Sau 'dư chấn' Covid-19, kinh tế Việt Nam tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây

Trong nước - Ngày đăng : 04:00, 23/07/2020

Dù các hoạt động kinh tế trong nước vẫn diễn biến hết sức khả quan, song nền kinh tế có thể sẽ bị tác động bởi nhiều thách thức đến từ môi trường bên ngoài, ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Theo đó, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2020 - mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây, do nhu cầu của thị trường thế giới suy yếu. Nhận định này đến từ Báo cáo Nghiên cứu toàn cầu Quý II mang tên The aftershock (tạm dịch: Dư chấn) vừa được ngân hàng Standard Chartered công bố. 

Như vậy, nếu so với triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam cũng do Standard Chartered công bố vào tháng 4/2020, con số 3% nói trên đã giảm 0,3%. Dù các hoạt động kinh tế trong nước vẫn diễn biến hết sức khả quan, song nền kinh tế sẽ bị tác động bởi nhiều thách thức đến từ môi trường bên ngoài, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Kinh tế châu Á không thể tăng trưởng một khi cả thế giới vẫn còn đang chật vật với Covid-19, do khu vực này phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Kinh tế châu Á không thể tăng trưởng một khi cả thế giới vẫn còn đang chật vật với Covid-19, do khu vực này phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhu cầu thế giới giảm gây ảnh hưởng tăng trưởng

Cần biết rằng, Việt Nam hiện đã hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu, nhờ lĩnh vực sản xuất phát triển mạnh mẽ, trong khi tỷ lệ giao dịch thương mại so với GDP thuộc nhóm cao nhất tại châu Á - yếu tố cho thấy Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của thế giới. Thế nên, khi Mỹ, các nước thuộc khu vực đồng EUR, cùng nhóm kinh tế G10 rơi vào suy thoái do đại dịch Covid-19, kéo theo nhu cầu trên thế giới sụt giảm, thì ảnh hưởng gây ra đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay là chắc chắn.

Trong bức tranh rộng hơn, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chuyên gia kinh tế Chang Yong Rhee cho rằng, "kinh tế châu Á không thể tăng trưởng một khi cả thế giới vẫn còn đang chật vật với Covid-19, do khu vực này phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu".

Link bài viết

Dù vậy, cần biết rằng, mức tăng trưởng 3% trong năm nay của Việt Nam đã là một tín hiệu khả quan, khi tăng trưởng bình quân của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tại châu Á được IMF dự báo là -0,8%. 

Trong khi đó, mức tăng trưởng bình quân của nhóm ASEAN-5 (năm nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á) vào năm 2020 được dự báo là -2.0%.

Đồng thời, theo các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trong quý II/2020, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tăng trưởng kinh tế dương trên thế giới (đạt 0,36%), trong khi CPI bình quân giảm do giá xăng dầu trong nước giảm mạnh.

Phục hồi trong nửa cuối năm

Theo ông Chidu Narayanan - chuyên gia kinh tế khu vực châu Á thuộc Standard Chartered, tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2020, với động lực chính đến từ sức khỏe nội tại của nền kinh tế; song các thách thức từ nền kinh tế thế giới sẽ phần nào làm suy giảm tốc độ tăng trưởng.

"Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN về sự phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu, chỉ sau Singapore; tỷ lệ giao dịch thương mại so với GDP của Việt Nam ở mức 198%, nằm trong nhóm cao nhất châu Á. Trong đó, xuất khẩu hàng điện tử chiếm tỷ trọng lớn. Chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ đạt 3%. Các công cụ tiền tệ và tài khóa tiếp tục được thực hiện trong nửa cuối năm có thể sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng tiến gần hơn tới mục tiêu 4-5% do Chính phủ đặt ra", ông Narayanan nói.

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô mới nhất, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ sẽ tiếp tục phục hồi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong nửa cuối năm. Tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất dự kiến sẽ đạt khoảng 1,5% trong năm 2020 và có mức đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung giảm 1,8 điểm phần trăm. Mức đóng góp vào tốc độ tăng GDP của lĩnh vực dịch vụ dự kiến giảm xuống 0,5 điểm phần trăm từ 2,8 điểm phần trăm của năm 2019.

Hai kịch bản tăng trưởng

Trong khi đó, theo dự báo từ VEPR, khả năng cao nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8% cho cả năm 2020. Ở một khả năng thấp hơn, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 2,2%. Cần lưu ý rằng, sự khác nhau của cả hai kịch bản này đều dựa trên diễn biến của Covid-19 tại các quốc gia trên thế giới và những biện pháp phong toả kéo theo để dập dịch. 

Link bài viết

Cụ thể, với kịch bản cơ sở (khả năng cao), Covid-19 sẽ không tái phát tại Việt Nam trong nửa còn lại của năm, và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường.

Tuy nhiên, tại nhiều trung tâm kinh tế-tài chính quan trọng của thế giới, Covid-19 được cho là có khả năng tái bùng phát hoặc diễn biến dịch khiến các nước chưa đủ tự tin, phải kéo dài thời gian phong tỏa sang nửa sau quý III/2020, gây ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam và nhu cầu du lịch, lưu trú tại Việt Nam.

Theo đó, mức độ tác động của Covid-19 lên các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, sản xuất chế biến, chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ nghiêm trọng hơn, khiến tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 3,8%.

khả năng cao nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8% trong cho cả năm 2020. Ở một khả năng thấp hơn, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 2,2%

Khả năng cao nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8% cho cả năm 2020. Ở một khả năng thấp hơn, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 2,2%.

Còn với kịch bản bất lợi (khả năng thấp), Covid-19 tại Việt Nam sẽ được khống chế hoàn toàn trong thời gian còn lại của năm, và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường.

Dù vậy, nếu dịch bệnh ở các trung tâm kinh tế-tài chính quan trọng trên thế giới tái bùng phát mạnh, và các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang quý IV/2020, thì sẽ gây ảnh hưởng nặng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và không có khả năng hồi phục trong năm 2020, kéo theo sản xuất trong nước tăng trưởng yếu và các ngành khai khoáng phục vụ công nghiệp có khả năng thu hẹp.

Đồng thời, dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng không có động lực hồi phục do thiếu du khách nước ngoài, trong khi nhu cầu nội địa với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế, do tình hình kinh tế kém khả quan, ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2,2%

Có tính toán gần giống với VEPR, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng dự báo, khả năng tăng trưởng của Việt Nam ở mức cơ sở 3% là khả thi nhất. Còn kịch bản tích cực nhất theo tính toán là khoảng 4%, nhưng rất khó xảy ra.

Khởi Vũ