Kết nối dữ liệu, "mở lối ra" cho các ngành công nghiệp Việt
Trong nước - Ngày đăng : 07:00, 20/06/2020
Hệ thống này do Bộ Công Thương, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) phối hợp tổ chức.
Hiện Cục Công nghiệp đã cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin bao gồm có 500 doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, 347 DN trong lĩnh vực ô tô, 750 DN lĩnh vực điện tử, 1.145 DN dệt may và 910 DN ngành da giày. Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống cơ sở dữ liệu đã đạt hơn 1,5 triệu lượt truy cập và đang tiếp tục tăng nhanh khi chính thức được công bố đưa vào vận hành.
[Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và đại diện các đơn vị phối hợp tổ chức dự án thực hiện nghi thức khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu |
Được biết, năm 2019, cả nước thu hút được 3.478 dự án mới, với tổng vốn đạt gần 31,8 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ chiếm tỉ trọng cao nhất với tổng vốn đạt 21,6 tỷ USD (67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký). Việt Nam hiện có khoảng trên 110.000 doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (riêng công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5%, đạt doanh thu thuần năm 2019 tới 900.000 tỷ đồng và tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Công nghiệp chế biến, chế tạo được xem như xương sống của nền kinh tế, là nền tảng và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện hệ thống thống kê, cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và hoàn thiện chính sách về công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thống kê, bảo đảm thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác.
Bên cạnh việc nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, mở rộng thông tin kết nối nhiều ngành hàng; hệ thống còn phát triển các tính năng mới cho phép DN tự tạo gian hàng giới thiệu sản phẩm, tiến đến thiết lập một sàn thương mại điện tử về công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ để chủ động tiếp cận thị trường.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ Ivo Sieber cũng cam kết: Thụy Sĩ ưu tiên đồng hành cùng DN Việt Nam gia nhập thị trường quốc tế thông qua hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực liên kết chuỗi sản xuất. Hoạt động này sẽ trực tiếp đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững cho Việt Nam.
Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hỗ trợ cung cấp thông tin đầy đủ về DN cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu, kết nối, giao thương.
Hệ thống này giúp các nhà đầu tư nước ngoài có cái nhìn tổng quan về năng lực sản xuất, khả năng cung ứng, chất lượng sản phẩm và công nghệ của các DN sản xuất tại Việt Nam, góp phần tăng cường khả năng kết nối giữa DN Việt Nam với các DN FDI và các nhà nhà đầu tư nước ngoài khác .
"Việc ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 trong quản lý nhà nước và phát triển kinh doanh, đẩy mạnh số hóa các thông tin DN sẽ giúp việc quản lý, tra cứu thông tin được nhanh chóng và thuận tiện. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các hoạt động giao thương trực tiếp gặp nhiều khó khăn, hệ thống này sẽ càng phát huy vai trò của mình, giúp doanh nghiệp kết nối và nắm bắt cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia như CPTPP hay mới đây nhất là EVFTA”, ông Trương Thanh Hoà cho hay.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC (đơn vị phối hợp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu) nhận định: “Hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ ra mắt vào một thời điểm đáng nhớ, khi mà dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh này, sự ổn định nguồn cung và năng lực của các nhà cung cấp địa phương trở nên hết sức quan trọng. Việt Nam thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 nhanh chóng khẳng định vị thế là một trung tâm chế biến, chế tạo chủ chốt trong khu vực.”