Trình Quốc hội dự thảo miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp khoảng 7.500 tỷ đồng/năm
Trong nước - Ngày đăng : 09:00, 25/05/2020
Theo đó, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) đến hết năm 2025 là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp và không làm giảm thu ngân sách, bởi đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế.
Tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN cho thấy: Tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 bình quân khoảng 3.268 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 khoảng 6.308 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438 tỷ đồng/năm. Từ kết quả này, Chính phủ cho rằng, chính sách thuế SDĐNN được thực hiện theo quy định của Luật thuế SDĐNN năm 1993, Pháp lệnh số 31-L/CTN năm 1994 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thuế bổ sung đối với hộ gia đình SDĐNN vượt quá hạn mức diện tích đất có hiệu ứng tích cực trong việc thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, góp phần hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Theo quy định hiện hành, chính sách thuế SDĐNN đang thực hiện miễn đến hết ngày 31/12/2020.
Nếu tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN trong thời gian tới không chỉ hỗ trợ trực tiếp nông dân mà còn khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp; Đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Tạo nhiều sản phẩm chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước. Tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động khu vực nông thôn, đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, Chính phủ trình Quốc hội kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN đến hết ngày 31/12/2025.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ: Thực tế quá trình SDĐNN cho thấy có tình trạng đất nông nghiệp được giao cho hộ nông dân nhưng không được đưa vào canh tác hoặc canh tác không hiệu quả, gây nên tình trạng đất bị bỏ hoang, lãng phí. Trong khi pháp luật về đất đai chưa có khung pháp lý quy định thế nào là đất hoang hóa để có chế tài nhưng Luật đất đai 2013 lại quy định việc xác định một số loại đất nông nghiệp không được sử dụng trong khoảng thời gian nhất định là những hành vi vi phạm pháp luật phải thực hiện thu hồi (đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục...). Bên cạnh đó, việc để đất đai hoang hóa cũng có nhiều nguyên nhân như thiên tai (hạn hán, thiếu nước), dịch bệnh, hoặc không có đầu ra, hiệu quả sản xuất thấp, thiếu hụt lao động trong nông nghiệp... không xuất phát từ nguyên nhân miễn thuế SDĐNN. Đồng thời, các đối tượng được miễn thuế SDĐNN như hiện hành là phù hợp. Chính phủ cũng nghiên cứu, đánh giá kỹ việc thu thuế đối với đất để hoang hóa để đề xuất, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai nói chung.
Việc đề xuất tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết 2025 không chỉ thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông dân mà còn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và không gây xung đột, ảnh hưởng trong quan hệ thương mại với các nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam trong việc thực thi các hiệp định thương mại quốc tế song phương và đa phương.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Chính phủ cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những tác động bất lợi do thiên tai thiên tai, biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện tại. Ông Hải bày tỏ quan điểm: Nhất trí với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 5 năm tiếp theo.