Vượt dịch Covid-19 nhờ kinh doanh số

Công nghệ - Ngày đăng : 03:36, 28/05/2020

Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến doanh số của hầu hết doanh nghiệp Việt bị giảm mạnh trong bốn tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, nhờ chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống sang kinh doanh số nên nhiều doanh nghiệp vẫn đứng vững sau dịch.
Vượt dịch Covid-19 nhờ kinh doanh số

"Chiếc phao" online

Mới thành lập được hơn một năm thì gặp ngay đại dịch, chuỗi nhà hàng Vua Cua đành bấm bụng đóng cửa bớt 2 trong số 5 cửa hàng và chỉ phục vụ online. Bà Đoàn Thư - chủ chuỗi nhà hàng này ước tính, tổng doanh số đã giảm khoảng 40% trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Thật ra khi trước dịch, Vua Cua vẫn có kênh online riêng và đóng góp hơn 10% doanh số toàn chuỗi. Trong tháng 3 và 4/2020, khách hàng không đến cửa hàng được, cả chuỗi phải phụ thuộc vào kênh online này. Cũng nhờ có sẵn nền tảng online, doanh số chuỗi đã tăng gấp 3 lần. Đến đầu tháng 5/2020, khi các cửa hàng vật lý mở lại hết, đóng góp của mảng online đã tăng gấp 3 lần, lên mức 30% tổng doanh thu. “Ngoài việc tăng doanh thu, cái lợi lớn nhất là sau dịch, kênh online giúp nhiều khách hàng biết là Vua Cua có giao hàng tận nơi", bà Đoàn Thư chia sẻ.

Đối với chuỗi Pizza Home tại Hà Nội, trải qua những tháng giãn cách toàn xã hội, kênh online đã làm thay đổi rất lớn cơ cấu kinh doanh. Ông Hoàng Tùng - CEO chuỗi này cho biết, vừa rồi, nhờ chỉ tập trung vào kênh online nên đã phát hiện ra nhiều thứ mình còn bỏ sót nên đã tối ưu hơn cho kênh online. Doanh thu kênh online của Pizza Home trước dịch chỉ chiếm 30% doanh thu nhưng đã tăng lên 50% trong tổng doanh thu sau dịch.

Pizza Home đã đầu tư kênh bán hàng qua online từ tháng 6/2019, nhưng chỉ khi có đại dịch thì cơ cấu sản phẩm mới thay đổi nhiều. Trước đây, ông Tùng chỉ xem online là kênh bán hàng để tạo ra doanh số phụ thêm, nhưng nay đó là phần quan trọng trong mô hình kinh doanh pizza.

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động marketing online, ông Tùng cũng kết hợp bán hàng qua kênh khác như app giao hàng (GrabFood, Now, GoFood...). Sản phẩm cũng được cải tiến lại để phù hợp với kênh online, như tạo ra sản phẩm mới hoặc gói sản phẩm riêng cho online.

Còn đối với Vua Cua, để chuyển hướng, chuỗi này tập trung cải thiện các chức năng của website để tạo sự tiện lợi hơn cho khách hàng khi thao tác đặt món. Đồng thời, tăng cường thêm nhân viên chăm sóc khách hàng để trả lời khách chỉ trong vòng 2 giây để tăng tỷ lệ chốt đơn. Bà Thư cho biết, Vua Cua không hợp tác với đối tác thứ ba vì nhiều lý do. Chủ yếu vì chi phí cao (tới 25%) và dữ liệu khách hàng thì không lấy được nên rất khó thực hiện việc chăm sóc khách hàng.

Để thích ứng với giai đoạn đại dịch và giãn cách xã hội vừa qua, nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng đẩy mạnh kênh online, xem đây là chiếc phao quan trọng giúp cứu vãn tình trạng giảm doanh số. Chẳng hạn, khi bị tạm ngưng đội ngũ vận chuyển bằng taxi công nghệ, hãng Grab đã giới thiệu ngay dịch vụ đi chợ hộ Grabmart.

Không đứng ngoài xu hướng này, vừa qua, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm tươi đông lạnh là Saigon Food cũng mở ra dịch vụ giao thực phẩm tươi tận nhà. Đại diện đơn vị này cho biết, bán hàng online không chỉ là giải pháp nhất thời mùa dịch mà sẽ là chiến lược kinh doanh lâu dài của công ty. Trong những tháng dịch, đơn hàng online của đơn vị này cũng tăng gấp 3 lần bình thường.

Chuyển đổi thế nào?

Ông Hoàng Tùng - CEO Pizza Home cho rằng, đầu tư thêm kênh online là việc doanh nghiệp nên và phải làm. Vì kênh này mang đến nhiều cái lợi.

Mở thêm kênh online công ty sẽ có thêm một dòng doanh thu mới. "Khi khó khăn xảy ra như dịch Covid-19 và dòng tiền bị siết thì ta mới thấy việc có thêm các dòng doanh thu quan trọng đến đâu", ông Tùng nhận xét.

Otoke-Chicken-6478-1590636673.jpg

Theo ông Tùng, mở thêm kênh online không tốn nhiều chi phí và công sức, chăm chỉ là làm được. Ngoài ra, sau khi có kênh online, bên cạnh việc có thêm khách hàng mới, thói quen mua sắm online của khách cũ cũng mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Để chuyển đổi sang nền tảng online, theo ông Mai Trường Giang - chủ chuỗi hơn 32 cửa hàng tại TP.HCM (gà rán Otoke Chicken, bánh tươi Chewy Junior, bánh canh Bến Có) nói tùy đối tượng doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, ông Giang cho rằng chỉ nên tự làm. Theo đó, doanh nghiệp nên đầu tư website, xây dựng các nền tảng mạng xã hội (fanpage, YouTube, Zalo...) và quảng cáo online. Khi quy mô doanh nghiệp đủ lớn mới nghĩ đến chuyện đầu tư hệ thống ERP (phần mềm quản lý và phân tích dữ liệu dùng cho doanh nghiệp) để có thông tin khách hàng đầy đủ hơn. Khi có thông tin đầy đủ, doanh nghiệp sẽ có chiến lược điều chỉnh giá và cơ cấu sản phẩm đến đúng đối tượng khách hàng.

Đa số doanh nghiệp khi nghĩ đến online hiện nay đều sẽ hình dung về đối tác thứ ba là các app giao hàng. Tuy nhiên, theo ông Giang, doanh nghiệp nên cân nhắc kỹ vì chi phí khá lớn. "Kênh online giúp mang lại nguồn thu mới, nhưng nếu làm không khéo sẽ bị ăn vào doanh thu offline", ông Giang cảnh báo.

Nói như vậy không có nghĩa doanh nghiệp không nên bắt tay với các app giao hàng. Ông Mã Thành Danh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido và Chủ tịch Công ty Tư vấn và Đầu tư Quốc tế CIB cho rằng, tùy từng chu kỳ mà doanh nghiệp sẽ có cách làm khác nhau.

Doanh nghiệp mới vào thị trường thì nên tận dụng đa kênh để tiếp cận tối đa khách hàng mục tiêu. Các app giao hàng thường chiết khấu rất cao, có khi lên đến 40-50% doanh thu, có thể khiến doanh nghiệp huề hoặc lỗ vốn qua kênh này. Tuy nhiên, đến khi chạm đến giới hạn ngân sách tiếp thị và mục tiêu khách hàng thì dừng cũng được.

Đại dịch xảy ra khiến nền tảng bán hàng online trở thành một cuộc cách mạng buộc doanh nghiệp phải hướng đến. Để phát triển lâu dài, doanh nghiệp cần đầu tư hệ thống riêng. Trước hết, doanh nghiệp cần xây dựng lại đội ngũ marketing online để tương tác với khách hàng nhanh nhất có thể. Kế đến là đội ngũ nhân lực phục vụ cho việc bán hàng online. Khi đã có nền tảng ổn định, quá trình thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp phát triển mạnh sau này.

Điều quan trọng nhất, theo ông Danh là doanh nghiệp nên thay đổi tư duy bán hàng ngay. Bởi lẽ, khách hàng trên môi trường số khác với khách hàng đến cửa hàng vật lý. "Đối tượng này chủ yếu là người trẻ, làm việc văn phòng, họ muốn mua sản phẩm có mẫu mã bắt mắt với giá cả cạnh tranh...", ông Danh nhận xét.

Dương Nguyễn