Phát triển kinh tế tuần hoàn - Lợi kép!

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 09:20, 23/06/2020

Kinh tế tuần hoàn mang nhiều lợi ích thiết thực không chỉ cho doanh nghiệp (DN) mà cả nền kinh tế. Hiện Việt Nam đã bắt đầu những bước đầu tiên vào nền kinh tế tuần hoàn và cần có hành lang pháp lý rõ ràng cho việc phát triển mô hình này!
Phát triển kinh tế tuần hoàn - Lợi kép!

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một quốc gia nhỏ xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 về dân số nhưng lại đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa với 1,83 triệu tấn/năm. Tình trạng ô nhiễm không khí, nước và tình trạng suy giảm tài nguyên, tiêu thụ năng lượng tăng nhanh…, đặc biệt là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế của Việt Nam. 

Đó là lý do để nền kinh tế tuần hoàn CE được chú ý và đưa ra thảo luận tại nhiều diễn đàn trong thời gian gần đây. Theo các chuyên gia, mô hình CE giúp giảm phát thải, thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng, góp phần giải quyết sự khan hiếm và bảo tồn tài nguyên, hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.

Kiến tạo tương lai xanh

Thực hiện mô hình CE, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã có được những hiệu quả nhất định như mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ, Đà nẵng giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm. 

Hay như Công ty Heineken Việt Nam, gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm đã được tái sử dụng hoặc tái chế. Cụ thể, những phụ phẩm như bã hèm, men thừa hay bùn lắng sau quá trình xử lý nước thải đều được tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón. Có đến 100% nước thải được Heineken Việt Nam xử lý đạt tiêu chuẩn an toàn trước khi trả về môi trường. Các nguyên liệu như thuỷ tinh, giấy bìa, nhôm, nhựa cũng được DN này tái sử dụng hoặc tái chế.

Hiện có gần 100% chai bia thuỷ tinh của Heinekien Việt Nam được thu hồi và tái chế, đồng thời Công ty cũng thu gom nắp chai bia, tái chế thành sắt nguyên liệu, làm vật liệu xây cầu cho cộng đồng tại đồng bằng sông Cửu Long. Hiện 5/6 nhà máy bia Heineken Việt Nam sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải carbon.

Công ty Tetra Pak Việt Nam thì xây dựng nhà máy theo tiêu chuẩn của chứng chỉ LEED Vàng phiên bản 4 giúp nhà máy tiết kiệm 36% năng lượng tiêu thụ và tái sử dụng 17,6 triệu lít nước mỗi năm và cũng đang kết hợp với nhiều tổ chức thu gom bao bì sữa tái chế. 

Cũng như thế, từ năm 2014, Ajinomoto Việt Nam đưa vào vận hành lò hơi sinh học (sử dụng trấu ép - phụ phẩm nông nghiệp làm nhiên liệu) cung cấp hơi nước cho sản xuất. Việc chuyển đổi sử dụng hoá thạch sang nhiên liệu sinh học giúp cắt giảm 25% lượng khí CO2 thải ra môi trường. Công ty còn đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam. Chương trình “không phát thải” đã thu hồi và tái chế 99,97% lượng chất thải rắn.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Theo nghiên cứu của Accenture Strategy, mô hình CE có thể mở ra cơ hội thị trường trị giá lên đến 4.500 tỷ USD và tạo ra hàng triệu việc làm cho nền kinh tế thế giới vào năm 2030. Riêng tại châu Âu, CE tạo ra lợi ích 600 tỷ euro mỗi năm, 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Hướng đến việc khai phá thị trường này cũng là để góp phần giảm ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, trong tháng 6/2020, Tập đoàn Tetra Pak tái khẳng định ưu tiên chiến lược thúc đẩy phát triển bền vững. Mục tiêu của tập đoàn này là không phát thải khí nhà kính trong toàn chuỗi giá trị vào năm 2050, sau khi hoàn thành mục tiêu trung hạn là không phát thải carbon từ các hoạt động vận hành của công ty vào năm 2030.

Ông Lars Holmquist - Phó chủ tịch điều hành phụ trách giải pháp đóng gói và hoạt động thương mại Tetra Pak cho biết, để đạt được mục tiêu vào năm 2030, tập đoàn thực hiện một loạt các giải pháp như giảm phát thải từ năng lượng thông qua việc bảo tồn năng lượng, cải thiện hiệu suất năng lượng, lắp đặt hệ thống quang điện mặt trời và chọn mua năng lượng tái tạo.

Theo đó, ngay từ năm 2011, Tetra Pak đã đầu tư hơn 16 triệu Euro để cải thiện hiệu suất năng lượng, nhờ đó giảm mức tiêu thụ năng lượng tới 23%, tăng tỷ lệ điện tái tạo từ 20% trong năm 2014 lên 69% năm 2019, và sẽ đạt 80% trong năm nay. Đến nay, tập đoàn đã giảm 12 triệu tấn khí thải nhà kính. 

CE-3121-1592900298.jpg

Nhà máy của Tetra Pak tiết kiệm đến 36% năng lượng tiêu thụ

Đánh giá về mô hình CE tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trường Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho rằng, DN Việt Nam đã và đang là một phần của CE toàn cầu nhưng trong phạm vi quốc gia thì các nội dung về CE chưa được quan tâm. 

Cùng nhận định này, TS. Nguyễn Thế Chinh - Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ tài nguyên và Môi trường) khẳng định, Việt Nam đang hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện phát triển CE gắn với công nghệ cao, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn nhằm nâng cao hiệu quả, tăng trưởng so với cách thức tăng trưởng trước đây.

Để phát triển CE, theo các chuyên gia, Việt Nam cần học tập những nước thực hiện CE thành công. Đơn cử như tại châu Âu, để thực hiện mô hình này, Uỷ ban Châu Âu đã kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ cơ quan chính phủ, DN khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác… cùng tham gia.

Điều quan trọng không kém là Việt Nam cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng cho việc hình thành, phát triển CE, từ chủ trương của Đảng đến pháp luật của Nhà nước. Muốn vậy, cần phải xây dựng lộ trình và tiến tới xây dựng luật cho phát triển CE. 

Hồng Nga