Một số tác dụng phụ bất ngờ của stress

Sống khỏe - Ngày đăng : 03:35, 13/06/2020

Cuộc sống hiện đại thường gây ra stress trong thời gian dài, dẫn đến mạn tính, có thể tàn phá tâm trí lẫn cơ thể. Đồng thời, một số ảnh hưởng của stress mạn tính có thể biểu hiện theo nhiều cách bất ngờ.
stress-1666-1591946598.jpg

Giảm khả năng phục hồi sau tập thể dục

Nghiên cứu đăng trên The Journal of Strength & Conditioning Research cho thấy, gia tăng hormone gây stress trong hệ thống khiến cơ thể khó phục hồi sau khi tập luyện. Qua đánh giá mối liên hệ giữa stress nhận thức và khả năng phục hồi sau tập luyện của 31 sinh viên, phát hiện những người có mức độ stress cao trải qua sự phục hồi kém hơn do cảm giác thiếu năng lượng, mệt mỏi và đau nhức. Nguyên nhân do lượng cortisol tăng sẽ phá vỡ các cơ bắp và lưu trữ chất béo, gây stress mạn tính dẫn đến gia tăng hormone, từ đó trì hoãn sự phục hồi sau khi tập luyện.

Ảnh hưởng đến trí nhớ

Bạn khó có thể nhớ được chỗ để chìa khóa xe hoặc đến cuộc hẹn đúng giờ bởi stress đã tạo ra những thay đổi trong não, từ đó gây ra nhiều hậu quả lâu dài cho hiệu suất tinh thần. Theo một nghiên cứu khác của Trường Đại học Iowa (Mỹ), có mối liên quan giữa mức độ stress cao với những thay đổi trí nhớ ngắn hạn ở trung tâm não của chuột nhiều tuổi khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Thực tế là stress tác động tiêu cực đến trí nhớ, khiến việc nhớ những thứ đơn giản trở thành một trở ngại lớn. Việc cần làm lúc này là đi bộ thư giãn bên ngoài để giảm stress và giữ cho tâm trí thanh thản.

Tác động đến thị lực

Mắt có thể cảm nhận tác động của stress. Các triệu chứng về mắt liên quan đến stress bao gồm co giật mắt cho đến mất thị lực ngoại biên. Một triệu chứng phổ biến khác là co thắt lặp đi lặp lại trên các cơ của mí mắt. Ngoài loại bỏ nguyên nhân gây stress, hãy đắp gạc nóng và mát luân phiên cho mắt hoặc uống nước tăng lực có chứa quinine. Nếu bệnh kéo dài vài tuần, tuy hiếm khi xảy ra, hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa.

Gây bệnh tiểu đường type 2

Theo các nhà nghiên cứu của Thụy Điển, đàn ông bị stress mạn tính có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 cao hơn so với người không bị stress hoặc stress thường xuyên. Để ngăn chặn stress ảnh hưởng đến sức khỏe, hãy học cách điều chỉnh và thích ứng. Khi cảm thấy stress, nên bắt đầu tìm kiếm các giải pháp để khắc phục. Nếu không còn cách nào khác, cần thay đổi quan điểm, cách nghĩ của bạn trước hoàn cảnh.

Gia tăng dị ứng

Nếu nhận thấy có sự gia tăng nhẹ các triệu chứng dị ứng, có thể là stress liên quan đến công việc mới hoặc stress ở nhà. Nghiên cứu trong 12 tuần ở 179 bệnh nhân liên quan đến stress đã phát hiện, có các đợt bùng phát dị ứng do stress hằng ngày. Ở nhóm người stress nặng, có đến 64% người bùng phát dị ứng nhiều hơn gấp 4 lần trong thời gian 14 ngày. Trong khi đó, thường xuyên thực hành thiền định có thể giảm bớt stress.

Trường Thi