Đón làn sóng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:05, 11/05/2020
Các DN sẽ phải kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm hơn |
Cơ hội đi trước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định “Làn sóng chuyển chuỗi giá trị đang xem Việt Nam như một ô cờ trung tâm cần được chiếm lĩnh trên bàn cờ vua. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang cầm quân trắng và có cơ hội đi trước”. Đồng thời, yêu cầu các DN: Thể hiện tình yêu tổ quốc bằng sự nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, chia sẻ giúp đỡ nhau trong khó khăn; Đoàn kết, không nản chí; Năng động, quyết đoán để nắm bắt cơ hội; Phát huy năng lực sáng tạo và có niềm tin ở chính bản thân mình... để nắm bắt cơ hội này.
Nguồn tin của Nikkei Asian Review cho biết: Lần đầu tiên, Hãng công nghệ Apple sẽ sản xuất hàng triệu tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam (Khoảng 3-4 triệu đơn vị, tương đương 30% của AirPods). Việc dịch chuyển sản xuất này sang Việt Nam chưa bao gồm AirPods Pro (phiên bản cao cấp, có tính năng khử tiếng ồn được giới cuối năm 2019). Trước đây, Phần lớn dòng AirPods, gồm AirPods thông thường và AirPods Pro được sản xuất tại Trung Quốc. Rút khỏi Trung Quốc, Apple là tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới chọn Việt Nam làm điểm đến. Đây có thể xem động thái mở đầu cho hàng loạt các công ty lớn của Mỹ và nhiều quốc gia khác tìm kiếm cơ sở sản xuất ở khác Trung Quốc như Thái Lan, Ấn Độ và Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là sự lựa chọn sáng giá.
Đón đầu cơ hội này, theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA): "Các DN tập trung đổi mới thiết bị, công nghệ, ứng dụng kinh tế số, phù hợp thời đại cách mạng công nghiệp 4.0". Ông Dũng cũng kiến nghị thành phố chú trọng chuẩn bị cơ sở hạ tầng giúp đẩy nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước khác sang Việt Nam do dịch Covid-19. Đồng thời nhanh chóng hoàn thiện môi trường pháp lý để hỗ trợ, thúc đẩy DN ứng dụng chuyển đổi mạnh sang môi trường số hóa. Đảm bảo an ninh, an toàn cho các giao dịch số....
Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn đem lại nhiều lợi thế cho Việt Nam nhưng cũng là một thách thức rất lớn. Làm sao trong thời gian ngắn vừa chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế và đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng. Thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công (ưu tiên trong lĩnh vực CNTT và chuyển đổi số. Đây là thời cơ quý báu, không dễ gì có được khi Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ. Chính vì vậy, ngay lúc này, Chính phủ chung tay có những hành động nhanh và mạnh hơn hỗ trợ DN chớp lấy thời cơ “vàng”, nhằm bứt phá, kích thích tăng trưởng.
Chuyển đổi số, phát triển hạ tầng đón vận hội mới
Ông Nguyễn Trung Chính, Tổng Giám đốc Tập đoàn CMC cho rằng: chuyển đổi số sẽ đem lại 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam, giúp lấy lại đà tăng trưởng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, cần đầu tư mạnh về chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số. Đồng thời, đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến ... Xây dựng hạ tầng số mạnh mẽ cho quốc gia, bao gồm: Hạ tầng cứng (5G, kết nối, lưu trữ dữ liệu); Hạ tầng mềm (cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu mở) và Hạ tầng thể chế (chính sách phù hợp với xã hội số).
Phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư nhà xưởng, logistics.... là lựa chọn của nhiều DN vừa và nhỏ ở thời điểm này, bởi họ cho rằng, xu thế chuyển dịch là tất yếu cho nên ngay cả thời kỳ dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhưng ở khu vực phía Bắc, giá cho thuê nhà xưởng trung bình đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê (tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước). Khu vực phía Nam, trung bình đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê (tăng 12,2% so với cùng kỳ).
Đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để sẵn sàng cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho các tập đoàn, công ty đa quốc gia cũng là một trong những thế mạnh của DN Việt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI: Các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế đang đảo chiều, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại một cách tin cậy hơn và bền vững hơn. Các DN sẽ phải kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm hơn. Chúng ta trong thời cơ vàng này để tái khởi động, để phục hồi khi chúng ta là một trong số ít những nền kinh tế đã sớm kiềm chế được dịch bệnh để mở cửa nền kinh tế. Sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu đang đem đến cho chúng ta như vận hội mới. Các địa phương sẽ có cơ hội vàng để đón nhận các dòng vốn đầu tư mới với chất lượng cao hơn. Cải cách thể chế, cải thiện chỉ số PCI, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là nền tảng quan trọng để đón nhận dòng đầu tư đó.