Kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%
Trong nước - Ngày đăng : 07:00, 02/07/2020
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá vào ngày 1/7/2020, Bộ Tài chính đã đưa ra hai kịch bản điều hành giá, theo đó kịch bản 1 thì CPI bình quân cả năm 2020 so với năm 2019 tăng khoảng 3,64%, còn kịch bản 2 thì CPI tăng khoảng 3,95%. Ngân hàng Nhà nước dự báo CPI cả năm 2020 trong khoảng 3,7±0,5%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI cả năm 2020 theo hai kịch bản: kịch bản 1 tăng từ 3,5-3,7% và kịch bản 2 tăng từ 3,8-4,1%.
Ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí cho rằng có khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4%. Một số chuyên gia kiến nghị, phải quản lý tốt khâu trung gian; xem xét vấn đề giá của bộ sách giáo khoa mới; phối hợp tốt chính sách tiền tệ và tài khóa; tiếp tục giữ ổn định tỷ giá…
Cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ Tài chính, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, điều hành khá ăn ý, nhịp nhàng, chấp hành nghiêm những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sử dụng các biện pháp, công cụ liên quan, cả vi mô và vĩ mô. Như báo cáo của Bộ Tài chính, CPI bình quân giảm dần từ mức cao là 6,54% về mức 4,19% trong 6 tháng đầu năm. Từ đó, có thể nhận định khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu đề ra là khả thi.
Nêu ra một số bất cập cần tập trung khắc phục như vấn đề giá thịt lợn, sách giáo khoa, giá nước sạch, quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thủ tướng nhấn mạnh các yêu cầu điều hành giá 6 tháng cuối năm. Đó là cần tiếp tục kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo sự ổn định và nền tảng thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển, sản xuất kinh doanh, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, của người dân vào công tác điều hành chung của Chính phủ, “không chỉ tập trung tháo gỡ để tăng trưởng mà còn lưu ý hơn nữa đến giá cả, lạm phát”.
Sức ép tăng giá, lạm phát vẫn còn lớn, đặc biệt là giá dầu thô, lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng, nhiều nước đã giảm giá đồng tiền. Trong bối cảnh ấy, chúng ta kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, Thủ tướng khẳng định “chúng ta sẽ rất linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, nhất là thời điểm, mức độ can thiệp các công cụ chính sách để không ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi và phát triển nền kinh tế”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kiểm soát lạm phát nhưng không thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ. Chính sách kiểm soát giá phải góp phần ổn định, thúc đẩy phát triển kinh doanh, kích thích tăng trưởng. Yêu cầu điều hành giá đặt ra là kết hợp đồng bộ, hiệu quả, kịp thời các biện pháp vĩ mô, tài khóa, tiền tệ và các công cụ vi mô, điều hành các mặt hàng cụ thể, nhất là xăng dầu, thịt lợn, các mặt hàng thiết yếu như y tế, giáo dục, lương thực, thực phẩm.
Đối với các kịch bản điều hành giá, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp chủ trì với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản phù hợp với mục tiêu đề ra để chúng ta đạt được con số dưới 4%. Trong trường hợp thật cần thiết, có thể điều hành ở 4% để góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ, chính sách tài khóa, tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng, tất cả các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả, kiểm soát yếu tố tình hình giá, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng đầu cơ, nâng giá, gây biến động giá, độc quyền giá trái quy định, trong đó kiểm soát tốt đầu vào, chống đầu cơ nâng giá.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện thể chế và các quy định pháp luật về giá bảo đảm đúng, phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tiễn hiện nay, ví dụ như đề nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước kiểm soát giá.