Đừng nhầm tưởng bệnh văn phòng

Sống khỏe - Ngày đăng : 01:00, 25/07/2020

Viêm cột sống dính khớp (VCSDK) là bệnh lý viêm mạn tính kéo dài với biểu hiện đặc trưng là tình trạng đau và cứng cột sống, theo thời gian gây dính khớp, làm cột sống mất khả năng di động và gây các tư thế bất thường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Tuy nhiên, nhiều người khi mắc bệnh thường nhầm tưởng đây là bệnh văn phòng.
Đừng nhầm tưởng bệnh văn phòng

Anh N.T.T.P. (32 tuổi, ngụ tại Bình Dương) là nhân viên văn phòng, anh P. thường phải ngồi làm việc nhiều tiếng liên tục trong ngày. Cách đây một năm anh thường bị đau lưng kèm đau vai gáy, cổ vào ban đêm. Vì nghĩ đây là “bệnh nghề nghiệp” do ngồi làm việc nhiều vào ban ngày, anh chủ quan không đi khám mà tự điều trị bằng thuốc giảm đau. Gần đây, các cơn đau trở nên thường xuyên và nặng nề hơn kèm theo tình trạng cứng cột sống khiến anh xoay trở khó khăn. Sau khi khám và chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm máu, các bác sĩ cho biết anh P. bị VCSDK, chỉ định điều trị bằng thuốc để làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng. Sau 3 tháng điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid, người bệnh giảm đau ít mặc dù trước đó có đáp ứng tốt với thuốc. Sau đó, anh P. được hướng dẫn sử dụng thuốc mới thuộc nhóm thuốc sinh học để điều trị thì triệu chứng đau giảm rõ rệt, cột sống bớt cứng, cải thiện độ dẻo dai và khả năng vận động.

Theo TS-BS. Cao Thanh Ngọc - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp BV Đại học Y Dược TP.HCM, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn gấp 2-3 lần so với nữ giới. Bệnh VCSDK nếu không được điều trị sớm và đúng cách sẽ tiến triển đến viêm, dính các khớp cột sống và khớp ngoại biên, gây gù vẹo, mất chức năng và tàn phế. Ngoài ra, người bệnh có thể bị khó thở sâu nếu bị dính các đốt sống ngực gây gù vẹo và giảm chức năng hô hấp. 

Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ việc người bệnh không nhận biết sớm các dấu hiệu, dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị trễ. Hiện chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra VCSDK, tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy bệnh có yếu tố di truyền. Người mang gen HLA-B27 thường có nguy cơ cao bị VCSDK, tuy nhiên tỷ lệ người mang gen này không nhiều trong cộng đồng. 

Theo BS. Cao Thanh Ngọc, đối với bệnh VCSDK, người bệnh cần được chẩn đoán sớm để kịp thời can thiệp ở giai đoạn “vàng” khi các khớp chưa bị tổn thương. Điều trị sớm làm giảm các triệu chứng đau, giúp kiểm soát bệnh, các đốt sống và các khớp không bị dính lại nên sẽ hạn chế nguy cơ tàn phế cho người bệnh. Trên thực tế đã có không ít người bệnh nhập viện trong tình trạng bệnh tiến triển nặng do nhầm lẫn triệu chứng đau lưng trong VCSDK với các bệnh lý đau lưng thông thường khác như đau do căng cơ, đau do thoái hóa cột sống... khiến bệnh tiến triển nặng và gây khó khăn cho quá trình điều trị.

Các triệu chứng thường gặp của VCSDK bao gồm đau cứng vùng hông, lưng dưới, có thể kèm theo đau cổ. Đau nhiều hơn lúc nghỉ, đau về đêm đặc biệt vào nửa đêm về sáng  hoặc khi mới thức dậy. Tình trạng đau không cải thiện khi nghỉ ngơi mà cải thiện khi vận động. Một số trường hợp không biểu hiện đau lưng mà biểu hiện sưng các khớp ngoại vi như khớp gối, khớp cổ chân... Ngoài triệu chứng trên các vùng xương khớp, bệnh còn biểu hiện ở mắt như mắt bị mờ, thường đỏ và đau nặng, nhạy cảm với ánh sáng, giảm thị lực được chẩn đoán viêm màng bồ đào hoặc các trường hợp rối loạn tiêu hóa được chẩn đoán bệnh lý ruột viêm cũng cần tầm soát VCSDK.

BS. Ngọc cho biết, nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, VCSDK sẽ tiến triển nặng dần, các đốt sống bị dính lại như thân tre làm mất khả năng vận động, gây gù vẹo cột sống, ảnh hưởng đến công việc hằng ngày và thậm chí có thể dẫn tới tàn phế, khó hòa nhập xã hội, trở thành gánh nặng cho chính bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Do đó, người dân nên trang bị các kiến thức nhận biết sớm tình trạng đau lưng kiểu viêm trong bệnh VCSDK, khám đúng chuyên khoa nội cơ xương khớp để chẩn đoán và điều trị sớm nhằm đạt hiệu quả tối ưu.

Hoài Anh