Những điều cần biết về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới
Pháp luật - Ngày đăng : 09:00, 25/05/2020
Những thông tin liên quan tới các nội dung cơ bản của chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới hiện được quy định tại Nghị định số 103/2008/NĐ-CP. Theo Nghị định này, giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (Giấy Chứng nhận bảo hiểm) là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm. Bộ Tài chính quy định cụ thể mẫu Giấy Chứng nhận bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm được phép tự in Giấy Chứng nhận bảo hiểm theo đúng mẫu do Bộ Tài chính quy định và có trách nhiệm mở sổ sách theo dõi việc phát hành, sử dụng và quyết toán việc sử dụng Giấy Chứng nhận bảo hiểm, xây dựng quy trình phát hành, quản lý và sử dụng Giấy chứng nhận bảo hiểm bảo đảm các quy định.
Nghị định này quy định, chủ xe cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam và doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy tắc, điều khoản, biểu phí do Bộ Tài chính quy định. Phạm vi bồi thường bảo hiểm bao gồm: thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra và thiệt hại về thân thể, tính mạng của hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách do xe cơ giới gây ra. Thời hạn bảo hiểm được quy định là 1 năm (trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định cụ thể như xe tạm nhập, tái xuất; xe có niên hạn sử dụng dưới 1 năm…).
Hiện Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/02/2016 của Bộ Tài chính quy định Quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm. Theo đó, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn; đối với thiệt hại về tài sản là 100 triệu đồng/vụ tai nạn do xe ô tô gây ra, 50 triệu đồng/vụ tai nạn do xe máy gây ra. Mức hỗ trợ nhân đạo: 20 triệu đồng/người/vụ. Mức phí bảo hiểm đối với xe mô tô 2 bánh (xe máy) từ 50cc trở xuống là 55.000 đồng, trên 50cc là 66.000 đồng (đã gồm VAT).
|