Loạt đề xuất vực dậy nhà ở xã hội
Bất động sản - Ngày đăng : 07:19, 17/06/2020
Trong báo cáo tình hình thị trường bất động sản và giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng Covid-19, Bộ Xây dựngnhận định dịch bệnh không ảnh hưởng lớn đến bất động sản. Theo Bộ Xây dựng, về tổng thể đại dịch Covid-19 không ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản mà chỉ có tác động đến một vài yếu tố riêng lẻ của thị trường cũng như hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ, có tiềm lực yếu về tài chính.
Thống kê cho thấy, nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở trung và cao cấp vẫn tăng do số lượng các dự án đã hoàn thành xây dựng tăng. Hầu hết chủ đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính đều vẫn tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá đại dịch Covid-19 cũng có những tác động nhất định đến một số yếu tố riêng biệt của thị trường, cũng như hoạt động của một số doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ trong quý I/2020. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm rất thấp. Nguồn vốn đầu tư FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cũng sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, số lượng lớn sàn giao dịch đóng cửa; số còn lại thì hoạt động cầm chừng.
Từ thực tế trên, Bộ Xây dựng đánh giá, hiện nay thị trường bất động sản chưa ở trạng thái trầm lắng, đóng băng toàn diện mà chỉ giảm phát ở một số phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê hoặc có thể xảy ra tình trạng tăng giá đất nền cục bộ tại một số dự án của chủ đầu tư có uy tín tại một số khu vực có khả năng phát triển kinh tế du lịch thuận tiện về điều kiện hạ tầng do nguồn cung thiếu và nhu cầu vẫn cao.
Theo Bộ Xây dựng, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường hiện nay, nếu xét trong giai đoạn ngắn hạn cần thực hiện ngay một số giải pháp và hỗ trợ cho một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhất là đối với sản phẩm đang thiếu mà có nhu cầu cao. Trong khi đó, xét trong dài hạn, để thị trường bất động sản phát triển ổn định trở lại cần có các giải pháp đồng bộ cả về cơ chế, chính sách về nguồn vốn đầu tư, quy trình thực hiện. Đặc biệt, cần có chính sách ưu tiên, vượt trội để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ đối với nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp.
Một trong những giải pháp cấp bách trước mắt Bộ Xây dựng đưa ra là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, Bộ Xây dựng đề nghị 4 ngân hàng thương mại đã được Chính phủ cấp bổ sung 2.000 tỷ để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội triển khai ngay việc cho vay đầu tư xây dựng và cho người mua nhà vay theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ xác định cụ thể danh mục các dự án nhà ở xã hội đang triển khai dở dang có thể đầu tư ngay trong năm nay để thực hiện cho vay. Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng giảm lãi suất cho vay nhà ở xã hội từ 4,8%/năm hiện nay xuống bằng 50% lãi suất bình quân các ngân hàng thương mại đang cho vay (khoảng 4%). Lý do là các ngân hàng này đã giảm lãi suất cho vay để khắc phục khó khăn vì đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, cơ quan quản lý này cho biết sẽ sửa đổi, bổ sung ngay theo quy trình rút gọn một số nội dung của Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển nhà ở xã hội như cơ chế dành quỹ đất 20%; xác định lợi nhuận định mức; hoàn trả nghĩa vụ tài chính; tăng cường sự quản lý nhà nước đối với hoạt động xây dựng nhà ở xã hội...
Đồng thời sử dụng ngay nguồn tiền thu được từ việc hoán đổi quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Nghị định 100 mà các chủ đầu tư đã nộp vào ngân sách địa phương để tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc ủy thác cho ngân hàng chính sách xã hội để cho vay xây dựng nhà ở xã hội.