Thiết bị đeo thông minh sẽ không cần dùng pin

Công nghệ - Ngày đăng : 01:35, 13/05/2020

Những thiết bị đeo thông minh hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và cả smartwatch trong một tương lai không xa có thể hoạt động nhờ năng lượng từ... mồ hôi của chủ nhân thiết bị.

Theo nghiên cứu của các kỹ sư Đại học Glasgow (Scotland), mồ hôi cũng có thể dùng như là một nguồn năng lượng mới thay thế cho các loại pin thông thường trên các thiết bị đeo thông minh đơn giản. Để làm được điều này, các kỹ sư của Đại học Glasgow đã chế tạo ra một loại siêu tụ điện đặc biệt và đáng chú ý hơn là còn có thể uốn cong.

Về cơ bản, theo giải thích nhóm nghiên cứu, họ đã chọn sử dụng một loại polyme đặc biệt phủ ngoài bởi lớp vải polyeste cellulose dùng làm điện cực trong siêu tụ điện này. Việc vật liệu vải trên được chọn là do tính thấm hút cao, trong khi vẫn có độ bền, độ linh hoạt và đặc biệt thân thiện với môi trường.

fitness-tracker-2507-1589343863.jpg

Nhờ công nghệ siêu tụ độc đáo, các thiết bị đeo sẽ sớm có thể không cần đến năng lượng từ pin để hoạt động

Giáo sư Ravinder Dahiya - người dẫn dắt nhóm nghiên cứu cho biết thêm một khi điện cực phủ vải này thấm mồ hôi của con người, các ion âm và dương trong mồ hôi sẽ tương tác với bề mặt polyme tạo nên phản ứng hóa học sinh ra năng lượng điện.

Công nghệ biến đổi năng lượng từ mồ hôi này đã được thử nghiệm trên một tình nguyện viên tập trên máy chạy bộ trong đó sử dụng phiên bản thử nghiệm có kích thước 2x2cm. Lượng mồ hôi từ người chạy bộ đủ cung cấp năng lượng (10 miliwatt) liên tục để làm sáng một dải đèn LED nhỏ cho đến khi tình nguyện viên này dừng chạy hẳn.

Giáo sư Ravinder Dahiya khẳng định, công nghệ pin thông thường rẻ và nhiều năng lượng hơn nhiều so với những siêu tụ điện của ông. Tuy nhiên, những loại pin truyền thống sử dụng vật liệu không bền vững và không tốt cho môi trường. Chính những điều này khiến việc thải bỏ pin lại càng khó khăn hơn và cũng gây những mối nguy hiểm tiềm tàng cho người sử dụng.

Phát minh của vị giáo sư này cho thấy lần đầu tiên mồ hôi con người mở ra một cơ hội thực sự để thay thế những vật liệu độc hại và hiệu suất sạc xả tốt hơn (siêu tụ điện có sức chứa 20 microlit chất lỏng và chu kỳ sạc xả 4.000 lần). Được biết, nhóm nghiên cứu do giáo sư Ravinder Dahiya dẫn dắt đã phát triển nhiều công nghệ mới đáng chú ý như da điện tử có thể lấy năng lượng mặt trời để lắp cho các bộ phận như tay chân giả hay robot.

Theo giới quan sát, nghiên cứu của Ravinder Dahiya rõ ràng hoàn hảo cho những thiết bị đeo theo dõi sức khỏe vì lượng mồ hôi từ chủ nhân thiết bị thải ra trong quá trình rèn luyện thể thao. Tuy vậy, các chuyên gia cũng tin rằng công nghệ siêu tụ, hấp thụ mồ hôi chuyển hóa thành năng lượng điện này cũng có thể ứng dụng cho cả smartwatch.

Làng công nghệ hiện tại cũng từng nghe bàn đến những vấn đề đầy hứa hẹn như smartphone với camera siêu mỏng, hay pin graphene với khả năng cho thời gian sử dụng rất lâu. Tuy nhiên, không phải hầu hết mọi công nghệ mới đều được thương mại hóa. Dẫu vậy, giới quan sát vẫn kỳ vọng vào công nghệ siêu tụ của giáo sư Ravinder Dahiya vì chí ít người dùng không phải lo sạc pin đều đặn như trước đây và không phải áy náy về việc những thiết bị mình sử dụng có khả năng gây nguy hại cho môi trường.

Quỳnh Lâm