Cần hỗ trợ doanh nghiệp có nhiều lao động
Chính sách mới - Ngày đăng : 05:00, 12/05/2020
![]() |
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một hướng nhìn bi quan về tương lai, nhất là khi hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục bất đồng. Nếu căng thẳng tăng cao, có thể có nhiều quốc gia tách ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu - một mảng kinh tế đã bộc lộ tính dễ bị tổn thương nhất do dịch bệnh hay bất ổn địa - chính trị, và theo đuổi chiến lược phi toàn cầu hóa. Nếu điều đó xảy ra, kinh tế Việt Nam có thể gặp khó khăn trong dài hạn vì doanh nghiệp nội chưa đủ mạnh.
Hiện Chính phủ các nước đang đưa ra các gói kích cầu lớn hay nhỏ tùy nền kinh tế của mỗi quốc gia. Chính phủ Việt Nam cũng đã có những biện pháp phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế. Điều quan trọng là cần xem xét toàn diện từng lĩnh vực. Nếu Chính phủ quyết định hỗ trợ ngành nông nghiệp thì cũng cần hỗ trợ chuỗi cung ứng để đưa nông sản vào siêu thị, cửa hàng, nhà hàng. Tương tự, với ngành du lịch, không chỉ hỗ trợ khách sạn, khu nghỉ dưỡng mà cả phương tiện đi lại... Nhìn chung, sẽ tốt hơn nếu hỗ trợ những ngành có ảnh hưởng lớn nhất đến việc làm.
Bất cứ khi nào nền kinh tế gặp khó khăn thì việc “bơm tiền” nhanh chóng luôn là giải pháp hữu hiệu, nhưng dòng tiền đó phải thực sự đi vào nền kinh tế và đóng góp vào tốc độ lưu chuyển tiền tệ. Nếu đưa tiền cho người giàu thì họ có thể sẽ dùng để gửi ngân hàng hoặc mua hàng hóa nhập khẩu đắt tiền. Nhưng nếu đưa tiền cho người nghèo thì họ sẽ chi tiêu ngay vì cần thực phẩm, thuốc men và các dịch vụ cơ bản. Vì vậy, hỗ trợ tầng lớp lao động là quyết định đúng đắn về cả góc độ kinh tế và sự công bằng.
Đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ nên đang bị ảnh hưởng khá nặng bởi Covid-19. Lực lượng lao động rất lớn, đa phần là những người dễ bị tổn thương do thu nhập khiêm tốn, lại đang làm việc cho loại hình doanh nghiệp nêu trên. Vì vậy, cần lưu ý hỗ trợ loại hình doanh nghiệp này.
Về thị trường lao động, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra chính sách kết hợp cả chủ động và thụ động. Chính sách thụ động bao gồm trợ cấp thất nghiệp để người dân có thể tiếp tục cuộc sống trong một thời gian. Chính sách chủ động gồm cung cấp chương trình đào tạo và nâng cấp kỹ năng để giúp người dân tìm việc làm mới.
Về lâu dài, cần có sự phối hợp và hợp tác lớn hơn nữa trong khối ASEAN để đưa ra các chính sách toàn khu vực trong những cuộc khủng hoảng như hiện nay. Chúng ta biết rằng khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu đang đến và chắc chắn các quốc gia sẽ cần chung tay xây dựng những chính sách đa phương.
Về việc Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư công và xem đó là một cách phục hồi nền kinh tế, tôi cho rằng, đầu tư công có thể tập trung vào cơ sở hạ tầng vật chất, vì xây dựng cần rất nhiều lao động và hiện có nhiều dự án như vậy ở Việt Nam nên sẽ rất hữu ích để bắt đầu. Nếu không đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật chất, chẳng hạn như nhiều dự án thuộc mạng lưới đường cao tốc châu Á đang được xây dựng dưới sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á, thì có thể đầu tư vào ngành giáo dục, ví dụ như đầu tư cải tạo các trường tiểu học trên cả nước.
Trong báo cáo Nghiên cứu toàn cầu - Triển vọng kinh tế được công bố gần đây, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý II/2010 sẽ chậm lại, chỉ đạt 3,3% do những thách thức liên quan đến Covid-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 2,7% trong năm nay, nhưng sẽ phục hồi mạnh mẽ, lên 7% vào năm 2021.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ còn 2,2% vào năm 2020 và sau đó tăng trở lại 6,3% vào năm 2021.
Tuy nhiên, khi thực tế thay đổi, dự báo cũng phải thay đổi. Nếu Covid-19 có thể được kiểm soát trên toàn cầu vào quý II/2020 thì các dự báo tích cực có thể được chứng minh là đúng. Tuy nhiên, dường như sự lạc quan này không có nhiều khả năng xảy ra. Sẽ có những thay đổi và ngay cả khi những thay đổi này là tốt cho toàn cục thì dự báo kinh tế vẫn có thể đảo lộn.
* Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh quốc tế Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam