Hội thảo giới thiệu hoạt động cố vấn nữ lãnh đạo HAWEE Mentoring
Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 05:19, 02/07/2020
Mentoring được hiểu là một cộng đồng, một hệ sinh thái gồm nhiều vai trò khác nhau, từ cố vấn, hoạch định, lãnh đạo, giám sát, cho đến người thực hiện chính là mentor và mentee. Nó được áp dụng trong nhiều lĩnh vực trên thế giới. Ở Việt Nam, mentoring được sử dụng nhiều trong lĩnh vực phát triển cá nhân và khởi nghiệp.
Mentoring tại Việt Nam sử dụng hình thức kèm cặp 1:1, chủ yếu với hình thức chia sẻ giữa một người có kinh nghiệm (mentor) cố vấn, hỗ trợ cho một người ít kinh nghiệm (mentee) trong việc thay đổi cá nhân, hỗ trợ phát triển tổ chức và một số hoạt động có liên quan khác. Mentor tìm cách dung hòa công việc và cá nhân để mentee hoàn thiện bản thân. Các cuộc thảo luận tập trung vào việc tạo động lực cho mentee về cách nhìn, thế giới quan, ý thức về bản thân, đạo đức và giá trị…
Được khởi xướng từ 2016, chương trình HAWEE Mentoring ra đời với mục tiêu khai thác và sử dụng trí tuệ, năng lực của các doanh nhân có kinh nghiệm trao truyền cho thế hệ doanh nhân kế thừa. Cố vấn và đồng hành cùng các doanh nhân trẻ của HAWEE phát huy giá trị nội lực bản thân và phát triển doanh nghiệp.
HAWEE Mentoring sẽ dìu dắt thế hệ nữ lãnh đạo trẻ TP.HCM trong khuôn khổ là hội viên HAWEE, các hiệp hội là thành viên, đối tác của HAWEE, nhân viên của các doanh nghiệp trong cộng đồng HAWEE trong thời gian 12 tháng. Ban chủ nhiệm bao gồm các thành viên có tâm huyết, có kinh nghiệm và hiểu biết về hội viên, nhằm tạo ra môi trường giúp các hội viên gắn kết, thực hiện các hoạt động tạo sự thay đổi trong phát triển bản thân và phát triển doanh nghiệp. Dự án được duy trì đều đặn trung bình 25 cặp mỗi năm.
Về đối tượng tham gia, mentor là các doanh nhân có kinh nghiệm của HAWEE, có tuổi đời trên 40 tuổi; mentee là các doanh nhân trẻ, hội viên mới của HAWEE, nhân viên các doanh nghiệp thuộc HAWEE, tuổi đời dưới 35. Cụ thể đối tượng mentee bao gồm: thành viên mới của HAWEE; thành viên tham gia HAWEE ít nhất 6 tháng, dưới 35 tuổi muốn tham gia chương trình; cán bộ quản lý các doanh nghiệp thuộc HAWEE và nữ sinh viên năm cuối có ý tưởng khởi nghiệp hoặc nữ sinh viên ưu tú qua vòng tuyển chọn (từ các trường đại học có tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác với HAWEE); nữ doanh nhân tại các câu lạc bộ nữ doanh nhân của các quận, huyện TP.HCM là hội viên tập thể của HAWEE.
Bà Lê Thị Thanh Lâm - Trưởng ban Cố vấn CLB HAWEE Mentoring - Phó tổng giám đốc Công ty CP Saigon Food chia sẻ: “Mục tiêu dài hạn của câu lạc bộ Mentoring là truyền cảm hứng và dẫn dắt các thế hệ nữ lãnh đạo, nữ quản lý… Riêng trong năm 2020, HAWEE đặt mục tiêu sẽ có tối thiểu 30 cặp mentor và mentee được gắn kết thành công và đồng hành cùng nhau. Mặt khác, chương trình này sẽ là công cụ truyền tải thông điệp và giúp nữ doanh nhân trẻ, hội viên mới của HAWEE, doanh nhân tại quận/huyện và nhân viên trong doanh nghiệp thuộc HAWEE… được chia sẻ kinh nghiệm, dẫn dắt, phát triển năng lực cá nhân và nghề nghiệp. Cùng với đó, khai thác trí tuệ, năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ nữ doanh nhân HAWEE; gắn kết doanh nhân kỳ cựu, doanh nhân trẻ và hội viên mới…”.
“Câu lạc bộ HAWEE Mentoring ra đời còn mang ý nghĩa đáp ứng kỳ vọng của hội viên và yêu cầu hội nhập kinh tế toàn cầu tại Việt Nam. Khi những doanh nhân thành công dẫn dắt cho doanh nghiệp khởi nghiệp với hình thức một-kèm-một đã cho thấy hiệu quả cao ở nhiều tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp trên thế giới. Mô hình này không đòi hỏi việc lựa chọn ghép đôi phải cùng ngành nghề, những người quen biết nhau… mà khuyến khích tạo những mối quan hệ và trải nghiệm mới.
Mentor không đưa ra giải pháp mà chỉ cần có kinh nghiệm, nên tạo ra sự khác biệt trong dẫn dắt chứ không phải chỉ đường, đồng hành để mentee đi đến thành công. Đặc biệt, đối với những hội viên mới của HAWEE trong thời gian tới, ngay từ khi tham gia sẽ được giới thiệu đến với câu lạc bộ HAWEE Mentoring. Thông qua đây, hội viên mới sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hòa nhập, nắm bắt thông tin và tham gia đa dạng hoạt động của HAWEE”, bà Lâm nói thêm.
Cũng tại hội thảo, ông Lê Nhật Trường Chinh - Thành viên Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia Phía Nam chia sẻ thêm về vai trò, trách nhiệm của người tham gia mentoring. Theo đó, trong chương trình không chỉ có vai trò cố vấn (mentor), học viên (mentee) mà còn có các vai trò khác tham gia thúc đẩy quá trình này, đó là điều phối viên chương trình (coordinator), đội ngũ quản lý nguồn lực (resource management team), người lãnh đạo (leader) và người giám sát nhiệm vụ (supervisor).