Bảo lãnh tín dụng: Giúp doanh nghiệp thoát "chới với"

Trong nước - Ngày đăng : 03:26, 28/07/2020

Việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) trong lúc này chỉ có ý nghĩa với những DN còn duy trì được doanh thu, với DN suy yếu tài chính, quỹ bảo lãnh tín dụng là cách duy nhất giúp phục hồi sản xuất, kinh doanh", chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Tại Nghị quyết số116/2020/QH14, Quốc hội quyết nghị giảm 30% thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN có tổng thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng, theo ông Hiếu, quy định DN có tổng thu 200 tỷ đồng là mức thấp, nếu tăng lên 400 tỷ đồng sẽ có nhiều DN được hỗ trợ hơn. Dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế và DN, khó khăn ngày càng thấm sâu hơn, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu do đơn hàng ngày càng ít đi.

Hơn 90% DN bị tác động bởi đại dịch đều được hưởng chế độ này, nhưng cần có những tiêu chí cụ thể. Ví dụ, DN có doanh thu giảm ít nhất 30% mới được giảm thuế, còn những DN doanh thu không bị dịch bệnh tác động thì không được giảm thuế.

Ông Hiếu cũng cho rằng, số DN ngừng hoạt động, phá sản đang tăng từng tháng. Do đó, việc giảm thuế chỉ có ý nghĩa với những DN làm ăn có lãi và không nhiều ý nghĩa với những DN không có doanh thu.

bai-phu-2-5320-1595908613.jpg

Hiện nay, DN cần hỗ trợ để phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng nếu chỉ dừng lại ở giảm thuế thì không đủ. Nhiều DN trong diện được hưởng ưu đãi thuế nhưng vấn đề hiện nay là sự sống còn, mà điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào tính thanh khoản, tức là khả năng chi trả lương cho người lao động, tiền thuê mặt bằng, tiền nguyên liệu đầu vào, trả nợ ngân hàng, nộp thuế và các chi phí khác. Thành ra, ngoài chính sách giảm thuế, rất cần có thêm các chính sách khác để hỗ trợ DN duy trì sản xuất, kinh doanh.

Đề xuất việc hỗ trợ tài chính cho DN, ông Hiếu cho rằng, phương cách duy nhất trong lúc này là Chính phủ cần sớm bơm tiền cho DN thông qua cơ chế bảo lãnh tín dụng thay vì trông chờ hệ thống ngân hàng thương mại. Hiện Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng không cho vay dưới chuẩn nếu không có bảo lãnh tín dụng.

Một điểm cần lưu ý, cơ chế bảo lãnh tín dụng hiện nay đang phụ thuộc vào Nghị định 34 của Chính phủ ban hành năm 2018, thực hiện rất èo uột do được thiết kế là các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương. Thay đổi điều này, Chính phủ cần tái cơ cấu lại quỹ bảo lãnh tín dụng trung ương để hỗ trợ tiền cho DN. Theo ông Hiếu, đây là cách hỗ trợ duy nhất đối với số đông DN có tài chính suy yếu, còn với DN đang cầm cự được vẫn vay được vốn của các ngân hàng thương mại do có khả năng trả nợ.

Nhìn lại các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, ông Hiếu cũng cho rằng, chính sách này chưa thật sát thực với thực trạng của DN. Ông phân tích: "Mỹ và Liên minh châu Âu - những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam đang bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Hãy hình dung, những DN xuất khẩu giày dép bị hủy đơn hàng, sản phẩm tồn kho lớn, bán nội địa thì nhu cầu giới hạn, trong khi đó, bốn gói hỗ trợ 180.000 tỷ, 130.000 tỷ, 62.000 tỷ và 18.000 tỷ đồng không gói nào có thể dùng để cứu họ thoát ra tình trạng "chới với" hiện nay".

DN đang trong cơn khát vốn, cần tiền để trang trải chi phí hoạt động. Một DN, nếu từ 3-6 tháng mà không được tiếp nguồn tiền sẽ phá sản. Chính phủ cần nhìn nhận vấn đề bơm tiền cho DN, nhất là DN nhỏ trong giai đoạn này là đặc biệt cần thiết. DN đang yếu dần, nếu không được hỗ trợ về tài chính thì từ nay đến cuối năm ngừng hoạt động và phá sản sẽ tiếp tục tăng, tình trạng này có thể làm nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu.

Song Anh