Báo chí Việt Nam đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc về hình thức thu phí
Trong nước - Ngày đăng : 07:03, 12/06/2020
Diễn đàn diễn ra với ba phiên thảo luận: "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu", "Báo chí phát triển nguồn thu: Bệ đỡ nào từ chính sách, nhà nước?" và "Những kiến nghị chính sách để báo chí tiếp tục phát triển thêm nguồn thu, đảm bảo kinh tế báo chí".
Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công luận Lê Trần Nguyên Huy phát biểu khai mạc cho biết, phát triển kinh tế báo chí, đảm bảo nguồn thu từ lâu là bài toán nan giải của các tòa soạn, đặc biệt với những cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Đại dịch Covid-19 như siêu bão khủng khiếp quét qua, để lại những dư chấn nặng nề lên nền kinh tế nói chung, ngành truyền thông nói riêng, càng khiến bài toán phát triển nguồn thu trở nên nóng bỏng và cấp bách với giới báo chí.
Phần lớn tòa soạn bị sụt giảm tới 50% doanh thu và có thể còn tiếp tục nhiều hơn thế nữa. Thực trạng khó khăn của kinh tế báo chí có thể khái quát như sau: Doanh thu báo in sụt giảm nguy hiểm, không đủ bù đắp chi phí in ấn; doanh thu quảng cáo sụt giảm nghiêm trọng do các doanh nghiệp khó khăn buộc phải cắt giảm chi phí; lượng người đọc báo điện tử tăng lên nhưng doanh thu báo điện tử không tăng, thậm chí vẫn giảm; chi phí tòa soạn, nhuận bút tăng lên, tỷ lệ nghịch với nguồn thu.
Chia sẻ với khó khăn của các cơ quan báo chí, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, hơn 900 cơ quan báo chí ở các loại hình, nhưng trong năm 2019, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình chỉ đạt gần 16.000 tỷ đồng, tương đương với doanh thu quảng cáo trực tuyến của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google ở thị trường Việt Nam.
Chỉ trong 10 năm, khoảng 50% thị trường quảng cáo rơi vào tay các nền tảng số xuyên biên giới. Mất nguồn thu đồng nghĩa với việc sa sút nội dung và giảm sự ảnh hưởng của kênh tuyên truyền chính thống.
Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đang “đi hai chân” vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị vừa phải kinh doanh, đầu tư ngoài ngành, hoặc dựa vào nguồn lợi tức từ gửi tiết kiệm trước đó. Dù thế nào thì việc sụt giảm nguồn thu đã và đang là một trong những nguyên nhân chính khiến báo chí không hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích…
Ông Lưu Đình Phúc nhấn mạnh thêm: "Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc về hình thức thu phí. Mọi người dân được xem các kênh truyền hình thiết yếu không bị thu phí, nhưng các kênh giải trí khác có chất lượng thì đều có thu phí"
Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhận định diễn đàn đã nêu được các vấn đề, thực trạng suy giảm nguồn thu nghiêm trọng của báo chí Việt Nam. Từ đó, có các các biện pháp khắc phục tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí tăng nguồn thu, cụ thể:
Thứ nhất, từ hệ thống cơ chế chính sách, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT nghiên cứu đề xuất và phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Văn phòng Chính phủ... để có các cơ chế điều chỉnh phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho báo chí như giảm thuế, giãn thuế và không thu thuế giá trị gia tăng, cơ chế đặt hàng và giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí rõ ràng...
Thứ hai, đảm bảo nguồn thu của các tác phẩm báo chí từ các nhà mạng xuyên biên giới như Facebook, Google... Có cơ chế, chính sách xử lý cụ thể.
Thứ ba, vấn đề về bản quyền. Ngoài trách nhiệm của các cơ quan báo chí về vấn đề bản quyền, nhà nước cũng có trách nhiệm xử lý cụ thể, rõ ràng.
Đối với các cơ quan báo chí, không ngừng nâng cao chất lượng ấn phẩm, bản sắc riêng của từng cơ quan báo chí. Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên. Ứng dụng các công nghệ truyền thông ở các cơ quan báo chí.Thiết lập mối quan hệ truyền thông - quảng cáo một cách bài bản,chuyên nghiệp. Tạo một môi trường đầu tư lành mạnh phát huy giá trị cốt lõi của báo chí của cách mạng Việt Nam, xây đắp niềm tin xã hội. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan báo chí.
Nếu lợi nhuận doanh nghiệp là lỗ lãi bao nhiêu. Thì báo chí lại là sức mạnh của cơ quan báo chí; nhiệm vụ, trách nhiệm mà báo chí thực hiện với xã hội, lợi nhuận của báo chí chính là cái đó. Nên có cái nhìn nhận riêng cho báo chí Việt Nam.
(Theo Vietnamnet)