Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học: MV nhạc trẻ mang lại thành công cho nghệ sĩ
Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 06:00, 30/05/2020
Cảnh trong MV Không thể cùng nhau suốt kiếp |
Từ lâu, lĩnh vực văn học (đặc biệt là thơ ca) đã trở thành nguồn chất liệu và cảm hứng phong phú cho âm nhạc, góp phần làm nên thành công cho nhiều ca khúc (phổ thơ) của các nhạc sĩ tên tuổi. Vài năm nay, có nhiều nhạc sĩ - ca sĩ nhạc trẻ của V-Pop đã gặt hái được thành quả đáng kể nhờ MV lấy chất liệu và cảm hứng từ tác phẩm văn học quen thuộc với công chúng. Chẳng hạn như MV Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của ca sĩ Ái Phương, trong đó ca khúc được nhạc sĩ Châu Đăng Khoa sáng tác từ cảm hứng sau khi đọc cuốn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám, MV Bống bống bang bang của nhóm nhạc 365 từng cán mốc hơn 430 triệu lượt view (xem) trên YouTube sau ba năm phát hành. MV Bánh trôi nước của Hoàng Thùy Linh với ca khúc được nhạc sĩ Hồ Hoài Anh sáng tác dựa theo bốn câu thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương, đã thu hút được 1,7 triệu lượt người theo dõi trên mạng chỉ sau một tuần ra mắt.
Năm ngoái, MV Để Mị nói cho mà nghe đã có một lượng "khổng lồ" các bản dance cover, các câu hát được viral rộng khắp trên các mạng xã hội và cán mốc 100 triệu lượt view sau 7 tháng ra mắt, đồng thời "rinh" về hàng loạt giải thưởng Mai Vàng, We Choice, Làn sóng xanh... cho các chủ nhân. Nội dung của MV kể về nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài và còn liên quan đến các nhân vật trong loạt tác phẩm văn học quen thuộc khác như Vợ nhặt (nhà văn Kim Lân), Chí Phèo và Lão Hạc (Nam Cao), Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Số đỏ (Vũ Trọng Phụng). Thành công của Để Mị nói cho mà nghe đã tạo “cú hích” cho loạt MV lấy chất liệu và cảm hứng từ tác phẩm văn học khác ra đời, trở thành một “làn sóng” riêng của thị trường V-Pop 2019. Đó là MV Hết thương cạn nhớ của ca sĩ Đức Phúc lấy cảm hứng từ truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. MV Anh ơi ở lại của Chi Pu có nội dung dựa trên chuyện cổ tích Tấm Cám. MV Sao em nỡ của Jaykii lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. MV Mặt trăng của Bùi Lan Hương lấy cảm hứng từ chuyện tình yêu của Mị Châu - Trọng Thủy trong tác phẩm An Dương Vương và Mị Châu. MV Đây là một bài hát vui của Jun Phạm lấy cảm hứng từ trích đoạn Hạnh phúc của một tang gia trong tiểu thuyết Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng... Các MV này đều gây "sốt" với số lượng người theo dõi lên tới vài chục triệu view - con số khá cao trong thị trường MV của làng nhạc trẻ Việt hiện nay. Mới nhất (tháng 5/2020), MV Không thể cùng nhau suốt kiếp (sáng tác: Mr Siro) của ca sĩ Hòa Minzy trình làng, có nội dung bám sát vào cuộc đời thật của Nam Phương hoàng hậu và gần với các sách như Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam (Daniel Granclément), Bảo Đại vị vua cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt và Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng (Lý Nhân Phan Thứ Lang)...
Cảnh trong MV Anh ơi ở lại |
Điểm chung là để tiếp cận được với đông đảo giới trẻ, các MV lấy chất liệu và cảm hứng từ tác phẩm văn học không đơn thuần cắt ghép hoặc bê nguyên xi mà mang đến cho chúng một không khí mới của thời đại hôm nay. Chẳng hạn như Mị trong tác phẩm văn học là một cô gái lam lũ phải chịu sự khắc nghiệt của gia đình nhà chồng trong khi tuổi đời còn xuân xanh ở vùng đất Tây Bắc. Còn trong MV Để Mị nói cho mà nghe thì Mị là một cô gái vô cùng yêu đời, mạnh mẽ, tự do và không bị trói buộc bởi những luật lệ hà khắc... Ở MV Hết thương cạn nhớ, vẫn là nhân vật Chí Phèo xuất hiện với những vết sẹo sâu trên gương mặt - hậu quả của những lần rạch mặt ăn vạ nhà Bá Kiến để lấy tiền uống rượu... như nguyên tác văn học - nhưng vẫn đầy ắp ân cần, trìu mến khi bên cạnh Thị Nở. Điểm thú vị là Thị Nở trong MV do Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh nhập vai, sở hữu cằm V-line và nụ cười tươi với hàm răng trắng. Tuy dựa trên câu chuyện Tấm Cám nhưng MV Anh ơi ở lại chủ yếu khai thác tâm lý và tình cảm của Cám với những rung động, ganh ghét và đau khổ đời thường trong tình yêu... Trong Không thể cùng nhau suốt kiếp, bên cạnh những chi tiết sát với cuộc đời thật của Nam Phương hoàng hậu, MV còn có những chi tiết hư cấu thu hút sự tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn.
Thêm nữa là các MV Anh ơi ở lại, Hết thương cạn nhớ, Sao anh nỡ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Không thể cùng nhau suốt kiếp... đều được đầu tư chỉn chu về trang phục và các cảnh quay đẹp mà sinh động, gần gũi của quê hương đất nước được gợi mở từ chính nguyên tác văn học mà chúng lấy chất liệu và cảm hứng. Chẳng hạn trong Để Mị nói cho mà nghe, từ trang phục, khung cảnh... cho đến những màn nhảy múa tập thể đầy hào hứng đều toát lên tinh thần của văn hóa dân gian vùng Tây Bắc... Không giáo điều, “nhắc lại” một cách cứng nhắc, có thể nói những sáng tạo với những góc nhìn khác, thậm chí là “táo bạo” của các nghệ sĩ trẻ trong MV lấy chất liệu và cảm hứng từ tác phẩm văn học đã giúp cho chúng dễ dàng chinh phục trái tim và sự yêu thích của công chúng. Và thông qua các MV gây "sốt" này đã giúp các tác phẩm văn học tăng thêm sức sống, giúp giới trẻ đón nhận chúng trong tâm thế cởi mở, thích thú hơn.
Từ thành công của hầu hết MV lấy chất liệu và cảm hứng từ tác phẩm văn học thời gian qua, cho thấy "kho tàng" văn học luôn là chất liệu đặc sắc cần được khám phá và khai thác. Dựa vào "kho tàng" này có thể cho ra đời những MV mang lại nhiều ý nghĩa cho đời sống nhạc trẻ V-Pop. Ca sĩ Hoàng Thùy Linh từng chia sẻ rằng: "Những MV có màu sắc văn học chính là vũ khí giúp âm nhạc của tôi trở nên đặc biệt trong một rừng ca sĩ trẻ hiện nay". Thực tế cũng chứng minh, MV lấy chất liệu và cảm hứng từ tác phẩm văn học từng giúp nhóm 365, Đức Phúc và Chi Pu... tạo được điểm nhấn nổi bật hơn trên con đường ca hát.