USD liên tiếp lao dốc: Điều gì đang xảy ra?
Bình luận - Ngày đăng : 01:00, 11/08/2020
Giảm mạnh so với các đồng tiền khác
Tính từ giữa tháng 5 đến nay, chỉ số USD Index đo lường sức mạnh của đồng đô la Mỹ đã giảm gần 7,5%, rớt từ vùng trên 100 điểm xuống dưới 93 điểm, đánh dấu mức thấp nhất trong hơn hai năm qua. Còn nếu so với thời điểm đỉnh cao gần 103 điểm vào giữa tháng 3, USD Index đã bốc hơi gần 10% giá trị. Đây cũng là chuỗi giảm điểm mạnh nhất trong gần ba năm qua.
Sự suy yếu của đồng USD có thể thấy rõ qua việc so sánh với các đồng tiền chính khác. Cụ thể, USD đã giảm hơn 11% so với euro trong cùng khoảng thời gian nói trên, giảm hơn 14% so với bảng Anh, mất gần 9% giá trị so với đô la Canada, 8% so với franc Thụy Sĩ, hơn 6% so với yên Nhật và đến 25% so với đô la Úc. Còn nếu so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, vốn cũng đang trong đà suy yếu trước các chính sách phá giá tiền tệ chủ động của Bắc Kinh, cũng như trước thực trạng u ám của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vẫn giảm giá gần 3%, cho thấy nhân dân tệ vốn đã yếu và bị mất giá so với các đồng ngoại tệ khác, nhưng USD thậm chí còn mất giá nhiều hơn.
![]() |
Trước diễn biến suy yếu của đô la Mỹ, nhiều lời cảnh báo lại được đưa ra. Vào cuối tháng 7, Ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo nguy cơ lạm phát leo thang tại Mỹ có thể đe dọa vị thế độc tôn của đồng USD trên thị trường ngoại hối toàn cầu. Hiện tại, đồng USD vẫn chiếm đến 62% dự trữ ngoại hối toàn cầu và khoảng 88% giao dịch thương mại thế giới, theo thống kê từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.
Trước đó, vào ngày 13/7/2020, Ngân hàng Nomura của Nhật Bản trong một bản báo cáo gửi đến khách hàng cũng chung nhận định: "Chúng tôi lo ngại rằng đồng USD sẽ đi theo con dốc giảm dần và suy yếu trong thời gian dài". Có thể thấy các nhà đầu tư đang trở nên ít lạc quan hơn về triển vọng của đồng tiền này, trong khi các nhà quản lý tài sản như BlackRock (BLK) đang khuyến khích khách hàng xem xét các cơ hội đầu tư ở châu Âu, nơi dường như đang có cách xử lý tốt hơn đối với các thách thức về sức khỏe và kinh tế do đại dịch gây ra.
Lo ngại về kinh tế Mỹ và rủi ro địa - chính trị
Theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ công bố vào cuối tháng 7, GDP theo điều chỉnh hằng năm của Mỹ trong quý II sụt giảm đến 32,9%, đánh dấu mức giảm theo quý mạnh nhất kể từ năm 1947, do tình trạng cách ly, phong tỏa đã khiến hàng triệu doanh nghiệp phải đóng cửa và chi tiêu tiêu dùng sụt giảm mạnh vì dịch bệnh. Với triển vọng kinh tế u ám và suy thoái sâu như thế, đồng USD rõ ràng chịu nhiều áp lực suy yếu.
![]() |
Tuy nhiên, điều giới đầu tư lo ngại nhất hiện nay về giá trị của đồng USD chính là các chính sách nới lỏng tiền tệ vô hạn của Chính phủ Mỹ và nợ công ngày càng phình của nền kinh tế số một thế giới. Với việc Quốc hội Mỹ thông qua gói cứu trợ 2.000 tỷ USD và đang xem xét gói 1.000 tỷ USD, dự kiến thâm hụt ngân sách của Liên bang Mỹ năm nay sẽ lên đến 4.000 tỷ USD, tương đương gần 20% GDP. Nhiều khả năng nợ công Mỹ sẽ vượt mức 100% GDP lần đầu tiên kể từ Thế chiến II. Việc Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ của Mỹ đang mâu thuẫn trong việc thống nhất các biện pháp kích thích kinh tế tiếp theo của nước này cũng gây áp lực lớn lên đồng USD.
Chính sách giảm lãi suất cơ bản về mức thấp kỷ lục gần 0% để vực dậy nền kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) càng khiến nhà đầu tư tránh xa đồng USD do lãi suất thực tại Mỹ xuống mức âm. Giới đầu tư cũng lo ngại việc in tiền ồ ạt sẽ đẩy lạm phát tại Mỹ lên cao trong những năm tới, do đó liên tục đổ tiền vào vàng trong thời gian qua.
Mới đây, trong cuộc họp tháng 7, FED quyết định giữ nguyên lãi suất tham chiếu ở mức hiện tại, từ 0-0,25%. Mức này đã được áp dụng từ ngày 15/3/2020, sau hai lần hạ lãi suất khẩn cấp trong tháng. FED cho biết, cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ tạo sức ép lớn lên các hoạt động kinh tế, thị trường lao động và lạm phát trong ngắn hạn, đem đến rủi ro lớn cho triển vọng kinh tế trung hạn.
Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang cộng thêm số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt tại Mỹ cũng kéo giảm giá trị đồng USD. Trong khi đó, theo dự báo của giới phân tích thì xu hướng mất giá của đô la Mỹ có thể chịu ảnh hưởng trầm trọng hơn bởi các yếu tố địa - chính trị. Nếu ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, xu thế đảo ngược toàn cầu hóa sẽ càng làm suy yếu đồng USD và thúc đẩy việc sử dụng nhiều hơn đồng tiền khác trong các giao dịch xuyên biên giới.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, chính chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump là nguyên nhân gây tổn hại cho đồng USD trong thời gian dài. Một nghiên cứu được công bố bởi Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ năm 2017 cho thấy, nhu cầu ngoại tệ đối với đồng USD có thể giảm nếu quốc gia này không đảm bảo được an ninh cho các đồng minh, dẫn đến việc họ có thể chuyển sang dự trữ nhiều hơn đồng euro, đồng yên và đồng nhân dân tệ.