Doanh nghiệp và Báo chí: Thông tin trung thực qua góc nhìn của doanh nhân

Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 00:37, 21/06/2020

Báo chí được coi là cầu nối quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng mục tiêu. Nhưng doanh nghiệp cũng rất sợ các thông tin không trung thực từ các cơ quan báo chí và người dùng mạng xã hội. Vậy làm thế nào để bạn đọc, cơ quan chức năng và khách hàng nhận được thông tin trung thực về doanh nghiệp?
Doanh nghiệp và Báo chí: Thông tin trung thực qua góc nhìn của doanh nhân

Nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020), báo Doanh Nhân Sài Gòn đã tổ chức talkshow: “Thông tin trung thực qua góc nhìn của doanh nhân” để làm rõ hơn khúc mắc trên.

Chương trình diễn ra với sự tham gia của ông Mai Ngọc Phước -Chủ nhiệm CLB Tổng Biên tập TP.HCM, Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM.  

Diễn giả còn có bà Lý Kim Chi -Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Chủ tịch Tập đoàn Tân Đông Hiệp, ông Lê Hữu Nghĩa-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành) và Tiến sĩ Nguyễn Vinh Huy-Chủ tịch Hệ thống luật Thịnh Trí, Phó chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam.

Dẫn chương trình là bà Lê Thị Thanh Lâm, cũng là Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food.

Báo chí là cầu nối quan trọng

Với vai trò là Chủ tịch Tập đoàn Tân Đông Hiệp, bà Lý Kim Chi cho rằng, đến nay mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đã được khẳng định. Tất cả thông tin phản ánh về doanh nghiệp, chính sách nhà nước… đều được doanh nghiệp biết qua báo chí.

Nhất là các thông tin về tiến trình hội nhập của Việt Nam gần đây, báo chí là kênh cung cấp thông tin rõ ràng và đầy đủ nhất. Cụ thể, với các vấn đề của doanh nghiệp gần đây trong xuất khẩu gạo, mã số xuất khẩu hàng hóa (HS)… nếu doanh nghiệp có gởi kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền cũng không bằng sự vào cuộc của các cơ quan báo chí.

TT-4067-1592717493.jpg

Tất cả thông tin phản ánh về doanh nghiệp, chính sách nhà nước… đều được doanh nghiệp biết qua báo chí.

Với ông Lê Hữu Nghĩa-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, vai trò của báo chí đối với doanh nghiệp gần đây đã khác. Trước đây, báo chí ảnh hưởng toàn diện đến sự phát triển của doanh nghiệp, từ marketing, phản ánh của khách hàng đến tương tác giữa doanh nghiệp. Nhưng trong 10 năm trở lại đây, mạng xã hội phát triển nên đã chia sẻ một phần ảnh hưởng của báo chí, nhất là trong mảng truyền thông. Dù vậy, báo chí vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối doanh nghiệp với khách hàng cũng như giúp doanh nghiệp có kênh phản biện các vấn đề về xã hội và chính sách.

Là đơn vị tư vấn luật cho doanh nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Huy - Chủ tịch Hệ thống luật Thịnh Trí đánh giá, báo chí rất quan trọng với doanh nghiệp. Không chỉ giúp doanh nghiệp kết nối khách hàng và cập nhật chính sách kịp thời, báo chí còn đưa thông tin về các doanh nghiệp làm ăn không chân chính, giúp các doanh nghiệp khác cảnh tỉnh và ứng phó phù hợp.

Khẳng định báo chí phải trung thực và khách quan, ông Mai Ngọc Phước - Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM, đồng ý với nhìn nhận về vai trò cầu nối của báo chí. Ông cho biết, báo chí phải là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền để phản ánh chính sách và phản biện chính sách, cũng là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp với khách hàng.

Khi thông tin bị bẻ cong…

Với vai trò quan trọng là cầu nối, báo chí ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, khi báo chí đưa thông tin sai lệch có thể khiến doanh nghiệp lao đao. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp đưa thông tin không trung thực xảy ra.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food còn nhớ rõ trường hợp xảy ra với chính công ty bà quản lý. Vào năm 2016, bỗng dưng một ngày có nhiều báo đưa tin có lô hàng của Sài Gòn Food xuất khẩu vào thị trường Úc bị nhiễm kháng sinh. Theo bà Lâm, đây là thông tin không chính xác nhưng lại lan tỏa rất nhanh và khiến Công ty lúc đó lúng túng.

Dù đã xử lý ổn thỏa nhưng sự cố này cũng khiến doanh nghiệp phải suy nghĩ về cách xử lý các rủi ro về thông tin không trung thực trên báo chí.

Khi gặp trường hợp tương tự, ông Lê Hữu Nghĩa chia sẻ, trước tiên xác định báo đăng tin có phải báo chính thông hay không. Kế đến xác định xem có phải do người viết chưa nắm rõ thông tin hay cố tình đưa tin sai lệch.

Nếu là báo chính thống, theo ông Nghĩa, doanh nghiệp nên gửi văn bản kèm các bằng chứng cụ thể đến cơ quan báo chí để đính chính thông tin. Nếu xác định rõ là thông tin bị cố ý bẻ cong, doanh nghiệp cần gởi thêm phản ánh đến cơ quan chức năng, đồng thời họp báo để đính chính với nhiều cơ quan báo chí chính thống.

Với vai trò Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, bà Lý Kim Chi kể rằng từng hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong hội xử lý các trường hợp tương tự. Đặc biệt là sự cố nước nắm truyền thống có chứa asen khoảng 2 năm trước. “Nếu không xử lý kịp thời, có thể hơn 2 triệu lao động phải mất việc ngay”, bà Chi kể.

Ly-Kim-Chi2-7980-1592717493.jpg

Bà Lý Kim Chi kể rằng, nếu không xử lý kịp thời sự cố nước nắm truyền thống có chứa Asen khoảng 2 năm trước, có thể hơn 2 triệu lao động phải mất việc ngay.

Lúc đó, hầu hết các siêu thị đều yêu cầu doanh nghiệp dọn hết hàng về. Bà Chi phải tức tốc gởi công văn giải trình và nhờ các báo vào cuộc hỗ trợ. Ngay hôm sau, hơn 40 tờ báo vào cuộc. Sau đó Thủ tướng nắm được tình hình và chỉ đạo hỗ trợ. Ngành nước mắm truyền thống nhờ đó mà được cứu nguy kịp lúc.

Nếu xác định bị ảnh hưởng bởi thông tin không chính xác, ông Nguyễn Vinh Huy khuyến nghị doanh nghiệp có thể áp dụng một số điều luật để đòi lại quyền lợi. Cụ thể, doanh nghiệp có thể dựa theo điều 34 (Luật Dân sự 2015) để kiện ra tòa về đưa tin không chính xác. Ngoài ra, có thể vận dụng Luật Báo chí để yêu cầu đính chính thông tin.

Ông Mai Ngọc Phước tán thành cách gởi công văn đến cơ quan báo chí để đính chính lại thông tin. “Tôi nghĩ rằng không có tổng biên tập nào khi biết báo mình có thông tin chưa chính xác mà chịu để yên không xử lý”, ông Phước khẳng định. Việc họp báo cũng cần thiết nếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thế nào là thông tin trung thực?

Trong quá trình tương tác với báo chí, bà Lý Kim Chi cho biết may mắn gặp được nhiều nhà báo làm việc tích cực, có nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp. Để có thông tin trung thực, nhà báo phải nghe hai chiều, điều này rất cần sự hợp tác của doanh nghiệp. Khi có vấn đề, nếu doanh nghiệp không chịu lắng nghe và xác nhận, thì rất khó có thông tin hai chiều trên báo.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, thông tin trung thực phải là sự thật đầy đủ diễn ra. Nhưng doanh nghiệp hay bị đưa tin theo kiểu sự thật không đầy đủ. Chẳng hạn, có lần một công ty con của Lê Thành thay đổi giấy phép, có tờ báo giật tít “Công ty X bị rút giấy phép” kèm theo dấu chấm hỏi. Hoặc nhà báo chỉ đăng bài đưa ý kiến một phía, nhiều ngày sau mới đăng tiếp ý kiến phía còn lại. Cũng có trường hợp người viết ghi là đã liên hệ với doanh nghiệp để ghi nhận thông tin nhưng không gặp được, thực tế là họ chưa liên hệ. “Những kiểu đưa tin thế này gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín doanh nghiệp”, ông Nghĩa kết luận.

Ông Mai Ngọc Phước thừa nhận rằng, trong làng báo có một số tờ tạp chí ít độc giả cố tình đưa tin không đầy đủ. Theo ông, muốn có thông tin trung thực phải lấy ý kiến nhiều chiều, bài báo viết về lĩnh vực nào nhất thiết phải có ý kiến của đối tượng đó.

Ứng phó với thông tin sai lệch

Hiện nay, khi mạng xã hội phát triển rất nhanh, ngoài báo chí, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều thông tin sai lệch về doanh nghiệp. Thậm chí, doanh nghiệp cố ý đưa thông tin sai nhằm triệt hạ đối thủ. Doanh nghiệp cần làm gì để ứng phó với rủi ro này?

Tổng Biên tập Mai Ngọc Phước nhận thấy hiện nay, với một tài khoản mạng xã hội, ai cũng có thể trở thành “nhà báo” được. “Làm báo” trên mạng xã hội rất dễ, thông tin không cần kiểm chứng, viết gì cũng được nhưng có rất nhiều người đọc.

Để ứng phó với thông tin sai lệch trên mạng xã hội, theo ông Phước, doanh nghiệp nên dựa vào Luật An ninh mạng, Sở Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền xử lý những trường hợp này và đã xử lý khá nhiều. Đồng thời, cần kết hợp việc đính chính thông tin với báo chí chính thống qua họp báo. “Dù đọc mạng xã hội nhiều nhưng độc giả vẫn tin báo chí chính thống hơn mạng xã hội”, ông Phước nhận xét.

Để xử lý rủi ro thông tin sai từ mạng xã hội, theo kinh nghiệm của ông Lê Hữu Nghĩa, phải đính chính thông tin trên mạng xã hội ngay trong vòng 24 giờ. Kế đến, cần lập vi bằng về những thông tin sai lệch và gởi đến Phòng cảnh sát Hình sự (Công an TP.HCM) để nhờ xử lý. Trong 48 giờ tiếp theo phải họp báo ngay. Hiện nay, doanh nghiệp chỉ cần gởi thông tin thông báo với Sở Thông tin và Truyền thông trước khi họp báo 3 ngày mà không cần văn bản đồng ý. Khi qua mất 72 giờ vàng này, việc xử lý cũng không còn ý nghĩa nữa.

Le-Huu-Nghia-2403-1592717493.jpg

Để xử lý rủi ro thông tin sai từ mạng xã hội, theo kinh nghiệm của ông Lê Hữu Nghĩa, phải lập tức đính chính thông tin trên mạng xã hội trong vòng 24 giờ. Trong 48 giờ tiếp theo phải họp báo ngay.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Vinh Huy, doanh nghiệp cũng có thể gởi đơn khiếu nại đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, áp dụng điều 77 Luật Cạnh tranh. Hoặc có thể vận dụng Luật An ninh mạng năm 2018, nhờ lực lượng này ngăn chặn sự lan truyền những thông tin sai lệch.

Trở lại sự cố của Sài Gòn Food năm 2016, bà Thanh Lâm cho biết để xử lý, công ty lập tức tổ chức buổi họp báo nhỏ. Sau khi thu thập đủ thông tin, bà Lâm gởi thông cáo tới các cơ quan báo chí để đính chính đầy đủ hơn. Thực tế, sai sót này xuất phát từ hải quan nước bạn. Nhờ ứng phó kịp thời và đúng hướng mà uy tín Sài Gòn Food cả trong nước và thị trường xuất khẩu không bị ảnh hưởng. Thậm chí, công ty được nhiều khách hàng mới biết tới nhờ có nhiều tờ báo đưa tin.

Le-Thanh-Lam-2372-1592717493.jpg

Với sự cố của Sài Gòn Food năm 2016, bà Thanh Lâm cho biết để xử lý, công ty lập tức tổ chức buổi họp báo nhỏ. Sau khi thu thập đủ thông tin, bà Lâm gởi thông cáo tới các cơ quan báo chí để đính chính đầy đủ hơn.

Phản hồi bạn đọc:

Độc giả Thanh Nguyễn hỏi:

Doanh nghiệp A lấy hình ảnh của doanh nghiệp gia đình tôi và quảng cáo về dịch vụ của họ trên báo mà không xin phép, vậy trong trường hợp này, tôi phải xử lý thế nào? Tôi liên hệ trực tiếp tới toà soạn báo để yêu cầu gỡ hoặc thay đổi hình ảnh được không?

Trả lời:

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Huy cho rằng, sử dụng hình ảnh trong trường hợp này là vi phạm pháp luật. Bạn đọc Thanh Nguyễn có thể liên hệ với tòa soạn để yêu cầu gỡ hình ảnh, nếu thấy có thiệt hại thì có thể kiện ra tòa.

Bà Lý Kim Chi cho biết, các doanh nghiệp trong Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM từng gặp vấn đề tương tự. Vì vậy bà Chi khuyên doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng nên đăng ký sở hữu trí tuệ. Chi phí không lớn không doanh nghiệp sẽ được pháp luật bảo vệ đầy đủ mỗi khi có sự cố xảy ra.

Đôi khi cũng có trường hợp doanh nghiệp dùng hình ảnh doanh nghiệp khác, nhưng không phải vi phạm sở hữu trí tuệ. Do doanh nghiệp vừa và nhỏ có ngân sách hạn chế, nên khi quảng cáo hay lấy ảnh trên mạng và lấy một phần hình ảnh (một góc nhà máy in, một góc hồ bơi…). Trường hợp này ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể liên hệ trực tiếp doanh nghiệp kia để thương lượng. Chắc chắn bên kia sẽ gỡ xuống vì họ cũng không có ý đồ gì xấu. “Nếu doanh nghiệp có tham gia hiệp hội doanh nghiệp địa phương thì nhờ lãnh đạo hiệp hội xử lý, sẽ rất nhanh”, ông Nghĩa lưu ý thêm.

Trong trường hợp chưa đăng ký sở hữu trí tuệ về hình ảnh, ông Mai Ngọc Phước cho rằng báo chí cũng khó kiểm soát được. Tuy nhiên khi doanh nghiệp phản ánh trực tiếp, báo sẽ xác minh lại với đơn vị quảng cáo và yêu cầu chứng minh bản quyền.

Bà Lâm - Sài Gòn Food cho biết cũng gặp nhiều trường hợp như vậy. Để ứng phó, bà Lâm tham khảo ý kiến của Cục Sở hữu Trí tuệ trước, nếu cần thiết thì tiến hành thủ tục giải quyết theo hướng dẫn của Cục. Đơn giản hơn thì gởi công văn đến công ty vi phạm yêu cầu trả lời, kèm theo đánh dấu “Lần thứ nhất, lần thứ hai…”. Theo bà Lâm, thường thì đến lần thứ hai là bên kia tự động rút hình ảnh vi phạm xuống.

Độc giả Nga Bùi hỏi:

Khi phát hiện thông tin về doanh nghiệp mình đăng trên báo chưa chính xác, tôi cần phải liên lạc với bộ phận nào để được hỗ trợ giải quyết nhanh nhất?

Trả lời:

Ông Mai Ngọc Phước khuyên bạn đọc nên gửi mail hoặc gọi điện thẳng tới tòa soạn báo đó để nhờ hỗ trợ. Riêng Báo Pháp luật TP.HCM có Tổ Xử lý khiếu nại bạn đọc và xử lý rất nhanh. Khi có khiếu nại, tổ này sẽ chuyển yêu cầu tới Tổng Thư ký Tòa soạn để kiểm chứng rồi chuyển tới Tổng Biên tập để xử lý ngay.

Mai-Ngoc-Phuoc-1713-1592717493.jpg

Khi gặp sự cố thông tin không chính xác, ông Mai Ngọc Phước khuyên bạn đọc nên gửi mail hoặc gọi điện thẳng tới tòa soạn báo đó để nhờ hỗ trợ.

Độc giả Báo Doanh nhân Sài Gòn:

Như thế nào là tít báo trung thực, tòa soạn xử lý thế nào với tít báo không chính xác?

Tổng Biên tập Mai Ngọc Phước cho biết, nguyên tắc đặt tít bài báo là phải theo thứ tự rõ ràng, phù hợp nội dung và hấp dẫn bạn đọc. Thông thường, tít có thông tin không chính xác là do áp dụng tiêu chí hấp dẫn đầu tiên.

Trường hợp này, độc giả hoặc doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp tới báo để điều chỉnh. Báo chí chính thống luôn xem doanh nghiệp là đối tác đồng hành, vì vậy doanh nghiệp khi có vấn đề cứ trao đổi trực tiếp.

Dương Nguyễn