Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: Nông sản hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA

Trong nước - Ngày đăng : 03:39, 30/06/2020

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, EVFTA không chỉ mang đến cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, mà còn giúp ngành nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói…

Sáng ngày 30/6/2020, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng UBND TP.HCM tổ chức hội nghị: “Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA”.

Ngày 24/4/2020, Hội đồng châu Âu đã gửi công hàm thông báo với Việt Nam rằng EU đã hoàn tất thủ tục pháp lý theo quy trình phê chuẩn nội bộ EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu – Việt Nam). Đồng thời, Quốc hội Việt Nam cũng phê chuẩn EVFTA vào ngày 8/6/2020. Như vậy, EVFTA sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có hiệp định thương mại tự do với EU. Với EVFTA, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận được thị trường 500 triệu dân với tổng GDP hàng năm đạt 15.000 tỷ USD.

Tran-Tuan-Anh-BCT-5924-1593496077.jpg

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, EVFTA không chỉ mang đến cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, mà còn giúp ngành nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói…

EVFTA có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các hiệp định thương mại tự do. Có tới 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7-10 năm. Đặc biệt đối với một số mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu như gạo, thủy sản, cà phê, rau quả… “EVFTA không chỉ mang đến cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, mà còn giúp ngành nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói…”, Tiến sĩ Trần Tuấn Anh đánh giá.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, EU là thị trường quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Mỹ, chiếm gần 12% thị phần trong tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp sang EU ổn định ở mức gần 5 tỷ USD/năm và thặng dư trung bình 4 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2017-2019.

Theo ông Cường, EVFTA làm tăng hoạt động đầu tư từ EU vào Việt Nam, đi kèm với chuyển giao công nghệ và nâng cao kỹ năng về quản lý và lao động. “Điều này sẽ giúp tăng sản lượng cùng chất lượng nông lâm thủy sản, giúp đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Cường nhận xét.

Riêng đối với TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch TP.HCM cho biết, EU là thị trường xuất siêu truyền thống của TP.HCM. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Mỹ và Trung Quốc) và đối tác nhập khẩu lớn thứ 2 (sau Trung Quốc) của TP.HCM.

Nguyen-Thanh-Phong-1328-1593496077.jpg

Ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, TP.HCM xuất khẩu sang EU 2,26 tỷ USD và nhập khoảng 1,29 tỷ USD.

Trong năm 2019, xuất khẩu sang EU đạt hơn 5 tỷ USD và chiếm 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn TP.HCM. Trong 6 tháng đầu năm 2020, TP.HCM xuất khẩu sang EU 2,26 tỷ USD và nhập khoảng 1,29 tỷ USD.

Để hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM xuất khẩu, ông Phong cho biết TP.HCM đang cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu. Cụ thể, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ xuất khẩu cho các tỉnh thành phía Nam. Tại địa phương, TP.HCM sẽ tăng cường xuất khẩu sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học công nghệ cao như phần mềm, nông sản được canh tác bằng công nghệ cao…

Dương Nguyễn