùng nguyên liệu và việc làm cho hàng chục nghìn hộ nông dân nuôi bò sữa. Trên con đường ấy không chỉ có hoa hồng mà còn đầy gian truân trong thời kỳ đầu đổi mới, với những nỗ lực của người nữ giám đốc trẻ và cộng sự trong việc mở ra những hướng đi mang tính chiến lược cho ngành sữa Việt Nam.
Viết về chân dung của 23 doanh nhân tên tuổi, tập sách Giữa dòng xoáy cuộc đời của Phan Thế Hải với tư liệu phong phú cùng góc nhìn sinh động và đa chiều về sự ra đời, trưởng thành của một lớp doanh nhân Việt sinh ra từ công cuộc đổi mới của đất nước. Khởi nghiệp từ những năm đất nước vừa bước ra từ chế độ bao cấp, trước tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động, những bước đi, những bước tiến, lùi hay đứng lại đều phải vô cùng thận trọng. Cố Thủ tưởng Phan Văn Khải nhận định: "Doanh nhân là người lính tiên phong trên mặt trận xóa đói giảm nghèo. Nước Việt Nam có trở nên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, trước hết là nhờ sự tinh nhuệ của lực lượng tiên phong này"...
Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh - tự truyện của "vua hồ tiêu" Phan Minh Thông cho thấy một diện mạo trong đời sống doanh nhân: quyết liệt trong kinh doanh nhưng rất "đa màu" trong đời sống.
Chuyện nhà Dr. Thanh do nữ doanh nhân Trần Uyên Phương của Tập đoàn Tân Hiệp Phát viết về cha mình - doanh nhân Trần Quý Thanh, Những người làm chủ số 1 Việt Nam của Đàm Linh viết về 10 doanh nhân tiêu biểu như Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP FPT, Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, Lý Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Minh Long 1, Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE... với ước mong mãnh liệt mang lửa của thế hệ đi trước truyền lại cho lớp trẻ phía sau.
Tuy nhiên, dòng tự truyện và sách viết về doanh nhân Việt vẫn còn khiêm tốn về số lượng, trong khi trên thế giới đây thuộc dòng sách bán rất chạy với những đầu sách được viết bởi những doanh nhân, tỷ phú nổi tiếng. Với nguồn đề tài phong phú và chân thật, sách, tự truyện của họ không chỉ thỏa mãn sự tò mò của độc giả mà còn giúp lớp trẻ nâng cao hiểu biết, học cách ứng xử, tìm nguồn cảm hứng, khai mở tư duy, tiếp cận xu hướng mới trong kinh doanh và đời sống... Với những người trẻ nuôi khát vọng khởi nghiệp, những cuốn sách hay tự truyện về doanh nhân là tài liệu tham khảo với nhiều bài học quý giá.
Sự ít ỏi của dòng sách và tự truyện có lẽ xuất phát từ sự khiêm nhường, ít chịu "xuất đầu lộ diện" để nói về bản thân của số đông doanh nhân Việt Nam. Nhưng vẫn hy vọng rằng, sẽ có thêm nhiều cuốn sách hay tự truyện của doanh nhân Việt ra đời. Bởi đây cũng là một cách để lại di sản kinh doanh cho những người kế nghiệp và giới trẻ nuôi khát vọng khởi nghiệp.