TP.HCM đã triển khai, khắc phục kết luận kiểm toán
Trong nước - Ngày đăng : 09:13, 08/07/2020
Ông Từ Lương cho biết, có nhiều luồng dư luận cho rằng, TP.HCM chưa thực hiện kết luận mà Kiểm toán nhà nước đã nêu, do đó tại Cuộc họp này ông Lương hy vọng sẽ giải đáp được thông tin đầy đủ và chính xác tới báo chí |
Tại buổi họp báo, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Từ Lương khẳng định: “Ngay sau khi tiếp nhận kết luận KTNN, Thành phố đã triển khai các kiến nghị, đề xuất của KTNN nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý ngân sách nhà nước cũng như quản lý dự án đầu tư, xây dựng trên địa bàn”.
Giải đáp việc nhiều khu đất do Nhà nước quản lý hiện được các tổ chức, cá nhân sử dụng nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa cung cấp thông tin địa chính và lập bộ thu tiền thuê đất, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện Cục Thuế TP.HCM đã phân loại và xác định thông tin nghĩa vụ tài chính của các đơn vị này. Tùy theo mỗi hồ sơ và từng trường hộ cụ thể, các cá nhân và tổ chức này sẽ phải nộp tiền thuê đất theo quy định hoặc được loại khỏi danh sách các khu đất phải lập bộ thu tiền thuê đất.
Về việc Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV góp vốn bổ sung 33,6 tỷ đồng vào Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Bến Thành (BTJ), có khả năng bị thất thoát do BTJ tiếp tục kinh doanh thua lỗ, ông Lương cho rằng, việc BTJ đang lỗ là nằm trong kế hoạch do công ty đang đầu tư, xây dựng và phát triển chuỗi cửa hàng kinh doanh trang sức Precita. Dự kiến khi đạt số lượng cửa hàng Precita theo đúng kế hoạch và đi vào kinh doanh, BTJ sẽ có lãi.
Liên quan đến trách nhiệm của Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận trong việc chuyển nhượng 280 nền nhà ở tái định cư tại Khu dân cư Long Hậu từ 2006-2011 nhưng chưa ghi nhận doanh thu và kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, chậm ký hợp đồng chuyển nhượng và chậm thanh toán nhiều năm, hay việc chuyển nhượng 214 nền nhà tái định cư tại Khu định cư số 04 - xã Phong Phú khi chủ đầu tư chưa hoàn thành việc đền bù, xây dựng hạ tầng và việc chuyển nhượng 50 nền đất ở thương mại tại Khu định cư An Phú Tây, huyện Bình Chánh khi chưa có giấy chứng nhận chuyển quyền sử dụng đất... ông Lương lý giải: “Từ năm 2018, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Thanh tra Thành phố tổ chức thanh tra toàn diện hoạt động của Công ty Tân Thuận và đã chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật các nội dung nêu trên.
Riêng kết luận về việc Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TP.HCM ký hợp đồng và ứng trước tiền cho Công ty TNHH Rungsucharoenkit Tunnelling (RJK - Thái Lan) 12 tỷ đồng không thu hồi được cũng như không có giá trị dịch vụ cung cấp tương ứng để thanh toán, ông Lương khẳng định: “UBND TP.HCM đã chỉ đạo Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị và Thanh tra Thành phố thực hiện, tổ chức, kiểm tra và giám sát việc tổ chức thu hồi”.
Đối với sai phạm trong hoạt động đầu tư, xây dựng KCNC TP.HCM, Ban Quản lý KCNC cũng đang rà soát lại hồ sơ dự án và sử dụng đất của dự án Công viên Thiên Niên Kỷ để điều chỉnh, xử lý và sẽ báo cáo UBND TP.HCM và KTNN theo quy định.
Riêng trường hợp Công ty Nidec Seimitsu không đáp ứng đủ các tiêu chí về doanh nghiệp công nghệ cao hay việc cấp phép đầu tư cho các dự án không thuộc đối tượng được đầu tư vào KCNC TP.HCM, bố trí vốn ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân trong KCNC không theo quy định tại Nghị định số 99 của Chính phủ, Ban Quản lý KCNC cũng đang phối hợp với Cục Thuế Thành phố và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo Chính phủ.
Theo ông Lương: “Với tổng mức đầu tư của dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân trong KCNC là 3.802 tỷ đồng, việc bố trí 1.000 tỷ đồng trong 2 năm từ ngân sách thành phố để thực hiện đền bù là quá lớn vì ngân sách thành phố hạn hẹp. Do đó, để giảm áp lực về vốn cho ngân sách thành phố, UBND TP.HCM đã có quyết định ủy thác cho Chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển Thành phố huy động vốn và cho vay để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng đầu tư dự án KCNC và hợp đồng đã được ký thời hạn 10 năm với số tiền 500 tỷ đồng. Đến tháng 9/2015, ngân sách thành phố đã bố trí đủ vốn để trả hết nợ và lãi cho ngân hàng.
Cũng theo kết luận của KTNN, hiện đang có 22 doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện được hoạt động trong KCNC. Về việc này, ông Lương cho rằng, KCNC không chỉ có doanh nghiệp công nghệ cao hoạt động mà còn có cả doanh nghiệp bình thường. Doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao sẽ được hưởng ưu đãi theo chính sách quy định và doanh nghiệp bình thường được điều chỉnh theo các chính sách bình thường. 22 doanh nghiệp nằm trong kết luận kiểm toán, là các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hoặc nằm trong chuỗi cung ứng và họ thuê đất thông qua công ty đầu tư hạ tầng có sự đồng ý của Ban Quản lý KCNC.
Tuy nhiên, ông Lương cũng cho biết, sau khi có kết luận kiểm toán, Ban quản lý KCNC đã phân loại 22 doanh nghiệp này, doanh nghiệp nào đủ chuẩn sản xuất công nghệ cao sẽ được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp nào không đủ chuẩn sản xuất công nghệ cao sẽ được đối xử như doanh nghiệp bình thường.