Lê Minh Sơn và giấc mơ nhạc sĩ phải sống được bằng tác quyền

Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 00:00, 22/07/2020

Với khát vọng giúp nhạc sĩ sống được bằng nghề, sống được bằng tác quyền âm nhạc, nhạc sĩ Lê Minh Sơn đang phối hợp với cộng sự xây dựng hệ thống kỹ thuật quản lý tác phẩm của các nhạc sĩ đang bị khai thác, sử dụng "chùa" trên mạng.

Bảo vệ sự sáng tạo

Le-Minh-So-n-9586-1595405506.jpg

* Thưa nhạc sĩ, tôi được biết anh cùng với cộng sự mới thành lập một công ty chuyên về lĩnh vực bản quyền âm nhạc trực tuyến. Anh có thể cho biết, tại sao anh lại khởi nghiệp ở lĩnh vực khá mới mẻ đối với một nghệ sĩ, là kinh doanh lĩnh vực bản quyền âm nhạc trực tuyến? 

- Việc tôi thành lập công ty chuyên về bản quyền âm nhạc trực tuyến xuất phát từ khát vọng chung của những người làm nghề sáng tạo là các nhạc sĩ. Tôi muốn các tác phẩm âm nhạc phải được minh bạch khi sử dụng. Một đất nước thật sự văn minh và phát triển, với một xã hội văn minh, phải bảo vệ được chất xám, cũng như sự sáng tạo của con người. 

Ở Mỹ, Luật bản quyền đã có vào năm 1937; họ làm rất là chặt về vấn đề bản quyền, đặc biệt là bản quyền trên môi trường Internet. Mới đây, qua báo chí tôi biết có trường hợp một cậu sinh viên chỉ gửi một đường link bài hát mà cậu ấy thích cho bạn thôi, mà an ninh mạng bắt được, cậu sinh viên đó bị phạt tới 60.000 USD.

Ở nước ngoài, họ quy đó là tội ăn cắp, họ coi sự sáng tạo của con người là tài sản, nên sự sáng tạo được bảo vệ rất chặt. Nhạc sĩ ở nước ngoài họ sống hoàn toàn bằng thu nhập từ tác phẩm, hoàn toàn là sống bằng tác quyền. Còn ca sĩ sống bằng nguồn thu từ băng đĩa và những show diễn.

Trở lại câu chuyện ở Việt Nam, đất nước mình rất ít các hãng âm nhạc quốc tế họ vào, rất ít ca sĩ nổi tiếng đến Việt Nam. Bởi vì chúng ta không bảo vệ được bản quyền về hình ảnh, bản quyền về show diễn, bản quyền về tác giả. 

am-nhac-truc-tuyen-1-4909-1595383412.jpg

Sự bùng nổ của âm nhạc trực tuyến đòi hỏi phải có giải pháp thông minh để quản lý bản quyền âm nhạc trên mạng

Khi tham gia ký kết các hợp đồng biểu diễn với nước ngoài, quy định đầu tiên mà họ đưa ra là phải bảo vệ được tác quyền, bảo vệ được quyền tác giả. 

Ví dụ, Madonna hay những nghệ sĩ nổi tiếng của thế giới, họ sang Singapore, Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc biễu diễn vì các nước đó có thể bảo vệ được bản quyền, bảo vệ được sự sáng tạo về bản quyền hình ảnh... Còn ở Việt Nam, vấn đề vi phạm bản quyền âm nhạc đang diễn ra tràn lan, không thể kiểm soát được.

* Ở góc độ là nhạc sĩ, anh thấy việc bảo vệ bản quyền các tác phẩm âm nhạc ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra như thế nào?

- Ở Việt Nam, từ khá lâu đã có Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc do nhạc sĩ Phó Đức Phương cùng các nhạc sĩ khác sáng lập. Trung tâm này cũng đã hỗ trợ các nhạc sĩ trong việc bảo vệ bản quyền tác phẩm âm nhạc. Tuy nhiên, Trung tâm hiện mới chỉ làm được một phần rất nhỏ so với sự kỳ vọng của các nhạc sĩ. Đặc biệt là vấn đề quản lý bản quyền âm nhạc trên mạng thì Trung tâm chưa có đủ công cụ và giải pháp kỹ thuật, cũng như nhân sự để quản lý.

Trên thực tế, có hàng triệu bài hát của các nhạc sĩ Việt đang trôi nổi, lang thang trên mạng. Ví dụ, như những tác phẩm của Lê Minh Sơn, tôi thống kê có tới hơn 200 bài hát của Lê Minh Sơn đang bị những người mà tôi không quen biết sử dụng trên mạng. Có những người đã tự gom các bài hát của tôi vào kho riêng của họ, để họ kinh doanh, họ khai thác quảng cáo trên bài hát của tôi. 

Mà không riêng gì tôi, rất nhiều nhạc sĩ khác đều bị tình trạng như vậy. Người ta cứ tự nhiên sử dụng những bài hát của mình, không hề xin phép, chứ chưa nói là trả tiền tác quyền. Thế là tự nhiên nhạc sĩ đi viết các tác phẩm để cho ông khác hưởng hết, từ khán giả, doanh thu quảng cáo cho đến khai thác rất nhiều lợi ích kinh tế trên những bài hát đó.

"Đánh dấu" tác phẩm trên môi trường số

* Với việc cho ra đời một công ty về bản quyền âm nhạc trực tuyến, anh sẽ giúp các nhạc sĩ quản lý các sáng tác của mình như thế nào?

- Đến một thời gian, khi tìm kiếm lại các bài hát của hàng ngàn nhạc sĩ Việt Nam đang được sử dụng một cách tự do, tôi mới nhận ra: À, chúng ta cần phải làm gì để anh em nhạc sĩ được tôn trọng? Dùng giải pháp nào, đường đi nước bước như thế nào tôi đã suy nghĩ từ rất lâu. Trước hết, tôi muốn những tác phẩm của anh em nhạc sĩ phải được tôn trọng cái đã.

nhac-si-le-minh-son1-8081-1595383413.jpg

Khát vọng của Lê Minh Sơn là những người nhạc sĩ phải sống được bằng tác phẩm của mình, đơn vị sử dụng phải trả quyền tác quyền.

Điều đầu tiên khi tôi lập ra Công ty về Bản quyền âm nhạc trực tuyến là tôi phải kết hợp với những người bạn để bảo vệ được chất xám của anh em nghệ sĩ; đấy là tiêu chí đầu tiên. Tiêu chí thứ hai là sự minh bạch.

Tất cả những ai khai thác, sử dụng các tác phẩm âm nhạc thì bản thân nhạc sĩ, hay đơn vị được nhạc sĩ ủy quyền phải biết được. Ai, ở đâu, đang làm gì với tác phẩm của mình? Làm sao mà mỗi nhạc sĩ có một mã số riêng, một kho nhạc riêng. 

Ví dụ, mã số của Lê Minh Sơn là 002; tôi chỉ cần click vào thì có thể biết được tất cả bài hát của tôi đang vang lên ở đâu, ai là người nghe, ai là người sử dụng.

Có minh bạch được như thế, thì người sử dụng âm nhạc mới chi trả tiền sử dụng tác phẩm cho nhạc sĩ. Minh bạch ở chỗ khi có người dùng tác phẩm thì số tiền mà họ trả ấy sẽ được hiển thị ngay lập tức trên tài khoản của nhạc sĩ. 

Tất cả những giải pháp quản lý âm nhạc trực tuyến này, tôi đã suy nghĩ, đã mơ tới từ rất lâu. Lúc đầu, tôi tưởng là mơ ước thôi, nhưng khi tôi gặp một người rất giỏi công nghệ, anh ấy khẳng định với tôi rằng việc này sẽ làm được. Và, âm thầm từ 2 năm nay tôi vẫn đang cùng anh ấy xây dựng một hệ thống kỹ thuật để quản lý tất cả tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam như vậy. Hệ thống này liên quan rất nhiều đến công nghệ và hiện nay đang gần đến bước cuối cùng.  

Tôi mong rằng, khi hệ thống quản lý bản quyền tác phẩm âm nhạc chính thức vận hành, thì giấc mơ của tôi sẽ thành hiện thực.

* Hiện nay, việc vận hành công ty của anh và hệ thống bảo vệ bản quyền âm nhạc trên môi trường số có thuận lợi và khó khăn như thế nào?

- Riêng về phần bảo mật của hệ thống được phát triển hoàn toàn bởi trí tuệ Việt Nam. Trong đó, có 50% đang làm việc tại nước ngoài, và hiện giải pháp này cũng đã đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ bản quyền. Còn ở Việt Nam, đội ngũ kỹ sư cũng đang triển khai và đầu tư một hệ thống máy móc để kiểm soát bản quyền. Tôi chỉ đứng trong công ty với góc độ người thủ lĩnh tinh thần, để làm thế nào mang lại quyền lợi nhiều nhất, minh bạch nhất cho anh em làm nghề sáng tạo.

Khát vọng của Lê Minh Sơn là nhạc sĩ phải sống được bằng tác phẩm của mình, đơn vị sử dụng phải trả quyền tác quyền. Bởi vì âm nhạc là mồ hôi, nước mắt, là máu, là sự trải nghiệm, sự trả giá để có thể viết ra được một vài bài hát. Điều tôi trăn trở lâu nay là tại sao nhạc sĩ Việt Nam lại không sống được bằng nghề. Trong khi đó, ở nước ngoài nhạc sĩ chỉ cần một vài bài thôi là họ đã sống rất vương giả rồi. 

* Xin cảm ơn anh về những chia sẻ rất cởi mở!

Minh Quyên