Giá vàng thế giới lập đỉnh kể từ năm 2012, dự báo tiếp tục tăng mạnh
Quốc tế - Ngày đăng : 01:30, 24/06/2020
Có 3 nguyên nhân có thể được xem là yếu tố khiến giá vàng thế giới tăng vọt. |
Cụ thể, giá vàng giao ngay cập nhật đến 8g30 sáng 24/6/2020 đã lên đến 1.772,10 USD/oz, trong khi giá vàng giao ngay vào lúc 20g30 ngày 23/6 tăng 0,45%, lên 1.762,70 USD/oz. Trong phiên giao dịch hôm qua, giá vàng có thời điểm tăng lên 1.767,22 USD/oz - mức cao nhất kể từ tháng 10/2012.
Theo đó, có 3 nguyên nhân có thể được xem là yếu tố khiến giá vàng thế giới tăng vọt. Thứ nhất, đà tăng của vàng là do các gói kích thích tài chính từ hàng loạt ngân hàng trung ương nhằm ứng phó với các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tính riêng từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng hơn 15%, chủ yếu nhờ lãi suất giảm và các gói kích thích kinh tế.
"Làn sóng kích thích từ mọi nơi không chỉ làm dấy lên rủi ro lạm phát mà còn khắc hoạ bức tranh u ám cho nền kinh tế, khiến vàng càng trở nên hấp dẫn", chuyên viên phân tích Edward Meir tại ED&F Man Capital Markets nhận định.
Thứ hai, đà tăng giá của vàng đến từ sự lo lắng trước làn sóng dịch bệnh thứ 2, và nguy cơ tái bùng phát Covid-19. Bob Haberkorn - một chuyên gia cấp cao tại trung tâm RJO Futures, cho biết số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trên toàn thế giới những ngày qua, cùng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại tại nhiều nước đã đẩy giá vàng vượt ngưỡng 1.750 USD/oz, và mức 1.800 USD/oz sẽ không còn xa nữa, nếu chính phủ các nước tiếp tục áp lệnh phong toả để dập dịch.
Cuối cùng, sự suy yếu của đồng bạc xanh và bức tranh kinh tế ảm đạm cũng góp phần vào đà tăng của vàng. Cụ thể, chỉ số đồng DXY - thước đo biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt khác, đã giảm khá mạnh, từ khoảng 97,5 điểm hồi tuần trước xuống còn 96,5 điểm ở hiện tại. Riêng hôm qua, đồng bạc xanh đã giảm 0,5% so với rổ tiền tệ chủ chốt - yếu tố giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác ngoài USD.
Sự suy yếu của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác cũng góp phần vào đà tăng của vàng |
Về bức tranh kinh tế thế giới, một đánh giá của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy, thương mại toàn cầu trong quý II/2020 sẽ giảm khoảng 18,5% so với cùng kỳ năm 2019, do ảnh hưởng bởi Covid-19, và các biện pháp phong toả, cách ly để dập dịch. Được biết, trong quý I/2020, mức giảm thương mại chỉ là 3%.
Như vậy, sau khoảng 1 tháng suy yếu, vàng đang tăng nhanh trở lại và có xu hướng tiếp tục bứt phá. Vàng đang trong một đợt tăng và giá giao tháng 8 đã nhấp nhỏm ngưỡng 1.800 USD/oz. Riêng SPDR Gold Trust - quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do tổ chức này nắm giữ đã tăng 2%, lên 1.159,31 tấn - mức cao nhất kể từ tháng 4/2013.
"Kẻ thù lớn nhất của vàng hiện tại là các thị trường khác thu hút được sự chú ý và vốn. Nếu duy trì được trên 1.750 USD/oz trong vài ngày tới, khả năng đạt 1.800 USD/oz chỉ còn là vấn đề thời gian. Có khi chưa cần đến một tuần", Tai Wong – Giám đốc Giao dịch Kim loại quý Phái sinh tại BMO nhận xét.
Trước đó, thông qua một báo cáo mang tên FED không thể in vàng, Bank of America (BofA) hồi cuối tháng 4/2020 đã nâng dự báo giá vàng trong 18 tháng tới lên 3.000 USD/oz, tương đương 85 triệu đồng/lượng, nếu quy đổi theo giá USD ngân hàng tại thời điểm đó (chưa tính thuế, phí).
Link bài viết
Trước BofA, nhiều quỹ đầu tư và tổ chức khác cũng dự báo giá vàng có thể tăng mạnh trong thời gian tới. Cụ thể, WingCapital Investments tại Mỹ hồi cuối tháng 3/2020 dự báo giá vàng có thể leo lên 3.000 USD/oz, với thời gian cần thiết là 3 năm. Trong ngắn hạn, Ngân hàng ANZ dự báo giá vàng có thể đạt 2.000 USD/oz trong quý II/2020.
TD Securities dự báo giá vàng sẽ tăng lên 1.800 USD/oz trong thời gian không xa, và đạt 2.000 USD/oz vào cuối năm nay. Trong khi đó, ngân hàng đầu tư B.Riley FBR cho rằng, vàng sẽ cán mốc 2.500 USD/oz vào quý III/2020 và giao dịch quanh mức ấy cho đến quý IV/2020.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC sáng nay cũng đi lên. Giá mua - bán được Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết tại 48,9 - 49,29 triệu đồng/lượng. Giá mua - bán tại Tập đoàn DOJI hiện quanh 48,95 - 49,15 triệu đồng/lượng, tăng 220.000 - 250.000đ so với chiều qua. Tại Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), mức tăng là 220.000 - 300.000đ, lên 48,9 - 49,25 triệu đồng/lượng.