“Đồng tiền lên ngôi”: Cái nhìn toàn diện về thế giới tiền tệ
Sách hay - Ngày đăng : 03:09, 25/06/2020
Quyển sách giá trị về lịch sử tài chính thế giới
Với người Ki-tô giáo, lòng yêu tiền là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Với các vị tướng, tiền là tài lực nuôi chiến tranh; với các nhà cách mạng, nó là gông xiềng của tầng lớp lao động. Nhưng thực sự tiền là gì? Từ đâu đến? Và chúng đã biến đi đâu? Đồng tiền có bẩn thỉu như phần đông loài người vẫn thành kiến?
Niall Ferguson viết cuốn sách này trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 bắt đầu manh nha. Qua những sự kiện lịch sử vừa vinh quang vừa tăm tối, cùng những nhân vật lẫy lừng vừa có khả năng sáng tạo vừa có khả năng hủy diệt trong thế giới tài chính; cuốn sách kể câu chuyện hấp dẫn về sự ra đời của tiền tệ và tín dụng, thị trường trái phiếu và cổ phiếu, về bảo hiểm và bất động sản - những thành tố then chốt của nền tài chính đã định hình các xã hội và hệ thống tài chính toán cầu - từ thời Lưỡng hà cổ đại tới đầu thế kỉ 21, với những cuộc khai sinh, bước tiến đến đỉnh cao, những cơn khủng hoảng và bài học đắt giá.
Cuốn sách cho thấy lĩnh vực tài chính gắn bó mật thiết, tác động lớn lao, lâu dài đến thế giới loài người ra sao: Thị trường tài chính là tấm gương của nhân loại, hé lộ từng ngày từng giờ về cách con người định giá bản thân và những tài nguyên xung quanh.
Hơn mười năm đã trôi qua với nhiều thay đổi rõ nét như cục diện chính trị thế giới hay sự xuất hiện của tiền mã hóa công nghệ cao, nhưng tác giả khẳng định rằng một cuộc khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ sớm muộn gì cũng diễn ra và sẽ không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trước đó. Ấn bản này của cuốn sách đã được tác giả bổ sung hai chương mới với những thông tin cập nhật, hy vọng những dự báo trong đó sẽ phần nào hữu ích cho độc giả.
Tiền tệ: từ lịch sử đến hiện đại
Đồng tiền lên ngôi mở đầu với phần hướng dẫn bao quát về lịch sử của thế giới với sự phát triển và suy tàn của nhiều mô hình xã hội sử dụng và không sử dụng tiền tệ. Theo tác giả, tiền không đơn thuần là một phương tiện để phục vụ việc trao đổi, giao thương. Với quá trình hình thành được dẫn ngược về các định dạng thô sơ nhất của tiền tệ như những phiến đất sét từng được sử dụng cho việc ghi chép các hoạt động nông nghiệp của khu vực Lưỡng Hà, tiền tệ còn được xem là “vấn đề của niềm tin, thậm chí là đức tin”.
Từ đó, tác giả dẫn dắt người đọc qua các chủ đề về hệ thập phân và phương thức tính lãi, những khái niệm gốc rễ của tài chính hiện đại; sự tham gia của người Do Thái trong lịch sử phát triển tài chính, hoạt động cho vay nặng lãi và sự đi lên của thế lực tài chính hùng mạnh Medici tại Florence vào thế kỷ 14 và 15; ba phát minh cơ bản được thêm vào mô hình tài chính của nền kinh tế Ý: tiền tệ được tiêu chuẩn hóa, sự hình thành của hệ thống dự trữ theo tỉ lệ (fractional reserve banking), và độc quyền phát hành giấy bạc ngân hàng của ngân hàng trung ương; sự hình thành, phát triển, và suy tàn của hệ thống bản vị vàng nhường chỗ cho hệ thống lưu hành giấy bạc ngân hàng dựa trên các khoản tiền gửi ngân hàng và tỉ giá hối đoái thả nổi.
Chương 2 bàn về thị trường trái phiếu, các rentier, và lạm phát. Thị trường trái phiếu được cho là cuộc cách mạng vĩ đại thứ hai trong sự lên ngôi của đồng tiền.
Chương 3 đề cập đến các hiện tượng bong bóng trên thị trường tài chính. Tác giả cung cấp một phần phân tích tổng quát cho lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán Mỹ trong giai đoạn 1979-2008.
Chương 4 bàn về rủi ro, bắt đầu bằng khái niệm cơ bản về bảo hiểm với vai trò là một công cụ phòng chống rủi ro trong tương lai. Tác giả chuyển tiếp đến lịch sử của ngành bảo hiểm hiện đại và nguồn gốc của nó.
Chương 5 nói về cuộc chơi bất động sản và các ảnh hưởng đến thị trường tài chính, bắt đầu với lịch sử trò chơi Cờ tỉ phú và sự say mê của các nước phương Tây đối với bất động sản.
Chương 6 mô tả quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới về thương mại và đầu tư, sự xuất hiện của các nền kinh tế mới nổi, hay nói như tác giả là “mới nổi trở lại” (vì thực tế một số nền kinh tế trước đây đã có thời kỳ đặc biệt hùng mạnh).
Chương 7 tóm lược lại lịch sử phát triển của tiền tệ và hệ thống tài chính quốc tế, sự không bằng phẳng trong lịch sử của nó với quá nhiều giai đoạn bùng-vỡ cũng như nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này.
Chương 8 và 9 là những bổ sung mới, bàn về sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers năm 2008, gây nên cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và phản ứng từ các quốc gia, cũng như sự xuất hiện của tiền mã hóa như bitcoin…
Niall Ferguson (sinh năm 1964), một trong các sử gia người Anh nổi tiếng. Ông là giáo sư tại Đại học Harvard, nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Stanford và Đại học Oxford; chuyên gia trong các lĩnh vực lịch sử quốc tế, lịch sử kinh tế và tài chính cũng như chủ nghĩa đế quốc của Anh và Mỹ. Năm 2004, Ferguson được Tạp chí Time bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Một cuốn sách khác của Ferguson từng được xuất bản ở Việt Nam là: Văn minh phương Tây và phần còn lại của thế giới. |