Vì sao KDC sáp nhập KDF, TAC và VOC?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 02:30, 26/06/2020
KDF: Tận dụng lợi thế từ KDC
Theo số liệu từ Euromonitor năm 2019, Công ty CP Thực phẩm Đông lạnh KIDO (Kido Foods - KDF) đang dẫn đầu thị trường kem Việt Nam với 41,4% thị phần. Kế hoạch năm 2020, KDF đặt mục tiêu doanh thu thuần là 1.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng, tăng lần lượt 15,7% và 7,9% so với năm 2019. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến "thế cờ" KDF đang phải thay đổi.
Với ba mảng hoạt động kinh doanh chính gồm nhóm kem với hai nhãn hàng chính là Merino và Celano, nhóm sản phẩm từ sữa chua và nhóm bánh bao hấp lạnh và thực phẩm đông lạnh khác, năm 2019 KDF đạt doanh thu thuần 1.383 tỷ đồng, tăng 10% và lợi nhuận trước thuế đạt 185 tỷ đồng, tăng 489% so với năm 2018.
Lãnh đạo KDF đánh giá, mảng kem vẫn tăng trưởng nhờ công ty chuyển dịch kênh phân phối, mang sản phẩm đến gần người tiêu dùng hơn; thay đổi và tối ưu hóa danh mục sản phẩm để tăng trưởng doanh thu và tối đa hóa lợi nhuận; ra mắt các sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu khách hàng, đặc biệt là giới trẻ.
Lãnh đạo công ty cũng thừa nhận, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới việc thay đổi chiến lược kinh doanh cũng như hệ thống phân phối hàng hóa tới người tiêu dùng đã khiến doanh thu giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoài. Nhưng nhờ tập trung kinh doanh những sản phẩm kem cao cấp, trung cấp và sản phẩm cốt lõi có biên lợi nhuận cao, đồng thời tiết giảm được nhiều chi phí nên lợi nhuận trước và sau thuế đều có đà tăng hai chữ số.
Năm 2017-2019, mặc dù KDF vẫn duy trì vị thế dẫn đầu ngành kem với thị phần tăng từ 38,1% (năm 2017) lên 41,4% (năm 2019), nhưng kết quả kinh doanh của công ty này vẫn bị ảnh hưởng bởi nhiều biến động chung thị phần. Tuy nhiên, KDF cho biết, năm 2017 với định hướng đưa KDF trở thành công ty đại chúng, KDC đã thực hiện chuyển nhượng cổ phiếu của mình tại KDF cho các nhà đầu tư bên ngoài để giảm tỷ lệ sở hữu xuống 65%. Việc đại chúng hóa KDF nhằm mục tiêu đa dạng hóa cơ cấu cổ đông, thu hút nhà đầu tư chiến lược và dòng tiền đầu tư.
Tuy nhiên, trải qua ba năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần và thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), các mục tiêu đề ra ban đầu khi đại chúng hóa KDF vẫn chưa đạt được kỳ vọng của hội đồng quản trị cũng như cổ đông công ty.
Cũng năm 2020, do nhiều diễn biến bất lợi và khó lường do dịch bệnh đã ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của KDF nên hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng theo.
Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Kido (KDC) tại KDF là 65%. Theo lãnh đạo KDC, nếu chỉ nắm 65% cổ phần không cho phép Kido toàn quyền trong mọi sự ở KDF. Theo báo cáo thường niên gần nhất, tại thời điểm tháng 7 năm ngoái, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khoảng 19,7% cổ phần ở KDF. Các cá nhân trong nước thì giữ khoảng 15,3%. Cơ cấu sở hữu như vậy cũng có thể gây ra khó khăn cho KDC trong các quyết định cần đến 75% tổng cổ phiếu có quyền biểu quyết thông qua.
Việc sáp nhập cũng được thông báo sẽ thực hiện bằng cách công ty mẹ Kido sẽ phát hành thêm cổ phần KDC để hoán đổi toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành của KDF theo tỷ lệ 1:1,3 (1 cổ phiếu KDF sẽ đổi lấy 1,3 cổ phiếu KDC phát hành thêm, tỷ lệ hoán đổi là cố định và không được thay đổi trong mọi trường hợp).
Hội đồng quản trị KDC cho biết thêm, lý do để KDC quyết định tính đến phương án sáp nhập hoàn toàn KDF về lại với KDC vì kể từ khi đưa cổ phiếu KDF lên giao dịch tại sàn UPCoM (tháng 9/2017), cổ phiếu KDF chưa thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, chưa phản ánh đúng vị thế doanh nghiệp. Đơn cử, giá cổ phiếu KDF đã tuột dần sau khi lên sàn và thường xuyên ở mức 25.000-27.000 đồng/cổ phiếu, tức giảm hơn một nửa so với giá đóng cửa ở phiên giao dịch đầu tiên.
Cũng theo báo cáo thường niên của KDF, ngoài sở hữu 120.000 điểm bán ngành lạnh và ngành thực phẩm tươi, hệ sinh thái của KDC còn phong phú nhờ đa dạng kênh (45.000 điểm bán thực phẩm khổ, kênh xuất nhập khẩu, B2B Key Account, kênh mùa vụ), đa dạng sản phẩm (dầu ăn và chất béo, thực phẩm chế biến...), đa dạng cách thức hợp tác (OEM, đối tác...). Nếu tận dụng tối đa các nền tảng này của KDC thì KDF có thể có những cách thức phát triển mới.
Chiến lược sáp nhập TAC, VOC
Vào ngày 9/6/2020, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của KDF đã thông qua sáp nhập KDF vào Tập đoàn Kido (KDC), và định hướng của TAC đợt này cũng sẽ sáp nhập vào KDC nhưng do Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - Công ty CP Vocarimex (VOC) có vốn nhà nước đang sở hữu 27% vốn tại TAC nên không thể biểu quyết việc sáp nhập TAC vào KDC trong ĐHĐCĐ thường niên đợt này. Do đó, TAC sẽ có ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 7 hoặc tháng 8 sau khi Nhà nước thoái 36% vốn khỏi VOC thì mới có thể thông qua phương án sáp nhập".
Ông Trần Lệ Nguyên - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành KDC chia sẻ: "Năm 2019, TAC đạt doanh thu thuần 4.140 tỷ và lợi nhuận trước thuế 170 tỷ đồng. Năm 2020, mục tiêu doanh thu thuần của TAC dự kiến đạt 4,558 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2019. Lợi nhuận trước thuế được TAC kỳ vọng ở mức 193 tỷ đồng, tăng 13% so với kết quả của năm 2019. Với mục tiêu lợi nhuận trên, cổ đông cũng đã chấp thuận mức cổ tức 20% cho năm 2020.
Ngoài mức chi trả cổ tức 20% bằng tiền mặt (2.000 đồng/cổ phiếu) năm 2019, cổ đông cũng đã thông qua mức chia cổ tức đặc biệt là 75% bằng tiền mặt (7.500 đồng/cổ phiếu).
Nói thêm về việc chia cổ tức đặc biệt 75% cho cổ đông, ông Trần Lệ Nguyên cho biết: "Nếu TAC sáp nhập vào Tập đoàn KIDO, những hiệu quả và thặng dư sẽ chia lại hết cho tất cả cổ đông TAC và đặc biệt sau khi sáp nhập, KDC sẽ có KDF và TAC để quay lại ngành cốt lõi như trước đây. Tuy nhiên, với ngành dầu có margin rất thấp, nên hiệu quả không đạt được cao như ngành bánh kẹo nhưng việc hợp tác liên doanh với Vinamilk thì ba mảng kem, sữa và dầu ăn trên một triệu điểm bán hàng sẽ giảm bớt kênh logistics. Đáng chú ý, không những TAC mà sắp tới có cả Vovarimex (VOC) cũng sẽ sáp nhập nằm trong kế hoạch năm nay".
Theo lãnh đạo KDC, dầu ăn là mặt hàng thiết yếu nhưng quan trọng là công ty làm sao để không thiếu nguyên liệu, chủ động sản xuất, cơ cấu sản phẩm, tối đa hóa việc bán hàng. Trong quý I vừa qua, doanh thu TAC tăng trưởng 22%, lợi nhuận cải thiện là nhờ tập trung đa dạng hóa sản phẩm cao và trung cấp. Tuy nhiên, nhóm hàng dòng phổ thông không tăng trưởng do dịch Covid-19 diễn ra.
Về kế hoạch ngành dầu 5 năm, việc sáp nhập tất cả mảng dầu vào KDC nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất, quản lý, kênh phân hối, gia tăng thị phần nhiều hơn. Với việc KDC sở hữu Kido Nhà Bè, VOC, TAC thì ba công ty hợp nhất trong một tập đoàn sức mạnh sẽ gia tăng, tiết giảm chi phí, biên lợi nhuận tăng.