Quả ngọt cho Dony

Start up - Ngày đăng : 01:00, 17/07/2020

100.000 chiếc khẩu trang kháng khuẩn, kháng giọt bắn Dony Mask gửi tặng cho những người dân Mỹ trong đại dịch Covid-19 cùng 5% doanh thu trích cho các hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam là tâm huyết của người sáng lập Dony Phạm Quang Anh.
Pham-Quang-Anh-CEO-Cong-ty-TNH-5626-7908

Là thế hệ 8X, Phạm Quang Anh có cơ hội bén duyên với kinh doanh khá sớm. Tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, Quang Anh đi làm truyền thông cho một công ty. Quá trình tiếp xúc nhiều doanh nhân thành đạt, Quang Anh nhận ra, phần lớn doanh nhân thành đạt đều xuất phát từ hai bàn tay trắng.

Năm 2010, Quang Anh mở Công ty May mặc Duy Nguyễn chuyên làm quần áo đồng phục. Tuy nhiên, kinh doanh không hề thuận lợi và dễ dàng với một người trẻ và ít kinh nghiệm thương trường nên Anh phải làm thêm nhiều công việc khác để duy trì hoạt động, tiếp tục học cao học.

Dù ngưng việc thương trường nhưng nỗi nhớ kinh doanh lại trỗi dậy, năm 2013, Anh quyết định mở Công ty Dony. "Ngành may mặc là ngành đặc biệt yêu thích, bởi ba lý do: Đây là ngành hàng sử dụng nhiều nhân công nên tôi mong muốn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho mọi người, tạo môi trường thân thiện, cởi mở cho mọi người làm việc và phát huy khả năng của mình. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường về ngành may mặc lớn. Đây là ngành thế mạnh của Việt Nam so với các quốc gia khác trên thế giới, hệ sinh thái khá hoàn thiện và may mặc có nhu cầu tăng theo thời gian", Quang Anh nói.

Nhận thấy ngành may rất cạnh tranh và để phát triển bền vững, Quang Anh liên tục tối ưu hóa quy trình sản xuất. Trong quá trình kinh doanh, Quang Anh học được rất nhiều, trong đó có cả việc thuê chuyên gia về đào tạo, tham gia các khóa học kinh doanh ngắn hạn trong và ngoài nước.

Điều may mắn nhất, theo Quang Anh là được học đi đôi với thực hành. "Kiến thức về tối ưu quy trình sản xuất được tôi áp dụng ngay, vì chỉ cần mỗi ngày tiết kiệm được một triệu đồng cho Công ty, thì một năm tiết kiệm được hơn 300 triệu đồng", Anh nói.

Công việc kinh doanh đang đi vào guồng, dịch bệnh bỗng dưng ập đến và ngay từ đầu mùa dịch, Dony cũng như nhiều doanh nghiệp khác đều chịu ảnh hưởng. Cũng thời gian này, được sự gợi ý của người bạn thời đại học Đào Tấn Điền, Quang Anh chuyển sang may khẩu trang xuất khẩu. Quang Anh kể, 10 năm làm việc trong lĩnh vực y tế cộng đồng, hiểu rõ quy trình sản xuất khẩu trang vải 3 lớp kháng khuẩn, Tấn Điền nhận nhiều quảng cáo khẩu trang kháng khuẩn Nhật Bản với giá 30.000 đồng/chiếc và cảm thấy khó chịu vì thông tin sai sự thật nên gợi ý cho tôi chuyển hướng sản xuất, và nhanh chóng tôi bắt kịp nhu cầu khẩu trang tăng đột biến".

Khi bắt đầu sản xuất khẩu trang vải, công suất của Dony là 50.000 sản phẩm Dony Mask/ngày. Đến nay, nhu cầu tăng cao, Dony đã mở rộng quy mô sản xuất, nhà máy, liên kết đối tác gia công... công suất đạt 275.000 sản phẩm/ngày. Số đơn đặt hàng ngày càng lớn, số lượng hàng mỗi đơn tăng nhanh, nhiều thời điểm Dony buộc phải từ chối một số đơn đặt hàng gấp. Doanh thu đến nay đạt hàng triệu USD.

Quanh Anh lý giải, do mô hình của công ty là vừa sản xuất vừa làm thương mại trong ngành may mặc nên thuận lợi. Tuy nhiên, nếu theo mô hình thuần thương mại sẽ rất khó có đơn hàng do khách không thấy xưởng sản xuất, còn nếu thuần sản xuất thì số lượng nhân công sẽ tỷ lệ thuận với mức độ rủi ro. Với mô hình "lai", việc giữ lại bộ phận sản xuất giúp Dony có thể lên mẫu sản phẩm, hiểu quy trình sản xuất. Khi đơn hàng tăng vọt, công ty sẽ tìm các đối tác gia công bên ngoài theo chuẩn của mình. Nhờ nắm quy trình sản xuất, chúng tôi tính được thời gian cần thiết, số người cần thiết để làm ra một sản phẩm. Đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá đối tác".

346436-3818-1594697004.jpg

Trước khi dịch bùng phát, nhà máy Dony có diện tích 420m2. Hiện tại, nhà máy đã mở rộng lên 1.600m2, mở rộng cả quy mô lẫn sản phẩm. "Đó là nhờ tôi chịu khó tiếp thị công ty trên các website thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), tham gia các hội chợ. Hằng năm, công ty đều dành một khoản ngân sách cho việc này", Anh nói.

Thời gian đầu, đối tác biết đến Dony chủ yếu qua kênh nhà bán sỉ quốc tế, thông qua Internet, Alibaba,... Sau khi đặt hàng, các đối tác đã tin tưởng và đặt tiếp những đơn hàng lớn hơn gấp đến 30 lần đơn hàng đầu tiên. Đến nay, Dony chủ yếu phục vụ khách hàng thân thiết, gắn bó với mình từ những ngày đầu xuất khẩu .

Song vào giai đoạn cao điểm, Dony cũng gặp khó khăn về lượng đơn đặt hàng tăng đột biết về số lượng đơn cũng như khối lượng đơn hàng. Nguồn cung ứng về nguyên vật liệu, năng lực sản xuất, logistics ban đầu chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển. Ví dụ như vận chuyển, mặt hàng khẩu trang vải cần vận chuyển gấp, nhanh, bằng phương tiện đường hàng không. Tuy nhiên, do nhu cầu tăng, đơn vị vận chuyển không đủ chỗ trống, số chuyến, lượng hàng cần chuyển đi mỗi đợt lên đến 500 thùng, không đủ phương tiện vận chuyển, kéo dài thời gian chờ cho hàng bay, lượng hàng đi nhỏ giọt. Ban đầu, chỉ riêng khu vực Trung Đông gặp khó khăn vì đường bay. Khi diễn biến dịch bệnh phức tạp, việc xuất khẩu hàng đi Mỹ, châu Âu... cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Song song với việc sản xuất khẩu trang và duy trì hoạt động sản xuất đồng phục, Dony còn đang mở rộng kế hoạch sản xuất trang phục bảo hộ y tế.

Theo Quang Anh, thời gian vừa rồi là dịp để Việt Nam phát huy thế mạnh của mình trong ngành hàng dệt may, tạo ra doanh thu và việc làm tăng đột biến, cũng là dịp các doanh nghiệp Việt quảng bá thương hiệu, uy tín... đến đông đảo đối tác, khách hàng quốc tế, cơ hội hợp tác với nhiều đối tác lớn.

Hiện tại đơn hàng của Dony Mask đã hơn 10 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn kháng giọt bắn, xuất khẩu đi khắp thế giới: Mỹ, Canada, châu Âu (Pháp, Đức, Bỉ...), Trung Đông, Singapore, Nhật Bản...và nhiều quốc gia khác. Thị trường chính vẫn là Mỹ, châu Âu, Trung Đông.

Minh Vy