CPTPP sẽ mạnh hơn nếu có Anh
Trong nước - Ngày đăng : 02:42, 29/06/2020
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh |
* Ngày 17/6/2020, Chính phủ Anh công bố văn bản chính thức muốn đàm phán để gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ông bình luận thế nào về động thái này của Chính phủ Anh?
- CPTPP là hiệp định thương mại thế hệ mới, việc các quốc gia trong và ngoài khu vực Thái Bình Dương muốn làm thành viên cũng là điều bình thường. Hiệp định này là cơ hội để các quốc gia thành viên tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong khối và toàn cầu.
Nếu có thêm sự tham gia của các quốc gia khác, đặc biệt các quốc gia có giao thương lớn, có tầm ảnh hưởng đến thương mại quốc tế và khu vực như Anh, thì thành công của CPTPP sẽ càng lớn. Sẽ càng tốt hơn khi CPTPP mở rộng giao lưu kinh tế, hạ thấp, giảm thiểu, đi đến loại bỏ hàng rào thuế quan cũng như quản lý theo hướng xanh, bền vững. Vì thế, việc Anh muốn tham gia CPTPP là nên hoan nghênh và chào đón. Tất nhiên, để tham gia được CPTPP, trước hết Chính phủ Anh phải chấp nhận tất cả điều khoản đã có của Hiệp định, đồng thời đáp ứng các điều kiện gia nhập Hiệp định. CPTPP sẽ mạnh hơn khi có thêm một thành viên mạnh, có đồng tiền giá trị và truyền thống lâu đời về giao thương quốc tế.
* Theo ông thì Việt Nam sẽ thêm lợi ích gì với CPTPP có Anh là thành viên?
- Nếu CPTPP có thêm Anh, giao thương quốc tế có thêm hàng trăm tỷ USD. Khi đó, Việt Nam cũng như các quốc gia thành viên khác trong CPTPP đều được hưởng lợi từ việc mở cửa thị trường Anh và thúc đẩy giao thương hai chiều.
Anh là một thị trường lớn, nếu họ mở rộng giao thương trong khối CPTPP, hàng hóa Việt Nam có thể vào Anh nhiều hơn. Việt Nam cũng sẽ được lợi nhiều từ đầu tư nước ngoài của Anh bởi Anh là một nền kinh tế lớn và công nghệ cao.
Thêm nữa, đây cũng là động lực buộc các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh để đáp ứng các yêu cầu của mở cửa thị trường với Anh. Ở chiều ngược lại, Anh cũng được phép xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam không còn hạn ngạch và như vậy người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng hàng hóa tốt, giá hợp lý.
* Nhưng Việt Nam cần lưu ý điều gì nếu CPTTP có Anh?
- Anh là một nền kinh tế mạnh, hàng hóa của Anh ở đẳng cấp quốc tế. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể đứng trước nguy cơ phá sản nếu không tự vươn lên, tự thay đổi để có được quy trình sản xuất hiện đại, công nghệ mới và năng suất cao hơn, hàng hóa chất lượng và giá thành phù hợp hơn.
Một điểm nữa Việt Nam cũng cần lưu tâm: Anh vừa tách khỏi EU nên họ cũng mong muốn tìm kiếm thị trường cũng như nguồn lực đầu tư mới để khắc phục những đứt gãy trong quan hệ đầu tư, thương mại với EU. Vì thế, có thể sẽ có những đợt đầu tư hoặc chuyển dịch tài chính vào Việt Nam. Nhưng trong dòng chảy đó có thể có các dòng đầu tư không rõ ràng, bởi Anh là một quốc gia phát triển về tài chính nhưng cũng là nơi lưu chuyển rất lớn kinh tế ngầm.
* Cảm ơn ông!