Thanh đạm với đậu phụ
Sống khỏe - Ngày đăng : 07:00, 13/06/2020
Các dưỡng chất trong đậu phụ
Đậu phụ cũng cung cấp một lượng nhỏ thiamin, riboflavin, niacin, vitamin B6, choline, mangan và selen. Ngoài ra, đậu phụ cũng là một nguồn protein hoàn chỉnh nên có thể cung cấp tất cả axit amin thiết yếu trong chế độ ăn uống. Hơn nữa, đậu phụ cũng cung cấp cho bạn nhiều chất béo không bão hòa đa lành mạnh, đặc biệt là axit alpha-linolenic omega-3.
Đậu phụ có hai loại là đậu phụ thường và đậu phụ non. Đậu phụ thường sẽ hơi cứng và có thể giữ được hình dạng tốt hơn khi nấu. Vậy nên loại đậu phụ này phù hợp với các món chiên xào. Đậu phụ non mềm hơn và dễ bị vỡ nên phù hợp hơn với các món canh và hầm.
Tác dụng của đậu phụ
Đậu phụ chứa nhiều chất dinh dưỡng nên rất tốt cho sức khỏe với các lợi ích sau đây:
1. Ngừa bệnh tim mạch: Chất isoflavine trong đậu phụ có thể giúp giảm mức cholesterol xấu LDL, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và huyết áp cao. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết, bạn nên ăn ít nhất 25g protein đậu phụ mỗi ngày để kiểm soát mức cholesterol.
2. Phòng bệnh tiểu đường type 2: Một nghiên cứu chứng minh rằng những người chỉ tiêu thụ protein đậu phụ bài tiết ít protein hơn so với những người chỉ tiêu thụ protein động vật. Vậy nên, thói quen ăn đậu phụ điều độ mang đến lợi ích cho bệnh nhân mắc tiểu đường.
3. Cải thiện chức năng thận: Protein và đặc biệt là protein trong đậu phụ có thể cải thiện chức năng thận và mang lại lợi ích cho những người đang chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. Đậu phụ có khả năng giảm nồng độ lipid trong máu nên có tác dụng tích cực với những người mắc bệnh thận mãn tính.
4. Giảm loãng xương: Isoflavone trong đậu phụ có thể giúp bạn tăng mật độ khoáng trong xương, đặc biệt là sau khi mãn kinh, giúp giảm được tình trạng loãng xương do tuổi tác.
5. Giảm triệu chứng mãn kinh: Một số nghiên cứu cho rằng tiêu thụ đậu phụ chứa nhiều phytoestrogen và genistein có thể giúp đối phó với triệu chứng mãn kinh như bị bốc hỏa.
6. Ngừa các bệnh về não: Các nghiên cứu về dân số đã chỉ ra rằng những vùng tiêu thụ nhiều đậu phụ hơn có tỷ lệ rối loạn tâm thần liên quan đến tuổi tác thấp hơn. Một nghiên cứu năm 2017 cũng cho rằng tác dụng của đậu phụ đối với bệnh nhân Alzheimer là tích cực.
Đậu phụ có thể kết hợp dễ dàng với nhiều nguyên liệu khác để tạo nên những món ăn hấp dẫn |
Thực phẩm nên ăn cùng đậu phụ
Củ cải - đậu phụ: Tốt cho hấp thu chất dinh dưỡng, giúp điều trị chứng cảm mạo, ho hen.
Cải thìa - đậu phụ: Trị ho, ngưng hen, tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
Bầu - đậu phụ: Giúp nâng cao sức miễn dịch, kháng virus và u bướu, phòng cảm cúm hiệu quả.
Lá hẹ - đậu phụ: Có thể điều trị táo bón, là bài thuốc hiệu quả với người bị táo bón.
Sò - đậu phụ: Sò có tác dụng dưỡng âm nhuần táo, lợi tiểu tiêu sưng, ngưng khát. Còn đậu phụ thanh nhiệt giải độc. Hai thực phẩm này kết hợp giúp trị huyết không đủ, da khô.
Nấm hương - đậu phụ: Phòng chống ung thư hiệu quả, rất tốt cho cơ thể.
Tôm - đậu phụ: Rất tốt cho người bị chứng cao huyết áp, xơ cứng động mạch vành, béo phì. Vì đậu phụ giàu protein, tôm nhiều nguyên tố vi lượng.
Cá - đậu phụ: Cá giàu protein, axit amin. Đậu phụ chứa lượng lớn protein thực vật. Hai món kết hợp giúp đẩy sự hấp thu calcium giúp phòng bệnh còi xương, loãng xương.
Thịt dê - đậu phụ: Hai món giúp bổ sung nhiều nguyên tố vi lượng, thanh nhiệt, ngừng khát.
Gừng - đậu phụ: Là bài thuốc tốt cho phổi, có thể trị ho.
Những món nên tránh chế biến với đậu phụ
Trứng gà - đậu phụ: Tuy giàu protein, nhưng ăn chung sẽ ảnh hưởng tới sự hấp thu protein của cơ thể, không tốt cho sức khỏe.
Sữa bò - đậu phụ: Làm giảm giá trị dinh dưỡng của cả hai, ảnh hưởng tới sự hấp thu calcium của cơ thể.
Rau bó xôi - đậu phụ: Ăn hai thực phẩm này sẽ lãng phí calcium. Vì rau cải bó xôi giàu diệp lục, sắt và axit oxalic. Đậu phụ nhiều protein, chất béo và calcium.
Mật ong - đậu phụ: Dễ tiêu chảy. Do mật ong nhiều enzyme, đậu phụ giàu chất khoáng, gây phản ứng không tốt cho cơ thể. Vì đậu phụ có thạch cao, mật ong có đường, gặp nhau sẽ vón cục, đông cứng trong dạ dày làm người ăn khó thở, hụt hơi, thậm chí dẫn tới hôn mê. Đặc biệt, người có bệnh về tim mạch càng cần tránh dùng cùng lúc hai thực phẩm này.
Đậu phụ Tứ Xuyên - món ngon nổi tiếng 5 châu
Đậu hũ Tứ Xuyên đã hấp dẫn thực khách gần xa bởi hương vị độc đáo |
Đậu phụ Tứ Xuyên là một trong các món ăn Trung Hoa lừng danh trên thế giới, ai từng thưởng thức qua một lần sẽ chẳng bao giờ quên được hương vị thơm ngon, cay cay, từng miếng đậu phụ mềm mịn thấm đẫm nước sốt sánh đặc, kích thích vị giác. Món ăn đơn giản từ trong nguyên liệu cho đến cách chế biến này lại chứa đựng hương vị thơm ngon và cả một lịch sử hình thành, phát triển thú vị. Đậu phụ sốt Tứ Xuyên thực chất có tên gốc là Mapo.
Món đậu phụ sốt Tứ Xuyên là sự tổng hòa của nhiều nguyên liệu để cho ra 7 loại hương vị hấp dẫn và kích thích mạnh đến vị giác người dùng, đó là bùi - cay - nóng - tươi - mềm - thơm - giòn.
Các nhà hàng phục vụ món đậu phụ Tứ Xuyên
- Hệ thống nhà hàng San Fu Lou: 76 Lê Lai, quận 1; 24 đường 3/2, quận 10; 195 Phan Xích Long, quận Phú Nhuận; Vincom Center, 72 Lê Thánh Tôn, quận 1; 117 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM.
- Hệ thống Crystal Jade Kitchen Vietnam: Gala Center, 415 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình; Saigon Centre, 65 Lê Lợi, quận 1; Aeon Mall Bình Tân, 532A Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP.HCM.
- Nhà hàng Lẩu Soa Soa: 64 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, TP.HCM.