Talkshow "Nhận diện chuỗi cung ứng mới - Cơ hội nào cho doanh nghiệp TP.HCM?" (Bài 2)

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:28, 26/05/2020

Đặt câu hỏi cho các diễn giả tại tọa đàm: "Nhận diện chuỗi cung ứng mới - Cơ hội nào cho doanh nghiệp TP.HCM" do Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Câu lạc bộ Các Nhà kinh tế tổ chức, nhiều ý kiến quan tâm đến vấn đề thương hiệu Việt, làm sao tránh phụ thuộc vào nguyên liệu Trung Quốc, làm sao để quy hoạch dòng vốn hiệu quả?...

* Vì sao Việt Nam được Mỹ và nhóm bộ tứ chọn tham gia nhóm kinh tế thịnh vượng?

- Ông Lương Văn Tự: Bộ tứ kim cương ra đời từ cảnh báo sóng thần của Nhật Bản. Sau đó thì Nhật Bản bổ sung thêm vấn đề an ninh. Đến khi đại dịch xảy ra, bộ tứ này nhận ra thêm rủi ro về chuỗi cung ứng nên muốn tạo nên mạng lưới chuỗi cung ứng mới.

Họ mời Việt Nam tham gia mạng lưới mới vì nhiều lý do, trước hết là Việt Nam rất ổn định. Kết quả khống chế tốt dịch Covid-19 cho thấy Việt Nam rất đồng lòng, từ chính quyền tới người dân.

Ngoài ra, vị trí địa - chính trị của Việt Nam rất quan trọng. Chúng ta cũng mở cửa hội nhập với kinh tế thế giới nhanh hơn các nước khác trong cùng khu vực. Theo đánh giá của quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất năng động. Trong cuộc chơi mới này có thách thức cao, nhưng nếu chuẩn bị tốt thì Việt Nam vẫn chơi được.

Ông Lương Công Huỳnh - Tổng thư ký Hội Dây và Cáp điện TP.HCM; Ông Nguyễn Mạnh Tuệ - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Ông Trần Việt Tiến - Ủy viên BCH Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM

Ông Lương Công Huỳnh - Tổng thư ký Hội Dây và Cáp điện TP.HCM; Ông Nguyễn Mạnh Tuệ - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Ông Trần Việt Tiến - Ủy viên BCH Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM

* Đón sóng dịch chuyển cần hạ tầng dịch vụ, TP.HCM liệu có đáp ứng được điều này?

- Ông Trần Chí Dũng: Theo tôi, TP.HCM vẫn là đầu tàu kinh tế và rất sáng tạo. Các hoạt động sản xuất công nghiệp thậm chí bất động sản đã dịch chuyển ra các tỉnh, nhưng hoạt động quản lý hoạch định và tài chính vẫn nằm ở đây. Tôi hy vọng sắp tới, doanh nghiệp TP.HCM sẽ là những người đứng ra đàm phán, đầu tư, tham gia vào các chuỗi cung ứng mới.

* Trong lần chuyển dịch chuỗi cung ứng lần này, lo nhất là doanh nghiệp TP.HCM bị nước ngoài thâu tóm. Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM có đề xuất gì với Thành phố để doanh nghiệp tránh việc bị mất thương hiệu?

- Ông Chu Tiến Dũng: Tôi đang tham gia một chương trình làm sao để phát triển thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc xác định thế nào là thương hiệu Việt là câu hỏi khó.

Chẳng hạn, thương hiệu Bia Sài Gòn rất nổi tiếng, nhưng khi đối tác đã mua đến 60-70% cổ phần rồi thì liệu thương hiệu đó còn của Việt Nam nữa không?

Theo tôi, so với thương hiệu được định danh bằng sở hữu vốn, thì thương hiệu được đăng ký sở hữu trí tuệ và sản xuất thương mại ở đâu quan trọng hơn. Nếu chúng ta xây dựng được nhiều thương hiệu lớn có nguồn gốc xuất xứ tại TP.HCM là thành công rồi.

* Một số lĩnh vực của Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc, chúng ta cần làm gì để thoát ra?

- Ông Chu Tiến Dũng: Câu hỏi này rất khó. Điều này cần thực hiện ở tầm chiến lược quốc gia, không chỉ doanh nghiệp muốn làm là được. Khi đã là một chương trình quốc gia, mới có chính sách và nguồn lực để thực hiện.

- Ông Lương Văn Tự: Theo tôi điều này cần được phân làm hai phần.

Đối với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhất là doanh nghiệp toàn cầu, chúng ta phải yêu cầu họ đưa chuỗi cung ứng toàn cầu vào Việt Nam mới được hưởng ưu đãi.

Lâu nay chúng ta hay nhắc đến ngành công nghiệp phụ trợ nhưng không cung ứng được cho toàn cầu. Tôi từng đi khảo sát tại Malaysia, những khu sản xuất miếng đệm cao su cho ô tô và xe máy, để tồn tại được họ phải bán ra toàn cầu chứ không chỉ cung cấp cho ngành công nghiệp nội địa.

Đối với doanh nghiệp trong nước thì đừng mua nguyên liệu của những thị trường không có ưu đãi. Chẳng hạn với ngành may, doanh nghiệp nên mua bông của Mỹ, EU hoặc các nước có liên kết với họ. Để khi xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường này chúng ta vẫn được hưởng ưu đãi.

0R9A8192-1115-1590465739.jpg

* FDI chảy vào Việt Nam đang có xu hướng tăng. Làm sao để quy hoạch dòng vốn đầu tư hiệu quả?

- Ông Lương Văn Tự: Hiện giờ chúng ta phải chọn lọc nhà đầu tư, xác định lĩnh vực nào khuyến khích và không nên khuyến khích. Để làm được việc này, phải phát huy vai trò của các Hiệp hội. Hiệp hội là đơn vị hiểu rõ điều này hơn chính phủ. Hiệp hội cần kiến nghị ý kiến doanh nghiệp lên cơ quan đầu tư địa phương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Ông Chu Tiến Dũng: Sau khi tổng kết chương trình 30 năm thu hút đầu tư FDI, Chính phủ cũng đã nhận diện rõ cách làm sao để thu hút FDI hiệu quả. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, nói chọn ngành này bỏ ngành kia cũng không hẳn đúng. Chính phủ cũng đang có định hướng làm sao tiếp nhận các dòng FDI hiệu quả hơn.

Doanh nghiệp trong nước cần đồng hành với các doanh nghiệp FDI để phát triển chuỗi giá trị lớn mạnh. Thay vì thụ động sợ cạnh tranh, doanh nghiệp nên chủ động đi tìm các đối tác FDI để xây dựng chuỗi giá trị. Điều này rất nhiều doanh nghiệp Việt có thể làm được.

* Cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" rất có ý nghĩa. Nhưng việc định nghĩa về hàng Việt Nam còn lúng túng. Nên xác định hàng Việt Nam như thế nào?

- Ông Lương Văn Tự: Khi chúng ta có Luật Đầu tư, vấn đề doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có phải doanh nghiệp Việt hay không được bàn cãi khá nhiều. Cuối cùng, chúng ta công nhận doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam, sản xuất và tuân thủ luật pháp Việt Nam thì được hưởng ưu đãi như các doanh nghiệp trong nước.

Về vận động dùng hàng Việt, chúng ta nên học Nhật Bản. Lâu nay chúng ta luôn xuất khẩu những thứ ngon nhất và bán hàng kém chất lượng hơn cho người Việt. Doanh nghiệp nên thay đổi tư duy, phải sản xuất được những mặt hàng có chất lượng nhất và an toàn nhất để bán cho người Việt dùng.

Để xác định thế nào là hàng Việt Nam, Bộ Công Thương đang làm chưa xong. Tôi cho rằng, nếu hàng sản xuất ở Việt Nam, có 30-40% nguyên liệu của Việt Nam thì nên chấp nhận là hàng Việt Nam.

Xem lại Talkshow "Nhận diện chuỗi cung ứng mới - Cơ hội nào cho doanh nghiệp TP.HCM?" (Bài 1).

Dương Nguyễn