Trò chơi truyền hình hoành tráng dần thưa vắng?

Đời thường - Ngày đăng : 02:26, 29/05/2020

Trò chơi truyền hình (gameshow, truyền hình thực tế) vẫn đang chiếm sóng "giờ vàng" trên nhiều kênh truyền hình. Tuy nhiên, những trò chơi thi thố tài năng quy mô lớn và hoành tráng đang thưa vắng dần, nhường lại "sân"cho nhiều trò chơi có lồng ghép kiến thức, sự hài hước hay chia sẻ cảm xúc...
Tro-choi-1-7775-1590658968.jpg

Cảnh trong trò chơi Gia đình thông thái 2020

Từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trên "giờ vàng" mỗi ngày của các kênh truyền hình vẫn xuất hiện nhiều trò chơi mùa thứ hai, thứ ba... và mùa đầu tiên. Có thể kể một số trò chơi đã và đang phát sóng trên kênh VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam như Quý ông đại chiến, Sàn chiến giọng hát mùa 2, Người bí ẩn mùa 6, Ông bố hoàn hảo, Ai là triệu phú, Chọn đâu cho đúng, Kèo này ai thắng...; trên kênh HTV7 và HTV9 - Đài Truyền hình TP.HCM có Giải mã kỳ tài, Bí kíp vàng, Gia đình thông thái, Sao hay chữ, Tâm đầu ý hợp, Thử thách lớn khôn, Bạn muốn hẹn hò, Bạn đời ăn ý, Kỳ tài thách đấu, Bậc thầy ẩn danh, Gương mặt điện ảnh, Vui cùng con cháu...; trên kênh Vĩnh Long 1 - Đài Truyền hình Vĩnh Long có Cặp đôi hài hước, Ca sĩ thần tượng, Vui cười cười vui, Hãy nghe tôi hát, Tình bolero, Lò võ tiếu lâm, Đấu trường âm nhạc nhí... 

Dễ dàng nhận thấy, phần lớn trò chơi truyền hình đã và đang phát sóng gần đây đều nhắm đến nhiều lứa tuổi khán giả khác nhau, từ trẻ em, thanh thiếu niên đến người lớn tuổi, người độc thân rồi các cặp vợ chồng, ông bà và con cháu... Nghiêng sang tính hài hước và chú trọng các yếu tố nhân văn, chủ đề cũng như nội dung của nhiều trò chơi hướng về gia đình, chia sẻ cảm xúc hay cung cấp những kiến thức bổ ích và gần gũi với đời sống thường nhật. Chẳng hạn Gia đình thông thái giúp các thành viên trong gia đình gắn bó và thấu hiểu nhau hơn, cùng những câu hỏi vui nhộn cung cấp nhiều kiến thức mới mẻ... Còn Bí kíp vàng mang đến cho khán giả nhiều góc nhìn mới, thực tế và khác nhau thuộc nhiều thế hệ già và trẻ (từ nghệ sĩ khách mời) về nhiều chủ đề như sức khỏe, gia đình, trẻ em... hoặc kiến thức về xã hội.

Tro-choi-3-1244-1590658968.jpg

Cảnh trong gameshow Sàn chiến giọng hát

Điều đáng kể nữa là hầu hết trò chơi truyền hình đã và đang phát sóng từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay đều quay hình chủ yếu trong phim trường và được tăng cường tính tương tác, vận động để tạo không khí vui vẻ, kịch tính trong chính không gian của trường quay. Chẳng hạn như Sàn chiến giọng hát, tuy cũng là hình thức giành thí sinh yêu thích về đội mình, nhưng thay vì thuyết phục bằng lời nói thì được chuyển sang hình thức đấu giá và tạo không khí vui nhộn. Người chơi của các trò chơi truyền hình cũng đa phần là nghệ sĩ và gia đình của họ. Bởi tâm lý của số đông khán giả vẫn thích xem những trò chơi truyền hình có người nổi tiếng. Sự tham gia của họ góp phần đảm bảo về rating (chỉ số người xem) và trò chơi truyền hình trước tiên là một loại hình để mọi người được giải trí, thư giãn sau mỗi ngày bận rộn với công việc ngoài xã hội. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, trò chơi truyền hình đã trở thành một trong số loại hình giải trí truyền năng lượng vui vẻ, thoải mái cho khán giả. Ví như Chọn ai đây kết hợp giữa trò chơi carô khá phổ biến và màn hoạt náo giữa bốn người chơi mỗi tập cùng 9 nghệ sĩ ngồi ghế "nóng" như Hari Won, Lâm Vỹ Dạ, Lê Dương Bảo Lâm, Jun Phạm, BB Trần, Hồ Quang Hiếu, Huỳnh Lập, Quang Trung, Puka được dẫn dắt bởi MC Trường Giang. Họ không chỉ thể hiện sự đa tài, khả năng hài hước, mà còn "bật mí" những câu chuyện đời, những bài học, sự trải nghiệm mang nguồn năng lượng tích cực. 

Cũng không khó để nhận thấy, các trò chơi truyền hình về thi tài năng ca hát, nhảy múa... có quy mô tổ chức hoành tráng, từng tạo hiệu ứng truyền thông đình đám như Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc Việt Nam, Nhân tố bí ẩn, Dự án số 1, Ca sĩ bí ẩn, Nhạc hội song ca... từ đầu năm 2020 đến nay đang dần vắng bóng. Trên thực tế, từ khi trò chơi truyền hình "nở rộ" ở Việt Nam, thị trường liên tục xuất hiện những chương trình lớn trên thế giới được mua bản quyền sản xuất. Song chỉ được vài mùa phát sóng gây "sốt" khán giả, rất ít trong số trò chơi truyền hình ấy có được sự tồn tại lâu dài trong thị trường nhanh chóng bị bão hòa. Nói như đại diện của Tổ hợp Giải trí và Truyền thông Mega GS (sản xuất Sàn chiến giọng hát, Ban nhạc quyền năng) thì đây là xu thế tất yếu của thị trường giải trí trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng: "Thời điểm này những trò chơi quy mô lớn, hoành tráng sẽ không có nhiều vì mức đầu tư cao nên ít nhà sản xuất dám làm, trong khi doanh thu từ quảng cáo và tài trợ rất thấp. Mega GS từng thương thảo để mua các format đình đám nước ngoài, nhưng sau đó đành rút lui vì kinh phí sản xuất lớn". Có thể lý giải một phần do khán giả "bội thực" với quá nhiều trò chơi thi tài năng phát sóng liên tục trên sóng truyền hình, cùng với đó là thiếu nguồn thí sinh tiềm năng về chất lượng lẫn giám khảo, huấn luyện viên đủ sức thuyết phục về chuyên môn cũng như sức hút. Chưa kể, thời gian qua, nhiều trò chơi cố tình tạo lùm xùm để gây chú ý nhưng cũng không "cứu" nổi tỷ lệ rating sụt giảm. Thí sinh bước ra từ những trò chơi tìm kiếm tài năng ngày càng mờ nhạt. 

Tro-choi-2-5508-1590658968.jpg

Cảnh trong trò chơi Chọn ai đây?

Hiển nhiên, trò chơi truyền hình cũng như nhiều loại hình giải trí khác luôn phải chiều theo thị hiếu khán giả. Mà khán giả lúc nào cũng đòi hỏi món ăn mới và chất lượng. Bởi vậy, nếu trò chơi truyền hình không hấp dẫn thì sẽ không có khán giả, không có quảng cáo, nhà sản xuất không có lợi nhuận để tiếp tục đầu tư. Chưa kể, sự "nở rộ" của các loại hình giải trí trên mạng hiện nay là mối "đe dọa" cạnh tranh khán giả khốc liệt với trò chơi truyền hình. Nhưng dù thị trường có bão hòa, không thể phủ nhận rằng những trò chơi truyền hình có chất lượng, không thuần túy chỉ là giải trí như Vợ chồng son, Bạn muốn hẹn hò, Thử thách lớn khôn, Bí kíp vàng, Sàn chiến giọng hát, Ai là triệu phú... vẫn được lòng khán giả. 

Hương Xuân