Bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty TMTM, chủ thương hiệu MORI: Tự hào góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 02:43, 29/06/2020
Đầu tháng 6/2020, cuốn sách Cooking With Madam Tuyết Mai xuất hiện trên Kindle Store của trang bán hàng trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon. Đây là cuốn sách giới thiệu những món ăn dinh dưỡng của Việt Nam được chế biến có thành phần từ cây moringa (chùm ngây) bằng tiếng Anh viết tay đầu tiên được đưa bán trên trang mạng này. Tác giả cuốn sách là nữ doanh nhân Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty TMTM chuyên xuất khẩu nông - hải sản và là người sáng lập thương hiệu thực phẩm Mori.
Gặp nữ doanh nhân Phan Thị Tuyết Mai tại tiệm bánh ngọt ở Sài Gòn Pearl mới đây, tôi được bà chia sẻ về cuốn sách Cooking With Madame Tuyết Mai với niềm say mê của một người yêu thích làm bếp từ thuở nhỏ. Cuốn sách ra đời là sự đúc kết 8 năm nghiên cứu, trồng và phát triển cây moringa tại Việt Nam và phải mất hai tháng ròng rã chỉ để ghi công thức và chụp ảnh 80 món ăn được chế biến từ cây moringa - loại cây có nhiều khoáng chất, vitamin và 17 loại axit amin thiết yếu cho con người - từ gian bếp của gia đình.
Điều đáng khâm phục là cuốn sách được viết tay bằng tiếng Anh và trong khi những tác giả khác có chuyên gia hình ảnh thì với Cooking With Madam Tuyết Mai, bà Tuyết Mai lo luôn khâu chụp ảnh vì bà cho rằng "Chỉ có người nấu ăn mới thấy được khoảnh khắc đẹp nhất của món ăn khi mình làm ra. Thuê một ê kíp chụp có thể hình ảnh sẽ lung linh hơn nhưng chưa chắc thấy được cái hồn của món ăn".
* Chúc mừng bà khi là một trong hai nữ doanh nhân của Việt Nam có sách điện tử trên Amazon. Bà có thể chia sẻ về quá trình đưa cuốn sách Cooking With Madame Tuyết Mai lên Kindle Store?
- Có lẽ đây là cuốn sách tiếng Anh duy nhất và đầu tiên về ẩm thực Việt Nam viết tay được đưa lên Kindle Store.
Đam mê ẩm thực từ nhỏ và tôi có nhiều niềm vui đến từ gian bếp. Bất cứ khi nào rảnh tôi đều vào bếp chế biến các món ăn cho gia đình. Kinh doanh nông - hải sản hơn 30 năm và tham gia phát triển moringa cho người dân vùng sâu, vùng xa, tôi muốn lan tỏa hơn nữa lợi ích thiết thực về cây trồng quý giá này cho nhiều người trên thế giới. Tôi muốn giúp họ hiểu sâu hơn về moringa vì ở những nước nhiệt đới, cận nhiệt đới như châu Á hay châu Phi, người dân có thể tự trồng, tự chế biến thức ăn từ loại cây này theo cách riêng, nên tôi nghĩ đến việc phải viết cuốn sách này.
Kinh doanh bận rộn nên tranh thủ những hôm cuối tuần, tôi lại nấu, trang trí, chụp ảnh những món ăn có thành phần moringa như một cách giải trí. Tôi không chỉ giới thiệu những món ăn Việt Nam được chế biến từ cây moringa mà còn hướng dẫn người đọc cách thức trồng, cách làm bột... từ cây này. Và trong một lần gặp tình cờ, nhiều bạn trẻ nước ngoài đặt vấn đề tại sao không đưa sách lên online cho dễ đọc. Tận dụng những ngày tránh dịch Covid-19 vừa qua, tôi đã hoàn thành các thủ tục để đưa sách viết về các món ăn từ cây moringa bán trên mạng nước ngoài. Tôi nghĩ, đây cũng là cách góp phần để đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới.
Viết cuốn sách này tôi không nhắm đến kinh doanh mà chỉ thể hiện niềm đam mê và muốn truyền cảm hứng đến người đọc. Hiện nay, ở Việt Nam rất hiếm sách được đưa lên Kindle Store của Amazon. Nữ doanh nhân Nhan Húc Quân ở Công ty New Toyo là động lực để tôi mạnh dạn đưa sách lên mạng Amazon. Trước khi tôi đưa Cooking With Madam Tuyết Mai lên Kindle Store thì cuốn Phép màu để trở thành chính mình của chị Nhan Húc Quân đã được đưa lên đây. Sau khi thực hiện các thủ tục cần thiết với sự hỗ trợ của con trai ở Mỹ và một số bạn trẻ quen biết, ngày 8/6/2020 vừa qua, Amazon đã chính thức đưa Cooking With Madam Tuyết Mai lên Kindle Store của họ.
Có lẽ ở Việt Nam tôi và chị Nhan Húc Quân là hai nữ doanh nhân đầu tiên đưa sách của mình lên Kindle Store của Amazon. Tôi cảm thấy rất vui và có chút tự hào. Với cuốn sách này, tôi là nữ doanh nhân đầu tiên giới thiệu ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Và đây sẽ là một tài sản tinh thần quý giá cho các con tôi.
* Nhưng không chỉ viết sách, bà còn phụ trách dinh dưỡng cho cuộc thi "Hoa hậu du lịch thế giới - 2018". Điều gì khiến ban tổ chức một cuộc thi lớn như thế chọn một nữ doanh nhân chuyên xuất khẩu nông - hải sản vào vai trò ấy?
- Đã bán hàng cho Singapore Airlines nhiều năm nên tôi nắm rất kỹ việc cân bằng dinh dưỡng trong các bữa ăn.
Năm 2018, cuộc thi Hoa hậu đại sứ du lịch thế giới (World Miss Tourism Ambassador) có một tuần ghi hình tại Hội An (Quảng Nam) để phục vụ cho vòng chung kết diễn ra tại Thái Lan. Trong thời gian này, để giúp thí sinh có những bữa ăn đảm bảo sức khỏe nhưng không bị tăng cân là vấn đề mà ban tổ chức đặt ra. Vốn am hiểu về dinh dưỡng lại là cố vấn của Silk Sense Hội An River Resort (nơi diễn ra vòng ghi hình tại Việt Nam) nên tôi được tin tưởng giao trọng trách này. Tôi đã nấu ăn bằng trái tim của người mẹ và tinh thần của một doanh nhân. Sau thời gian ở Việt Nam, tôi tiếp tục được ban tổ chức cuộc thi ấy đưa vào đội ngũ giám khảo. Giờ nhớ lại tôi vẫn còn vui vì sau cuộc thi "mình có đến 60 con gái là hoa hậu".
* Rồi bà còn làm cố vấn cho chương trình làm phim "48 Hour Film Project Vietnam" để đào tạo đạo diễn trẻ...
- Năm 2001, chương trình "Làm phim trong 48H" khởi đầu tại Washington (Mỹ) và năm 2019, chương trình này đã diễn ra ở 140 thành phố trên thế giới. Chín năm trước, chương trình tại Việt Nam do một đạo diễn người Hồng Kông đảm trách và năm 2019 đã được chuyển giao cho một nhóm bạn trẻ Việt Nam. "48 Hour Film Project Vietnam" là chương trình cổ vũ cộng đồng những nhà làm phim độc lập tại Việt Nam đồng thời động viên họ mạnh dạn cầm máy quay ra hiện trường thu hình, thu âm và tự tin viết kịch bản. Năm ngoái, tôi làm mentor và với vai trò là cố vấn của chương trình đã cùng các bạn trẻ đạt được thành công với hơn 124 đội tham gia và hơn 1.000 người yêu thích làm phim đã tham chương trình này. Tháng 3 vừa rồi, đáng lẽ những bạn thắng giải được tham gia liên hoan phim quốc tế tại Hà Lan nhưng do dịch Covid-19 nên chương trình bị hoãn.
* Dịch Covid-19 khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Công ty của bà chuyên xuất khẩu nên chắc cũng bị ảnh hưởng?
- Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về xuất khẩu. Thị trường chính của chúng tôi là các nước châu Âu, Nhật Bản và Singapore, mà những nước này thì dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên việc xuất khẩu của TMTM bị đình trệ, hàng hóa đóng kho. Sản phẩm của chúng tôi được sử dụng chủ yếu tại nhà hàng, khách sạn trong khi những kênh này chưa được mở cửa nên ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu vì không thể xuất hàng. Mới đây, chúng tôi đã bắt đầu đưa hàng hóa ra thị trường các nước trở lại. May mắn là tôi đã lập nguồn quỹ dự phòng ngay từ khi thành lập Công ty nên trang trải được hoạt động trong thời gian này. Trong thời gian dịch bệnh xảy ra, Công ty đã tái cấu trúc hoạt động, sắp xếp nhân sự làm việc luân phiên, bộ phận nào có thể làm việc online thì làm online.
Dù khó khăn nhưng tôi vẫn rất lạc quan và không bao giờ bỏ cuộc. Nếu dịch Covid-19 vẫn kéo dài và các nền kinh tế hồi phục chậm, chúng tôi sẽ phát triển thị trường nội địa và kinh doanh online.
Trong đại dịch mà cả gia đình vẫn bình yên, sức khỏe tốt đã là rất vui. Và trong thời điểm khó khăn này mà sách của tôi được lên Amazon cũng là động lực tinh thần cho nhân viên. Tôi cho rằng, khó khăn thì chắc chắn doanh nghiệp nào cũng có. Đừng tạo áp lực cho chính mình, phải biết đối diện với khó khăn. Tâm an thì mọi chuyện sẽ từ từ được tháo gỡ.
* Theo bà, phụ nữ làm kinh doanh có khác gì nam giới?
- Trong kinh doanh, nam nữ đều bình đẳng như nhau. Với phụ nữ, không có lợi thế ký kết trên bàn nhậu hay trên sân golf như nam giới nhưng lại có lợi thế về sự mềm dẻo và sức chịu đựng. Tôi nghĩ, chính sự dịu dàng, uyển chuyển trong đàm phán thương vụ là một lợi thế mang đến thành công cho nữ doanh nhân.
Tôi rất thích câu nói được đọc ở đâu đó: "Phụ nữ như một gói trà, bạn sẽ không biết ngon lành đến mức nào cho đến khi được cho vào nước nóng". Khi quyết tâm thì bạn sẽ làm được tất cả. Khi bị đặt vào hoàn cảnh thúc bách, phụ nữ sẽ giải quyết được vấn đề và giải quyết một cách quyết đoán.
* Nhưng ngoài việc kinh doanh, nữ doanh nhân còn phải thực hiện thiên chức của người vợ, người mẹ...
- Ở Việt Nam, phụ nữ làm kinh doanh vẫn phải lo cơm nước cho gia đình. Nếu xem những việc này là trách nhiệm, nghĩa vụ thì sẽ thấy thật nặng nề. Nhưng nếu xem việc bếp núc là cách để gắn kết gia đình thì bạn sẽ có được niềm vui.
Hòa thượng Thích Giác Toàn nói: "Nấu ăn cũng là thiền". Khi nấu ăn, bạn chú tâm nhặt rau, nêm nếm nên không để tâm đến việc khác. Những lúc ấy, bạn sẽ loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, cái tâm an yên. Và cũng nhờ những khoảnh khắc an yên ấy, bạn sẽ có được năng lượng tích cực để nghĩ đến những điều lớn lao, có được năng lượng để làm những điều có ích khác.
Nền tảng của gia đình do mình xây dựng từ những việc như thế và tôi luôn tôn trọng việc định hướng nghề nghiệp theo sở thích cá nhân của các con. Tôi cũng muốn truyền niềm đam mê, sự nghiêm túc, tính độc lập, dám chịu trách nhiệm trong công việc cho các con. Hiện tại, con trai lớn của tôi đang theo học năm cuối ngành tài chính ở một trường đại học tại Boston (Mỹ) và cậu nhỏ thì học ngành quản trị nhà hàng - khách sạn tại Melbourne (Úc). Các con tôi đều muốn "đi thật xa để trở về". Hằng ngày ba mẹ con vẫn liên lạc với nhau qua mạng xã hội.
* Có thể nói bà là một người rất nhiều ý tưởng và làm việc không ngơi nghỉ...
- Phải luôn vận động đầu óc để không bị tụt lại. Năng lượng nhiều hay ít đều do mỗi người tự tạo. Nếu làm việc với niềm đam mê mỗi ngày, bạn sẽ làm không hết việc. Trong thời gian phải nghỉ vì dịch Covid-19, tôi đã viết kế hoạch tổ chức cuộc triển lãm mang tên "Madame Sài Gòn". Sài Gòn vốn là nơi dung nạp, đùm bọc bao mảnh đời. Tôi muốn khắc họa lại hình ảnh ấy bằng công nghệ số để du khách có thể tìm hiểu và thấy được những nét đẹp của con người và vùng đất này.
Hiện tôi đang "thai nghén" cho sự ra đời một cuốn sách để chia sẻ những thất bại trong hành trình đưa hàng nông sản, thủy hải sản ra các nước. Qua cuốn sách này, tôi muốn các bạn trẻ không lặp lại những sai lầm mà tôi đã vấp phải trong 32 năm đưa hàng Việt ra nước ngoài. Đó là những kinh nghiệm về quá trình đi lại, logistics, thanh toán điện tử, cả việc đối phó hacker. Tôi không muốn những người đi sau vấp phải những chướng ngại mà mình đã gặp phải. Vì những thất bại ấy đều đánh đổi bằng sức lực, tiền bạc. Tôi đã viết được một nửa cuốn sách này, có lẽ sẽ sớm ra mắt.
* Nhiều việc như vậy, bí quyết nào để bà vẫn giữ nét thanh xuân dù đã ngoài tuổi nghỉ hưu?
- Cũng không có gì quá to tát. Không có thời gian để đi spa nên mỗi sáng tôi đi bộ 4-5 kilômét để giữ gìn sức khỏe. Chỉ khi có sức khỏe mình mới sáng suốt để giải quyết mọi việc và có năng lượng cho những ý tưởng mới.
Ngoài sự vận động của bản thân, tôi còn có tình thương của chồng con, nhân viên và bạn bè.
Bên cạnh thời gian làm việc và chăm sóc gia đình, tôi đã cùng bạn bè tham gia các hoạt động cộng đồng như làm từ thiện, workshop, lên ý tưởng sáng tạo... Tôi luôn sống tích cực và nghĩ tích cực về người khác. Đừng tạo áp lực cho chính mình, phải biết tìm bình an để đối diện với khó khăn.
* Cảm ơn những chia sẻ của bà và chúc bà cùng doanh nghiệp vượt đại dịch thành công!