"Mở toang" cánh cửa EVFTA

Cơ hội & Thách thức - Ngày đăng : 04:21, 31/07/2020

Ngày mai 1/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược về thương mại, đầu tư, hướng tới sự phát triển bền vững giữa Việt Nam và EU.

Thu hút làn sóng đầu tư mới

Việt Nam và EU thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1999, gần 30 năm qua, quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU đã không ngừng phát triển. Trong 18 năm trở lại đây, giá trị thương mại hai chiều đã tăng hơn 13 lần, từ khoảng 4,1 tỷ USD vào năm 2000 lên 56,45 tỷ USD vào năm 2019. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt gần 41,5 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 14,9 tỷ USD.

Chia sẻ tại diễn đàn trực tuyến “Hợp tác thương mại và công nghiệp với đối tác Liên minh châu Âu” với chủ đề “EVFTA - Cơ hội hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững” được tổ chức sáng ngày 31/7/2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, việc EVFTA đi vào thực thi trong bối cảnh dịch bệnh và biến động thị trường phức tạp, khó lường được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn, tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, đồng thời thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư đi vào chiều sâu, hướng tới phát triển bền vững trong thời gian tới. 

Bộ Công Thương cùng với hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại EU sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) hai bên khai thác tối đa lợi thế từ EVFTA, tích cực triển khai chương trình hành động thực thi EVFTA, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư. Bộ Công Thương cũng sẽ tích cực hỗ trợ DN giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường, khuyến khích những DN có thực lực kết nối đối tác với DN châu Âu.

Trước xu hướng đa dạng hóa nguồn cung và dịch chuyển dòng vốn đầu tư hiện nay, cùng với những lợi thế từ các FTA, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh, mở đường cho việc thiết lập chuỗi cung ứng mới với EU, thu hút làn sóng đầu tư chất lượng cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

FTA-2-3594-1596171794.jpg

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng EVFTA sẽ tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế 

Cùng nhận định này, đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, EVFTA đi vào thực thi là cơ hội lớn cho Việt Nam. Hiệp định này được kỳ vọng mở ra thời kỳ mới trong quan hệ kinh tế giữa hai bên, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang cố gắng vượt qua những tác động từ đại dịch Covid-19. Điều này sẽ tạo ra động lực lớn hơn nữa cho các DN châu Âu đầu tư vào một thị trường an toàn và có nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Đây được xem là nền tảng để mở ra làn sóng thương mại và đầu tư mới.

Phó chủ tịch EuroCham Jean-Jacques Bouflet cho biết, các DN châu Âu có những đánh giá tích cực về tiềm năng cũng như môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam. “Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công trên thế giới về ứng phó với đại dịch, cho thấy việc xử lý hiệu quả và chắc chắn của Chính phủ đã có tác động rõ rệt và củng cố thêm niềm tin của các DN châu Âu trong quá trình đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. EuroCham khẳng định cam kết hợp tác lâu dài để xây dựng cộng đồng DN hai bên cùng phát triển thành công trong thời gian tới, đồng thời tiếp tục quảng bá Việt Nam trở thành điểm đến cởi mở, cạnh tranh đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Jean-Jacques Bouflet nhấn mạnh.

Làm gì để"mở toang" cánh cửa EVFTA?

Dù nhiều lợi thế nhưng cũng có không ít khó khăn mà DN phải đối mặt để tận dụng hiệu quả các ưu đãi của Hiệp định EVFTA, xúc tiến xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị phần tại khu vực. Thực tế cho thấy, EU là một thị trường khó tính với những quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đòi hỏi đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, phát triển bền vững đối với hàng hóa nhập khẩu. 

“Phải nhìn nhận rằng EVFTA không thể hoàn toàn là cứu cánh, những ưu đãi từ Hiệp định được xem là yếu tố hỗ trợ, tiên quyết vẫn phải là nội lực DN và quyết tâm đổi mới chính mình. Hơn lúc nào hết, các DN cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại, cải thiện khả năng tham gia thương mại quốc tế để nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, chinh phục thành công thị trường EU, tiến sâu vào chuỗi giá trị quốc tế”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

FTA-4529-1596171794.jpg

Phó đại sứ, Tham tán thương mại Đức Weert Borner cho rằng Việt Nam và EU đã có nền tảng phát triển thương mại đầu tư rất tốt, là nền tảng quan trọng để cộng đồng DN hai bên cùng hiện thực hóa các cơ hội mà EVFTA mang lại

Chia sẻ về vấn đề này, Phó đại sứ, Tham tán thương mại Đức tại Việt Nam Weert Borner cho rằng, triển khai EVFTA là câu chuyện dài và phức tạp cũng như quá trình đàm phán. Bối cảnh dịch bệnh hiện nay đã làm cho tình hình khởi động EVFTA khó khăn hơn. Tuy nhiên, Việt Nam và EU đã có nền tảng phát triển thương mại đầu tư rất tốt sẽ là nền tảng quan trọng để cộng đồng DN hai bên cùng hiện thực hóa các cơ hội mà EVFTA mang lại. “EVFTA không chỉ mang lại thương mại và đầu tư mà còn chú trọng chất lượng tăng trưởng bền vững, mở cửa các ngành dịch vụ, tiếp nhận đấu thầu công, cùng nhau áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tốt, sử dụng tài nguyên hiệu quả, áp dụng mạnh hơn xanh hóa nền kinh tế”, ông Weert Borner cho biết.

Những vấn đề mà Việt Nam cần phải làm để có thể tận dụng hết tiềm năng của EVFTA mang lại nhằm “mở toang” cánh cửa vào EVFTA là cải cách hành chính. Bởi theo các chuyên gia nước ngoài, dù Việt Nam đã nỗ lực cắt giảm các thủ tục hành chính và tích cực điều chỉnh các văn bản pháp luật theo hướng hài hòa với thông lệ quốc tế, song trên thực tế quá trình thực thi còn nhiều bất cập. Trong đó, công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất nhập khẩu chưa được thống nhất, nhiều cán bộ chưa hiểu rõ quy tắc xác định xuất xứ khiến DN không nhận được ưu đãi thuế quan. Giải quyết được vấn đề thủ tục hành chính là Việt Nam có thể khai thác được toàn bộ lợi ích của EVFTA và thu thêm nhiều hơn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu.

EU hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) với kim ngạch hai chiều tăng gần 14 lần từ mức chỉ 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019, trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 15 lần từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD.

Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU (sau Singapore) tại ASEAN, đồng thời là quốc gia đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á ký kết thỏa thuận thương mại tự do với EU.

Hồng Nga