Quyết định thuê ngoài sản xuất: Tương lai của hãng sản xuất chip Intel?

Quốc tế - Ngày đăng : 02:00, 12/08/2020

Cổ phiếu Intel đã giảm hơn 22% chỉ trong vòng nửa tháng qua, khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu này trước thông tin hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới này sẽ phải thuê ngoài để sản xuất.
chip-7336-1597202441.jpg

Giám đốc điều hành Bob Swan cho biết, Intel đang cân nhắc thuê ngoài sản xuất, cổ phiếu công ty chìm sâu 16%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 - thời điểm thị trường chứng khoán lao dốc vào những ngày đầu của dịch Covid-19.

Trong bối cảnh hầu hết nhà sản xuất chip khác của Mỹ đã đóng cửa hoặc bán nhà máy nội địa từ vài năm trước, đồng thời thuê ngoài các công ty khác để sản xuất linh kiện với chi phí rẻ hơn, hầu hết nằm ở châu Á, riêng Intel vẫn duy trì nhiều nhà máy tại Mỹ với niềm tin có thể cải thiện mọi mặt hoạt động và tạo ra thiết bị bán dẫn tốt hơn.

Trong vài năm qua, Intel đã chi hàng chục tỷ USD để nâng cấp nhà máy và những người tiền nhiệm của ông Swan đều xem những nhà máy này là một lợi thế giúp công ty vượt mặt phần còn lại của ngành sản xuất chip. Với vai trò nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, Intel tận hưởng lợi thế kinh tế từ quy mô và thu hút những kỹ sư và nhà khoa học kỳ cựu nhất.

Tuy nhiên, chiến lược này dường như đã cho thấy sự thất bại, khi mà các nhà máy của Intel không thể bắt kịp với quy trình sản xuất sản phẩm 7 nanomet mới nhất, khiến nhà sản xuất chip lớn nhất trong gần 30 năm qua và sở hữu thiết kế tốt nhất cùng với nhà máy tối tân đang có nguy cơ tụt lại.

Vì vậy, việc ban lãnh đạo công ty muốn dịch chuyển sản xuất ra bên ngoài cũng là điều tất yếu. Dù vậy, trong tình hình căng thẳng giữa các cường quốc ngày càng leo thang, một số chính trị gia và chuyên gia an ninh quốc gia tại Mỹ cho rằng, quyết định chuyển các bí quyết kỹ thuật ra nước ngoài là một sai lầm, tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho nước Mỹ.

Diễn biến ngược chiều của cổ phiếu Intel và TSMC từ cuối tháng 6 đến nay

Diễn biến ngược chiều của cổ phiếu Intel và TSMC từ cuối tháng 6 đến nay

Những con chip Xeon của Intel vận hành máy tính và trung tâm dữ liệu hỗ trợ cho việc thiết kế, vận hành các nhà máy điện hạt nhân, tàu vũ trụ và máy bay phản lực, đồng thời giúp Chính phủ nhanh chóng nhận được thông tin tình báo và các thông tin quan trọng khác. Nhiều trong số chip xử lý này được sản xuất tại các nhà máy ở Oregon, Arizona và New Mexico.

Nếu Intel thuê ngoài để sản xuất, nhiều khả năng Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC) sẽ là doanh nghiệp được chọn vì đây đang là công ty chuyên về sản xuất thuê ngoài hàng đầu thế giới. Công ty này có trụ sở tại Tân Cương - một trong những thành phố Đài Loan thân cận nhất với Trung Quốc.

Trong khi Intel sản xuất hàng trăm triệu chip mỗi năm, thì TSMC sản xuất hơn 1 tỷ chip mỗi năm. Điều này giúp công ty Đài Loan có thêm kinh nghiệm để cải thiện nhà máy, từ đó giúp các kỹ sư của TSMC vượt mặt kỹ sư Intel về mặt kỹ thuật. Mặc dù xảy ra nhiều sự gián đoạn sản xuất, ông Swan vẫn tin rằng các sản phẩm của Intel vẫn tốt nhất, thế nhưng bằng việc mở ra cánh cửa dẫn tới thuê ngoài, CEO Intel đang đe dọa đến một trong những pháo đài cuối cùng trong sự dẫn đầu công nghệ của Mỹ.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của gã khổng lồ gia công chip TSMC tăng vọt ngay sau đó với vốn hóa tăng 72 tỷ USD chỉ trong hai ngày, bằng với vốn hóa của cả Goldman Sachs và lọt tốp 10 công ty vốn hóa lớn nhất thế giới.

Gia Lê