Rủi ro nợ sẽ phá hủy các nền kinh tế
Bình luận - Ngày đăng : 02:09, 28/07/2020
![]() |
Nợ tăng khủng
Để triển khai các chính sách hỗ trợ chống dịch Covid-19 và ngăn chặn nền kinh tế rơi vào suy thoái, các ngân hàng trung ương và chính phủ trên thế giới đã phân bổ ít nhất 15.000 tỷ USD cho các gói kích cầu, thông qua biện pháp mua trái phiếu và tăng chi tiêu ngân sách công. Hệ quả là nợ tại nhiều quốc gia, vốn đang phải vật lộn với hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, ngày càng chồng chất thêm.
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ước tính, tổng nợ toàn cầu đã tăng thêm 87.000 tỷ USD kể từ năm 2007, trong đó các chính phủ nợ 70.000 tỷ USD, chiếm tỷ lệ lớn trong phần tăng đó. IIF cũng dự báo tỷ lệ nợ toàn cầu trên GDP sẽ tăng 20 điểm phần trăm trong năm 2020, lên 342%, dựa trên ước tính 3% quy mô kinh tế bị thu hẹp và tăng gấp đôi số tiền vay của chính phủ tính từ năm 2019. Nợ gia tăng đi kèm với thâm hụt ngân sách đang khiến dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ của nhiều nước ngày càng bị thu hẹp.
Đơn cử như tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, các khoản thanh toán cứu trợ của Chính phủ Mỹ nhằm giúp doanh nghiệp và hộ gia đình vượt qua tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến thâm hụt ngân sách tăng đột biến trong tháng 6, lên mức 864 tỷ USD, cao hơn 100 lần so với 8 tỷ USD ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái. Mức thâm hụt này cũng đã vượt qua con số kỷ lục trước đó là 233 tỷ được thiết lập vào tháng 2/2009, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
![]() |
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) trong hội nghị mấy ngày vừa qua tại Brussels để thảo luận về kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19, vẫn đang tranh cãi về gói cứu trợ cho nền kinh tế, khi nỗi lo thâm hụt ngân sách gia tăng. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel đã đưa ra đề xuất về kế hoạch phục hồi trị giá 750 tỷ euro trong bối cảnh có nhiều quan ngại rằng hội nghị sẽ đổ vỡ mà không đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, nhóm các nước Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Phần Lan, hiện chỉ sẵn sàng chấp nhận khoản hỗ trợ tối đa là 350 tỷ euro.
Theo khảo sát mới đây của hãng tin Reuters, các công ty trên thế giới sẽ ghi nhận thêm 1.000 tỷ USD nợ trong năm 2020, khi họ cố gắng tăng cường khả năng tài chính để chống lại tác động từ đại dịch. Sự gia tăng chưa từng có ấy sẽ đưa tổng nợ doanh nghiệp toàn cầu tích lũy qua các năm lên con số 9.300 tỷ USD, khiến các công ty nợ nhiều nhất thế giới có số nợ tương đương tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia có quy mô nền kinh tế ở mức trung bình.
Hậu quả nặng nề
Theo các chuyên gia kinh tế, nợ do các chính sách kích cầu quá mức sẽ phá hủy các nền kinh tế, trong đó chịu tổn thương nhiều nhất là các quốc gia có mức nợ cao nhất. Đối với những nước nghèo, nguy cơ vỡ nợ là cận kề khi đã phải chịu căng thẳng từ gánh nặng nợ ngay cả trước khi có dịch Covid-19.
The Economist cũng sớm có dự báo 5 rủi ro hàng đầu đối với kinh tế toàn cầu năm 2020, trong đó có rủi ro nợ các quốc gia, đặc biệt là gánh nặng nợ trên các thị trường mới nổi. Theo đó, các nền kinh tế dễ bị tổn thương vừa ổn định được giá trị đồng tiền như Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina có thể lại nhanh chóng rơi vào khủng hoảng, và các cuộc khủng hoảng mới có thể xuất hiện, đặc biệt ở các nước trông chờ sự hỗ trợ song phương từ Trung Quốc hoặc các cường quốc khu vực.
Trong khi đó, việc USD tăng giá càng làm tăng gánh nặng nợ cho các chính phủ đang vay mượn bằng USD, cũng như gây rủi ro vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tại các quốc gia. Chính phủ Argentina hồi tháng 4 đã chính thức tuyên bố vỡ nợ, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khi đề nghị tái cơ cấu nợ bị từ chối.
Những ý kiến phân tích chỉ ra rằng tình hình nợ của các thị trường mới nổi rất đáng lo ngại, tình hình dịch bệnh có thể gây nên cuộc khủng hoảng nợ của các nước này. Các thị trường mới nổi phụ thuộc vào thương mại quốc tế, dịch bệnh lần này đã gây ra sự sụt giảm mạnh về nhu cầu toàn cầu, dẫn đến sự xấu đi của tài khoản các thị trường mới nổi, từ đó giảm thu nhập quốc gia, trực tiếp làm cho nợ nần càng tăng.
![]() |
Nợ của các quốc gia ngày càng tăng |
Một nghiên cứu hồi tháng 3 của Hãng Soochow dựa trên các chỉ tiêu kinh tế như tỷ giá, chỉ số chứng khoán, tỷ lệ nợ quốc gia, số người bị lây bệnh và các chỉ số phòng ngừa rủi ro như số dư tài khoản hiện tại, tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP, chỉ số thặng dư tài chính, tỷ lệ bao phủ dự trữ ngoại hối, đã kết luận, ngoài Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil có nguy cơ cao nhất, tiếp theo là Ý và Hy Lạp trong khu vực đồng euro, tại các nước châu Á có Indonesia.
Tuy nhiên, ngay cả các quốc gia giàu có nhất như Đức và Mỹ cũng không thoát khỏi bị ảnh hưởng nợ gia tăng, có thể làm mất mức xếp hạng tín nhiệm vàng AAA. Và nỗi lo trong dài hạn đó là ai sẽ là người trả những khoản nợ đó.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) hồi đầu năm nay cũng chỉ ra bốn giai đoạn tích lũy nợ trong 50 năm qua. Ba giai đoạn tích lũy nợ toàn cầu đầu tiên được xác định là bắt đầu từ 1970-1989, 1990-2001 và 2002-2009. Tuy nhiên giai đoạn hiện tại - bắt đầu từ năm 2010 - được cho là có "mức tăng lớn nhất, nhanh nhất và rộng nhất" trong vay mượn toàn cầu kể từ những năm 1970. Đáng lưu ý là ba giai đoạn tích lũy nợ trên diện rộng trước đó đều kết thúc với khủng hoảng tài chính ở nhiều nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.