Nguy cơ an ninh lương thực từ Covid-19 trong chuỗi cung ứng thực phẩm

Quốc tế - Ngày đăng : 02:15, 23/06/2020

Tại châu Âu, Nam Mỹ và Mỹ, nhiều nhà máy chế biến thịt đã trở thành điểm nóng lan truyền virus corona.
Nguy cơ an ninh lương thực từ Covid-19 trong chuỗi cung ứng thực phẩm

Chúng ta cần nhiều biện pháp an toàn khác, bởi quá trình di chuyển từ nông trại đến bàn ăn có liên quan đến nhiều người, theo đó là nhiều nguồn lây nhiễm tiềm năng.

Đợt bùng phát Covid-19 gần đây xảy ra tại chợ Tân Phát Địa, nơi cung cấp 80% nông sản cho thành phố Bắc Kinh hơn 20 triệu dân, phục vụ hàng nghìn khách hàng mỗi ngày. Chợ Tân Phát Địa chỉ là một trong nhiều chuỗi cung cấp lương thực trên khắp thế giới chịu ảnh từ Covid-19. Ổ dịch tại đây cũng được so sánh với ổ dịch đầu tiên tại chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Theo thông tin chính thức từ Trung Quốc, Bắc Kinh đã sử dụng nguồn lương thực dự trữ và dựng các chợ tạm để giải quyết tình trạng thiếu hụt thực phẩm. Tính đến ngày 22/6, Bắc Kinh có hơn 230 ca nhiễm bệnh, trong đó nhiều người là lao động tại chợ Tân Thiên Địa.

Tại châu Âu, Nam Mỹ và Mỹ, nhiều nhà máy chế biến thịt đã trở thành điểm nóng lan truyền virus corona cho hàng nghìn người và gây ra nhiều lo ngại về an ninh lương thực. 

Tuần trước, một nhà máy chế biến thịt tại Đức đã phải đóng cửa sau khi 2/3 trong số 1.000 nhân viên nhiễm Covid-19. Cùng lúc đó, một nhà máy chế biến gia cầm tại xứ Wales cũng phải đóng cửa vì 50 nhân viên tại đây bị nhiễm bệnh. Theo Reuters, trong vài tháng gần đây, Mỹ có hàng chục ca tử vong liên quan đến dịch bệnh tại các nhà máy thịt.

Tốc độ lây lan của đại dịch Covid-19 không có dấu hiệu chậm lại. Các chuyên gia cho rằng việc đảm bảo các cơ sở sản xuất được vệ sinh, bảo vệ quyền, sức khỏe người lao động và nguồn cung cấp lương thực toàn cầu đòi hỏi sự hỗ trợ của các chính phủ, sự tiếp cận nhanh chóng trên diện rộng.

"Chúng ta cần nhiều biện pháp an toàn khác, bởi quá trình di chuyển từ nông trại đến bàn ăn có liên quan đến nhiều người, theo đó là nhiều nguồn lây nhiễm tiềm năng", ông Charis Galanakis - nhà nghiên cứu lương thực và môi trường, giám đốc Food Waste Recovery Group tại Vienna, Áo, cho biết.

Covid-19 làm dấy lên câu hỏi về an ninh lương thực thế giới. Ảnh: Xinhua.

Covid-19 làm dấy lên câu hỏi về an ninh lương thực thế giới. Ảnh: Xinhua.

"Các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi thực phẩm nên giám sát nhân viên hàng ngày để giảm thiểu hoặc hạn chế tiếp xúc gần và trực tiếp người với người".

Giới chuyên gia cũng đưa ra thực tế rằng nhóm lao động này chịu áp lực lớn từ đại dịch bởi môi trường làm việc của họ, dưới danh nghĩa đảm bảo chất lượng thực phẩm, không cho phép thực hiện giãn cách xã hội.

Theo Marc Bellemare - giáo sư kinh tế học ứng dụng tại Đại học Minnesota Mỹ, tính đến nay, tình trạng thiếu lương thực đã được tránh khỏi và giá cả hàng hóa nói chung không quá leo thang.

"Dù vậy, nhược điểm của sự phục hồi này đến từ chi phí con người liên quan tới thực phẩm", Bellemare cho biết thêm. "Nhiều người liên quan đến chuỗi cung ứng lương thực, những người cung ứng lương thực, đặc biệt là công nhân, mất việc làm hoặc buộc phải tiếp xúc với Covid-19 một cách không cần thiết vì phải làm việc trong điều kiện dễ lây lan dịch bệnh".

Holly Wang - nhà kinh tế nông nghiệp tại Đại học Purdue, bang Indiana, Mỹ, cho biết những lao động tại nơi "chế biến, bán buôn, bán lẻ và dịch vụ thực phẩm ít tự động hơn" còn phải đối mặt nhiều rủi ro hơn nữa. Ông chỉ ra ví dụ về những nơi phụ thuộc lao động chân tay như các nhà máy chế biến thịt tại Mỹ và chợ Tân Phát Địa tại Bắc Kinh.

Link bài viết

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về thực phẩm, ông Michael Fakhri, chia sẻ trong một buổi phỏng vấn tháng 4 rằng "chuỗi cung ứng và hệ thống lương thực của chúng ta chỉ mạnh và tốt nếu các công nhân cũng vậy".

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc tháng trước đã yêu cầu tài trợ 350 triệu USD để đảm bảo an ninh lương thực và ngăn chặn nạn đói trong đại dịch, bao gồm "nâng cao nhận thức để những người đảm bảo chuỗi cung ứng lương thực hoạt động không gặp nguy cơ lây nhiễm Covid-19".

Tại Trung Quốc, ổ dịch Tân Phát Địa đã dấy lên một loạt ý kiến vê việc thắt chặt kiểm soát vệ sinh tại các chợ thực phẩm tươi sống. Yanzhong Huang - thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, cho biết vấn đề này không chỉ là mối nguy về môi trường và đưa ra so sánh giữa các công nhân ngành thực phẩm tại Trung Quốc và Mỹ.

"Chúng ta biết rằng tại Mỹ, nhiều công nhân làm việc tại các nhà máy đóng gói thịt và lò mổ thuộc tầng lớp người yếu thế, và nhận thấy điều tương tự tại Trung Quốc", ông nói. "Nhiều người trong số họ là nông dân và lao động nhập cư, họ cũng là tầng lớp yếu thế trong xã hội và thiệt thòi trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc giáo dục về giãn cách xã hội".

Theo Bellemare - người lao động có bảo hiểm vẫn được đảm bảo an toàn. Ví dụ, việc đảm bảo việc làm và chi trả cho những người nghỉ ốm có thể tốn kém và cần hỗ trợ nhưng đóng vai trò quan trọng.

"Tình trạng đại dịch hiện nay không phải là điều bình thường. Đó là sự kiện trăm năm có một và cần được giải quyết ngay bây giờ. Chúng ta có thể nghĩ cách bù lại sau, một khi nền kinh tế hồi phục".

Tại Trung Quốc, dù chưa có thông tin chính thức nào cho biết thực phẩm là phương thức lây lan bệnh dịch, mối quan ngại của người dân vẫn còn đó và trở thành câu chuyện được mọi người nhắc đến khi  nói chuyện. Wang cho rằng mối lo ngại trên có thể đóng vai trò định hình, thúc đẩy việc cải cách các chợ Trung Quốc.

"Trung Quốc đã phải nghiêm túc đấu tranh về vấn đề an toàn thực phẩm trong hơn một thập kỷ", Wang nói. "Tôi chắc chắn rằng sự việc phát hiện Covid-19 tại chợ ở Bắc Kinh và Vũ Hán sẽ tạo ra nhiều thay đổi về chính sách và thể chế".

(Theo Người Đồng Hành)

Hoàng Hà