Căng thẳng địa - chính trị: Gây áp lực lên thị trường tài chính toàn cầu

Quốc tế - Ngày đăng : 02:42, 29/06/2020

Giữa lúc nguy cơ về một đợt bùng phát mới dịch Covid-19, những căng thẳng địa - chính trị lại bị đẩy lên cao tại khu vực châu Á có thể càng gây áp lực lên thị trường tài chính...

Từ Bắc xuống Nam

Những ngày giữa tháng 6, CHDCND Triều Tiên đã bất ngờ giật sập văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc ở Kaesong, địa điểm vốn đóng vai trò như đại sứ quán hai nước, đồng thời cung cấp kênh liên lạc trực tiếp giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Đây là động thái leo thang mới sau những chỉ trích của Triều Tiên đối với Hàn Quốc từ đầu tháng 6, do không ngăn chặn việc người Bắc Hàn chạy qua Nam Hàn thả truyền đơn qua biên giới.

Tiếp sau đó, Triều Tiên tái triển khai lực lượng quân đội tới các khu vực phi quân sự gồm núi Kumgang và khu công nghiệp Kaesong gần biên giới, nơi Seoul và Bình Nhưỡng từng có các chương trình kinh tế chung. Triều Tiên cũng sẽ dựng lại các trạm gác từng được rút khỏi khu phi quân sự liên Triều (DMZ). Về phần mình, quân đội Hàn Quốc ra tuyên bố khẳng định đang theo dõi sát sao mọi động thái của Triều Tiên và duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao và sẵn sàng đáp trả nếu Bắc Hàn gây hấn.

bai-2-tai-chinh-1-3019-1593071816.jpg

Được biết, quan hệ giữa hai miền bán đảo Triều Tiên đã xấu đi kể từ khi các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng lâm vào bế tắc. Bình Nhưỡng gần như cắt đứt liên lạc với Seoul sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội vào năm ngoái.

Trong cùng thời điểm, ở khu vực Nam Á, ẩu đả giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, cũng thu hút sự chú ý của quốc tế khi có không ít thương vong. Trước đó, từ đầu tháng 5, các cuộc hỗn chiến giữa hai bên đã nổ ra nhiều lần, khiến binh sĩ bị thương và dẫn đến hành động hai nước đưa thêm quân đến sát vùng tranh chấp từ cuối tháng 5 đến nay.

Vụ đụng độ tại thung lũng Galwan được cho là nghiêm trọng nhất từ năm 2017 đến nay giữa hai nước, khiến giới phân tích địa - chính trị cho rằng có thể là điềm báo cho những đối đầu nguy hiểm hơn trong thời gian tới. Từ sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1962, lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ đã nhất trí không nổ súng ở các khu vực tranh chấp, và thường có động thái hòa giải sau các cuộc đụng độ, nhưng với những căng thẳng leo thang gần đây, đặc biệt khi cả cường quốc đều sở hữu vũ khí hạt nhân, giới quan sát có lý do để lo ngại mọi việc vượt khỏi tầm kiểm soát.

Thị trường tài chính có thể là nạn nhân?

Trong bối cảnh đợt bùng phát mới của dịch Covid-19 từ các bang của Mỹ cho đến Ấn Độ, và mới nhất là Bắc Kinh, thì những căng thẳng địa - chính trị tại các điểm nóng của châu Á càng gây áp lực thêm cho các thị trường tài chính.

Chỉ số Dow Jones của Mỹ vào trung tuần tháng 6 đã mất mốc 27.000 điểm và đang có dấu hiệu tiếp tục xuống thêm, khi tâm lý các nhà đầu tư trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết và có thể tìm nơi trú ẩn mới, an toàn hơn cho các loại tài sản, dù giá vàng và đô la Mỹ đã phục hồi từ mức thấp gần đây, trong khi những tài sản như dầu và chứng khoán đang bị áp lực chốt lời.

132487-6412-1593071816.jpg

Quá khứ đã cho thấy, khi chiến tranh nổ ra hoặc chỉ cần những sự kiện có thể dẫn đến nguy cơ chiến sự, giá vàng thường nhảy vọt khi các nhà đầu tư đổ xô gom vàng. Đặc biệt thời gian qua, thị trường kim loại quý này càng có sức hút sau khi đã tăng giá mạnh, lên trên mốc 1.700 USD/ounce vì nỗi sợ hãi về dịch bệnh. Ngược lại, các tài sản rủi ro như chứng khoán có thể đối mặt với làn sóng bán tháo.

Dù vậy, những gói kích thích kinh tế khổng lồ vẫn đang là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho các thị trường chứng khoán. Mới đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cân nhắc tung ra gói kích thích kinh tế mới trị giá tới 1.000 tỷ USD, dự kiến tăng tốc chi cho cơ sở hạ tầng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11 tới.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng có khả năng Bình Nhưỡng chỉ tìm cách gây khủng hoảng để tăng áp lực lên Seoul, khi Hàn Quốc không đưa ra được kế hoạch thay thế nhằm hồi sinh các cuộc đàm phán Mỹ - Triều, theo đó khó có thể để căng thẳng leo thang ngoài tầm kiểm soát, nhất là khi sức khỏe của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un được cho là "có vấn đề".

Đối với mâu thuẫn Trung - Ấn, Tổng thống Donald Trump đã đề nghị làm trung gian hóa giải tranh chấp. Tuy nhiên, với những ràng buộc chặt chẽ và phụ thuộc quá lớn vào kinh tế của nhau, có lẽ lãnh đạo hai nước này cũng không muốn đẩy cao những xung đột quân sự. Do đó, không loại trừ khả năng đó chỉ là chiêu bài để hướng những bức xúc của người dân trong nước ra những căng thẳng địa - chính trị bên ngoài.

Lê Phan