Cơ hội vào EU bằng EVFTA-Cần nâng năng lực cạnh tranh
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:38, 30/06/2020
Theo ông Thái, lợi ích đầu tiên EVFTA mang đến cho Việt Nam là thúc đẩy cải cách thể chế và thay đổi tư duy. Cụ thể là sửa đổi văn bản pháp luật để phù hợp với cam kết EVFTA, đồng thời thay đổi tư duy xây dựng và thực thi luật ở cấp trung ương lẫn địa phương.
Kế đến, EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông sản. Ngoài ra, Hiệp định tự do thế hệ mới này còn giúp gia tăng chất lượng đầu tư, giúp Việt Nam có cơ hội trở thành điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại ASEAN (Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á). Cụ thể, một số mặt hàng Việt Nam có lợi thế nhưng cũng còn thách thức gồm:
Mặt hàng gạo
Thông qua EVFTA, EU đang cấp hạn ngạch cho Việt Nam 80.000 tấn gạo/năm đối với gạo xay xát và gạo thơm với thuế 0%. Mặt hàng gạo tấm sẽ bỏ thuế trong 5 năm. Thuế suất EU đang áp lên gạo Việt Nam là 175 EUR/tấn với gạo xay xát, 65 EUR/tấn với gạo tấm và 211 EUR/tấn với thóc.
Với sự phổ biến của đồ ăn châu Á, xu thế sử dụng gạo ở EU tăng lên đáng kể, đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), tiêu thụ gạo trung bình của EU đạt khoảng 2,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý rằng, các nước như Thái Lan, Mỹ và Úc được EU phân bổ lượng hạn ngạch thuế quan nhiều hơn Việt Nam. Đồng thời, Campuchia và Myanmar được miễn thuế xuất khẩu và không bị áp hạn ngạch.
Mặt hàng thủy sản
EU là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới, hàng năm nhập khẩu gần 9,3 triệu tấn với kim ngạch khoảng 50 tỷ EUR. Hiện tại, Việt Nam đang xếp thứ 11 về thị phần nhập thủy sản vào EU, sau Mỹ (13,5% thị phần), Trung Quốc (10,9%), Nhật Bản…Trong năm 2019, Việt Nam xuất sang EU gần 1 tỷ USD các mặt hàng thủy sản, giảm 13% so với cùng kỳ. Giá trị này mới chiếm khoảng 11% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường nhiều thách thức do EU có nhiều yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm, bảo vệ môi trường và uy tín của doanh nghiệp. Đồng thời, đưa ra nhiều quy định chặt chẽ về môi trường và lao động.
Mặc dù được xóa bỏ thuế quan nhưng thủy sản Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với thủy sản Ấn Độ và Thái Lan khá quyết liệt.Theo ông Thái, để tăng xuất khẩu thủy sản vào EU, Việt Nam cần khắc phục “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam trong chương trình Chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Đồ gỗ
Khi EVFTA có hiệu lực vào đầu tháng 8/2020, khoảng 83% dòng thuế áp cho sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ được EU dỡ bỏ. Số còn lại sẽ bỏ sau 3-7 năm. Tuy nhiên, xuất khẩu gỗ Việt vào EU còn ít, mới chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong năm 2019 (hơn 535 triệu USD). Hiện, thách thức lớn nhất của ngành gỗ là đảm bảo vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc và xác minh gỗ hợp pháp. Bên cạnh đó, chất lượng và mẫu mã sản phẩm gỗ Việt Nam còn thấp, gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước còn hạn chế.Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú ý, gỗ và sản phẩm gỗ phải được khai thác hợp pháp và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Cà phê
Cà phê là một trong những mặt hàng được EU xóa bỏ hoàn toàn thuế nhạp khẩu khi EVFTA có hiệu lực. Trong năm 2019, Việt Nam xuất 1,09 tỷ USD cà phê sang EU, chiếm gần 38% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước. Theo ông Thái, dù là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới nhưng chất lượng cà phê chế biến của Việt Nam hiện chưa cao. Trong khi đó, người tiêu dùng EU chú trọng vào thương hiệu và chất lượng sản phẩm chứ không chỉ giá cả. Hiện tại, cà phê Việt Nam vào EU phải cạnh tranh với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Nestle, Kraft Foods, Tchibo…
Về trách nhiệm xã hội, ông Thái khuyên doanh nghiệp nên lưu ý đến các tiêu chuẩn về lao động (chấm dứt lao động cưỡng bức, không sử dụng lao động trẻ em và không phân biệt đối xử tại nơi làm việc). IIng cũng khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam bên cạnh việc nắm vững các cam kết trong EVFTA, cần nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể, doanh nghiệp nên xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hạn, ứng dụng khoa học và công nghệ, áp dụng các mô hình thành công, chủ động liên kết sản xuất…