Thủ tục hành chính cản trở dòng vốn FDI

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 11/08/2020

Nếu không có một giải pháp đúng để xử lý những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính trong thu hút nguồn vốn FDI, sẽ khó thu hút được nguồn vốn mới, trong đó có dòng vốn chuyển dịch từ Trung Quốc.

Nếu đại dịch Covid-19 được khống chế, nhiều dự báo cho rằng sẽ có một làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Văn phòng Jetro Hà Nội, xác nhận có 15 trong số 30 doanh nghiệp, đăng ký đầu tư sang Việt Nam theo chương trình mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản và ASEAN, không phải dịch chuyển sản xuất khỏi thị trường Trung Quốc.

Chưa có bằng chứng rõ ràng về sự chuyển dịch dòng vốn trên thế giới do tác động kép từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn phức tạp nên việc đi lại của các nhà đầu tư khó khăn cũng như quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án FDI vẫn còn bị ảnh hưởng. Số dự án mới và điều chỉnh vốn đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhất là các dự án đăng ký mới.

bai-2-von-FDI-1-3814-1597047636.jpg

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tháng 7/2020 tăng mạnh so với các tháng trước (chỉ sau tháng 4/2020) và so với cùng kỳ năm 2019. Quy mô dự án đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh tăng thêm cũng như quy mô góp vốn mua cổ phần đều tăng đáng kể, đạt 5,1 triệu USD/dự án mới, 10,7 triệu USD/lượt điều chỉnh vốn và 3,4 triệu USD/lượt góp vốn mua cổ phần - theo số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Dù vậy, ngay cả khi vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn tăng lên, vẫn chủ yếu tăng là nhờ các dự án lớn, đã được nộp hồ sơ và đàm phán trong một thời gian dài trước đó. Nếu không tính các dự án lớn trên tỷ USD thì tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 70,4% so với cùng kỳ năm 2019. Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp có chuỗi giá trị toàn cầu đều phải lo chống dịch Covid-19. Vì thế, đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn lớn chủ yếu đều nằm trên giấy hoặc vẫn ở trong suy tính nên chưa có số lượng cụ thể.

Đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn khiến cho vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm trong 7 tháng đầu năm 2020, chỉ bằng 95,9% so với cùng kỳ năm 2019. TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài cho rằng, nếu không có đóng góp của dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG Bạc Liêu với quy mô 4 tỷ USD hồi quý I/2020, thì số vốn đăng ký cấp mới còn thấp hơn rất nhiều.

Sự sụt giảm này rất đáng lo ngại vì ảnh hưởng của Covid-19 vẫn đang tiếp diễn, trong khi chưa dự báo được chính xác khi nào đại dịch mới chấm dứt trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay, dịch Covid-19 khiến đầu tư và thương mại quốc tế, đặc biệt là xuất nhập khẩu ngừng trệ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nếu Covid-19 còn kéo dài sang đến quý III/2020, chắc chắn việc thu hút vốn đầu tư mới sẽ bị sụt giảm nặng nề nếu không có thêm một số dự án quy mô lớn cỡ một vài tỷ USD, như dự án ở Bạc Liêu.

Link bài viết

Hiện nay, không chỉ có Việt Nam mà các quốc gia cạnh tranh FDI như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan đang áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, nguồn nhân lực giá rẻ để thu hút FDI. Trong khi đó, tại Việt Nam vẫn còn không ít trở ngại trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài, các hạn chế về quản lý nhà nước vẫn tồn tại, sự chậm trễ trong xử lý các thủ tục hành chính do luật pháp, chính sách còn chồng chéo làm chậm quá trình thu hút đầu tư. Ông Troy Griffiths - Phó giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nói rằng: "Các vấn đề liên quan đến giấy tờ đang là trở ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư. Các công ty có thể phải mất hai năm để có được giấy chứng nhận vận hành nhà máy trong khi Trung Quốc chỉ mất 6 tháng".

Thủ tục hành chính trong nhiều năm vẫn là một trong những nút thắt làm giảm khả năng thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam. Ông Nguyễn Đức Mạnh - Công ty Luật TNHH Bizlink nhận được nhiều phản ánh qua các buổi làm việc với khách hàng nước ngoài về việc giải quyết thủ tục hành chính rất chậm, thậm chí nhiêu khê. Nhiều cơ quan sợ trách nhiệm nên công việc kéo dài hằng tháng, có khi gần cả năm. Ông dẫn chứng, một công ty Nhật Bản mất gần một năm cho các thủ tục về dự án, làm doanh nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh và như vậy làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư muốn đầu tư vào Việt Nam.

Môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đang tốt lên, nhưng ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nay vẫn còn tâm lý "ngại thay đổi", sợ rủi ro, sợ sai. Nhiều cán bộ ngại động chạm, ảnh hưởng quan hệ, gây rủi ro cho doanh nghiệp. Hơn bao giờ hết, việc tháo dỡ các thủ tục, quy định vốn là rào cản sẽ giúp doanh nghiệp có động lực để phục hồi sau đại dịch. Ông Tuấn tin rằng, nếu thực hiện quyết liệt việc giảm phiền hà, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính sẽ "mang lại lợi ích lớn hơn nhiều" cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư.

Nguyễn Hoàng