Không được hỗ trợ, Vietnam Airlines sẽ mất thanh khoản
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:30, 17/07/2020
Tại buổi tọa đàm với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng hôm 13/7/2020, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết, Vietnam Airlines đang rơi vào khó khăn, ước tính lỗ ròng 13.000 tỷ đồng. Đây cũng là khó khăn chung của ngành hàng không trên toàn cầu.
Theo ông Thành, kể từ đầu tháng 4/2020, tuy lượng khách nội địa phục hồi nhanh trong hai tháng qua nhưng doanh thu nội địa chỉ tương đương 46% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm. Từ tháng 4, Vietnam Airlines không còn chuyến bay chở khách thương mại quốc tế. Tính cả tháng, trung bình mỗi ngày hãng chỉ bay 4 chuyến.
Cũng theo phân tích của lãnh đạo Vietnam Airlines, mặc dù đã cắt giảm chi phí, tổ chức lại lao động, giãn hoãn thanh toán nhưng kết quả kinh doanh vẫn dự kiến sẽ lỗ 15.000 tỷ đồng, dòng tiền thâm hụt 16.000 tỷ đồng. Đặc biệt, hãng sẽ mất thanh khoản vào tháng 8/2020 nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ với vai trò là chủ sở hữu. Trong khi đó, dự báo thị trường hàng không nội địa đến hết năm 2021 mới có thể phục hồi bằng mức trước dịch năm 2019, còn quốc tế phải đến hết năm 2022.
Trước đó, Vietnam Airlines cũng đã trao đổi với cổ đông chiến lược là All Nippon Airways (ANA) - cổ đông nắm giữ 8,6% vốn của Vietnam Airlines, nhưng ANA cũng đang khó khăn và cũng phải đi vay khẩn cấp 10 tỷ USD từ Chính phủ Nhật Bản nên không còn nguồn tiền cho Vietnam Airlines vay.
Không chỉ riêng Vietnam Airlines mà tất cả hãng hàng không trong nước hiện cũng đang trong tình cảnh tương tự. Vào hồi tháng 3/2020, Cục Hàng không Việt Nam cũng đưa ra hai kịch bản, nếu dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4, tổng khách của thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15% so với năm 2019. Trường hợp xấu hơn, quý II mới kiểm soát được dịch bệnh, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so với năm 2019. Với kịch bản nào, doanh nghiệp vận tải hàng không cũng đều thiệt hại lớn. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, giải cứu hàng không phải có sự bình đẳng giữa các hãng hàng không.
Cho đến thời điểm này, các hãng hàng không trong nước đã tìm giải pháp trước mắt là mở thêm các đường bay nội địa. Tuy nhiên, về lâu dài, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài việc tính toán lại bài toán tài chính, cần có những chính sách hỗ trợ dài hơi từ những chính sách mới của Nhà nước để có thể vượt qua khủng hoảng này, như tạo ra các gói kích cầu cho các hãng hàng không nói chung, ngoài giảm thuế, phí để thị trường hàng không phục hồi.
Trên thế giới, chính phủ nhiều nước cũng đã có những chính sách hỗ trợ hàng không tăng vốn, giảm nợ. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), tính tới giữa tháng 5, các quốc gia đã cấp các khoản viện trợ lên tới 123 tỷ USD để giúp các hãng hàng không tháo gỡ khó khăn sau dịch.
Đơn cử như Chính phủ Đức đầu tư thêm 20% cổ phần Hãng Hàng không Lufthansa (hai vị trí tại HĐQT) với khoản đầu tư hơn 6 tỷ EUR. Ở Pháp, Chính phủ cho Air France - cũng là hãng hàng không quốc gia - vay trực tiếp 3 tỷ EUR từ ngân sách, bảo lãnh 90% cho hãng này vay từ ngân hàng thương mại thêm 4 tỷ USD. Ở Mỹ, gần như hãng hàng không nào cũng được hỗ trợ, dù hãng nhiều hãng ít, tổng giá trị 25 tỷ USD. Ở Bồ Đào Nha, Chính phủ đầu tư 1,2 tỷ EUR vào TAP Airlines để tăng thêm vốn chủ sở hữu từ 50% lên 72,5%. Singapore thì không có thị trường hàng không nội địa nào cả, nên họ thông qua Temasek - chủ sở hữu của cũng cam kết hỗ trợ 13,5 tỷ cho Singapore Airlines, vừa tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Phát biểu tại buổi tọa đàm "Chủ sở hữu nhà nước: Hành động và trách nhiệm hậu Covid-19 - Trường hợp Vietnam Airlines" vừa được tổ chức tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: "Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đang làm nhiều hơn và làm nhanh hơn Việt Nam. Họ đồng thời cũng làm hai vai trò, Chính phủ với tư cách quản lý nhà nước và Chính phủ là người đầu tư, là cổ đông và là thành viên góp vốn. Bên cạnh đó, với tư cách là cơ quan quản lý, thực hiện chính sách phát triển kinh tế xã hội, đầu tiên Chính phủ các nước đều có chính sách trợ cấp, miễn giảm thuế, phí... Trong khi ở ta mới chỉ có giãn thuế, miễn một số loại phí chứ chưa có miễn giảm thuế phí".
Ông Cung cũng nhấn mạnh: "Cần phải phân định rõ vai trò Chính phủ là cơ quan quản lý, và vai trò Chính phủ là chủ sở hữu. Và Vietnam Airlines là ví dụ cho vai trò của Chính phủ là chủ sở hữu. Bên cạnh đó, hàng không là lĩnh vực bị tác động mạnh nhất, nhưng lại là lĩnh vực đầu tiên được phục hồi một khi tình hình Covid-19 được kiểm soát. Đặc biệt, Vietnam Airlines vẫn là hãng hàng không quốc gia có đầy đủ năng lực để phải duy trì".
TS. Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) cho rằng, việc các nước Đức, Pháp, Mỹ... ban hành các gói hỗ trợ cho hàng không, nói đúng nghĩa là hỗ trợ thanh khoản cho các hãng bay vì có khả năng hồi phục cao. Vậy nên, đối với trường hợp của Vietnam Airlines không xem là giải cứu mà là hỗ trợ thanh khoản, đồng thời chủ sở hữu nhà nước phải có trách nhiệm đối với khoản đầu tư của doanh nghiệp đang bị tổn thất nặng nề do bất khả kháng.
Bên cạnh việc hỗ trợ mất thanh khoản trong ngắn hạn mà Vietnam Airlines là điển hình, các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp dài hạn, gắn với tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, có lộ trình thanh toán các khoản hỗ trợ từ cổ đông nhà nước.
Sau Viettnam Airlines, các chuyên gia cũng tiếp tục kiến nghị Thủ tướng chính sách hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp khác cũng chịu tổn thất do Covid-19 như điện lực, dầu khí...
Với vai trò là cổ đông đang nắm giữ hơn 86% vốn điều lệ, việc hỗ trợ Vietnam Airlines vượt qua khó khăn cũng chính là cách chủ sở hữu nhà nước bảo vệ khoản đầu tư của mình. |