“Độc giả đọc tin từ các trang báo chính thống tăng vọt”

Trong nước - Ngày đăng : 02:55, 14/06/2020

Sau đại dịch Covid-19, những nhận thức, hành vi mới của người tiêu dùng đã được thiết lập và khái niệm “Công chúng mới” đã trở thành chủ đề được các doanh nghiệp quan tâm để thay đổi chiến dịch truyền thông.
“Độc giả đọc tin từ các trang báo chính thống tăng vọt”

Nhiều quan điểm khác nhau 

 “Có hay không nhóm “Công chúng mới” sau đại dịch Covid-19? là câu hỏi được nhiều người quan tâm tại buổi trực tuyến mới đây do Mạng lưới Quan hệ Công chúng Việt Nam (VNPR) tổ chức. Ông Nguyễn Khoa Mỹ -Co-Chair,VNPR cho biết, tỷ lệ người xem hội thảo trả lời 60% có, 20% không và 20% đang cân nhắc. 

ong-ma-thanh-danh-4417-1592114082.jpg

Theo ông Mã Thanh Danh-Phó tổng giám đốc Kido group và CEO- Nhà sáng lập Công ty CP Tư vấn Quốc tế CIB, từ sau giãn cách xã hội, hành vi thay đổi nhiều nhất là người tiêu dùng không còn đi ăn ngoài nhiều như trước, thay vào đó là tự nấu ăn hoặc tích cực sử dụng công nghệ mua sắm trên nền tảng online cho việc đi chợ và mua đồ ăn sẵn về nhà. Bên cạnh đó, số lượng người làm việc tại nhà cũng tăng đáng kể qua mùa dịch khi lên tới con số 50% người đăng ký không tới văn phòng trong một tuần, điều này góp phần giảm chi phí đi lại của nhân viên, còn chủ doanh nghiệp thì tiết kiệm được chi phí hoạt động văn phòng để đầu tư vào việc đào tạo nâng cấp năng lực nhân sự. 

Tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Trọng Phước-Thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên lại cho rằng, không có sự xuất hiện nhóm “Công chúng mới” bởi đặc thù của công chúng Việt Nam là “nhanh quên”. Nằm trong nhóm 20% người đang cân nhắc, TS Clāra Ly-Le- Giám đốc EloQ Communications cho rằng: “Thời điểm này còn sớm để định nghĩa xem có nhóm “Công chúng mới” hay không vì tất cả vẫn chỉ là tạm thời, và mỗi nhóm công chúng sẽ có mối quan tâm khác nhau về nhu cầu”. 

bao-thanh-nien-1675-1592114082.jpg

Nhận thức- Sự thay đổi lớn nhất của công chúng 

Theo TS Clāra Ly-Le-, khi nhận thấy việc áp dụng công nghệ thường nhật giúp người dân vừa tránh được các tác nhân lây nhiễm virus, vừa khiến cuộc sống trở nên dễ dàng, tiện lợi hơn thì sau này người dân có thể vẫn duy trì lâu dài chứ không trở về thói quen cũ nữa. Kế đến, theo thống kê từ Similar Web, sự trở lại tương đối mạnh mẽ của báo chí truyền thống khi lượng truy cập, đọc tin từ các trang báo chính thống tăng vọt vì người đọc muốn lọc tin giả tràn lan trên mạng xã hội, họ dành niềm tin cho các đơn vị làm báo chuyên nghiệp hơn. Các doanh nghiệp cần ghi nhận điều này để cân nhắc nền tảng, ngân sách PR trong thời gian tới khi trước đây ưu tiên mạng xã hội hơn.

tien-sy-clat-1371-1592114082.jpg

Cho rằng không xuất hiện nhóm công chúng mới mà chỉ tồn tại nhận thức mới của công chúng sau đại dịch,TS Clāra Ly-Le chia sẻ thêm: "Đối với mỗi đối tượng khác nhau, sẽ phải đưa ra các nền tảng khác nhau khi lên chiến lược truyền thông,quảng cáo. Hơn nữa, việc phân bổ ngân sách PR cũng là một điều đáng lưu tâm trong bất kỳ chiến lược nào. Thay vì hướng đến nhóm công chúng đi truyền thông tích hợp thì có thể "thu hẹp lại, tập trung hơn, xác định đối tượng mục tiêu trọng tâm sẽ tiết kiệm được ngân sách giữa thời buổi kinh tế khó khăn".

  “Việc đầu tiên khi chúng ta nhận thấy có sự thay đổi thì chính chúng ta cũng phải thay đổi tư duy, cách thức hoạch định chiến lược mới có thể hiểu được “insight” người tiêu dùng.”, ông Nguyễn Trọng Phước tiếp. 

Còn theo ông Mã Thanh Danh: “Sự thay đổi không quan trọng, quan trọng là thái độ của chúng ta trước sự thay đổi. Nếu coi nó là khó khăn thì nó sẽ là khó khăn. Nếu nhìn thấy cơ hội trong đó thì sẽ là cơ hội. Hãy biến khó khăn trở thành cơ hội và dù bạn làm nghề gì, làm trong ngành nào thì cũng phải đặt cái tâm lên hàng đầu thì chúng ta sẽ đạt được thành công xứng đáng."

Minh Thảo