Cải cách thể chế để chặn đà suy giảm kinh tế

Trong nước - Ngày đăng : 01:30, 12/08/2020

Đại dịch Covid-19 đã quay trở lại Việt Nam, dù trước đó đã ngăn chặn virus SARS-CoV-2 tương đối hiệu quả. Do đó, sự phục hồi nền kinh tế sẽ phụ thuộc rất lớn vào cải cách thể chế kinh tế.

Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, việc đánh giá nền kinh tế thị trường là một trong những nội dung quan trọng. Theo TS. Fred McMahon - Viện Nghiên cứu Fraser (Canada), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là đáng nể với tốc độ trung bình 6% trong 10 năm qua. Nhưng Việt Nam cần phải mở rộng tự do kinh tế như Singapore, Hàn Quốc thì mới phát triển mạnh sau đại dịch Covid-19.

Chính phủ đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, nhưng gần hai năm qua, cải cách thể chế có tiến triển nhưng chậm, tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" vẫn không mấy thay đổi. Muốn thay đổi điều ấy, ông Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trọng tâm vấn đề hiện nay là sự chuyển động cả hệ thống, thay vì chỉ người lãnh đạo, bằng các chế tài cụ thể. Thêm nữa, về trung hạn, cần cấu trúc lại bộ máy để đúng nghĩa là Nhà nước kiến tạo phát triển, để tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ các vướng cản trước đó để lại.

chong-dich-covid-4780-1597199674.jpg

Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2015, môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức trung bình của ASEAN 4, nhưng hiện khoảng cách vẫn rất xa. Theo quan sát của TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thì các cải cách đang chậm lại, không chỉ tác động đến phát triển kinh tế hiện tại mà còn ảnh hưởng đến trung và dài hạn. Ông dẫn chứng những quy định không có cơ sở khoa học như cắt giảm diện tích phòng học trong giáo dục nghề nghiệp từ 5-7,5m2/người xuống 5m2/người, nếu căn cứ vào tiêu chí cách mạng công nghiệp 4.0 thì quy định ấy càng vô lý vì nó ngăn cản các mô hình, cách thức kinh doanh mới. Những vấn đề như vậy, theo ông Cung, đang "kìm hãm phát triển xã hội" trong khi cơ quan quản lý nhà nước cũng rất trì trệ do không có công cụ mới để quản lý.

Theo ông Cung, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở nước ta kéo dài trong nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa chuyển đổi hoàn tất hai yếu tố quan trọng. Một là quyền sở hữu và hình thức sở hữu chưa chuyển đổi hoặc chuyển đổi rất chậm. Hai là điều hành, vận hành nền kinh tế phải do thị trường điều tiết, không phải Nhà nước.

"Tư duy để Nhà nước điều hành phát triển kinh tế - xã hội cần phải thay đổi và Nhà nước chỉ nên điều hành ở những lĩnh vực cần thiết - ông Cung nói và phân tích - Ở cấp độ kinh tế thị trường, vai trò Nhà nước và vai trò thị trường không thể tách rời, không thể đối nghịch mà phải bổ sung cho nhau. Như vậy, cần đánh giá cả trên mức độ phát triển thị trường của nền kinh tế và cả hiệu lực của Chính phủ. Nếu hai chỉ số này đều tốt thì nền kinh tế thị trường được xem là nền kinh tế thị trường tốt. Tuy nhiên, cho đến nay, cả hai chỉ số này của Việt Nam đều chưa tốt, mức độ phát triển thị trường vẫn nằm ở top dưới".

Cũng theo ông Cung, Nhà nước sở hữu và kiểm soát thì thị trường không thể vận hành được. Tất nhiên, một khi quyền sở hữu thay đổi thì vai trò điều hành cũng phải chuyển đổi. Khi vai trò Nhà nước chuyển đổi thì những vấn đề chuyển đổi khác chỉ là hệ quả. Sự thay đổi của thị trường các nhân tố sản xuất không thể diễn ra được nếu Nhà nước không thay đổi. Do vậy, cải cách cần được nằm ở hai yếu tố: cải cách sở hữu và cải cách vai trò của Nhà nước. Hướng chuyển sang kinh tế thị trường của Việt Nam hiện nay không nằm ở vế thị trường, mà nằm ở vế Nhà nước. Khi nói sở hữu chuyển sang kinh tế thị trường thì những thị trường liên quan sở hữu, và những thiết chế bảo vệ quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp và người dân là mục tiêu cần nhắm vào để cải cách thể chế.

Nguyễn Hoàng